Viêm nội tâm mạc do nhiễm khuẩn răng miệng

06-01-2021 19:00 | Y học 360

SKĐS - Viêm nội tâm mạc là một bệnh lý nghiêm trọng với tỉ lệ tử vong cao cùng di chứng nặng nề. Mối liên hệ giữa các vi khuẩn vùng miệng trong các mảng bám răng và bệnh viêm nội tâm mạc đã được chứng minh trong nhiều thập kỉ và gây ra những khó khăn cũng như e ngại cho các nha sĩ, bác sĩ tim mạch và người bệnh. Vậy mối liên hệ cụ thể như thế nào?

Viêm nội tâm mạc

Viêm nội tâm mạc là tình trạng viêm nghiêm trọng gây đe dọa tính mạng của người bệnh xảy ra tại lớp màng bên trong của các buồng tim và van tim (màng trong tim). Viêm nội tâm mạc thường do nhiễm trùng. Vi khuẩn, nấm hoặc vi trùng khác từ niêm mạc các bộ phận khác của cơ thể (chẳng hạn như miệng), lây lan qua đường máu và bám vào các khu vực tại buồng tim và van tim. Các tổn thương trong tim có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu không được điều trị nhanh chóng, viêm nội tâm mạc có thể làm hỏng hoặc phá hủy van tim.

Ảnh minh họa

Viêm nội tâm mạc có thể phát triển chậm hoặc đột ngột, tùy thuộc vào loại vi trùng nào đang gây nhiễm trùng và liệu có mắc bất kỳ vấn đề cơ bản nào về tim hay không. Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm nội tâm mạc có thể khác nhau ở mỗi người.

Triệu chứng của viêm nội tâm mạc

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của viêm nội tâm mạc bao gồm:

● Đau khớp và cơ bắp

● Đau ngực khi bạn thở

● Mệt mỏi

● Các triệu chứng giống như cúm, chẳng hạn như sốt và ớn lạnh

● Đổ mồ hôi đêm

● Hụt hơi

● Sưng ở bàn chân, cẳng chân hoặc bụng của bạn

Các dấu hiệu và triệu chứng ít phổ biến hơn của viêm nội tâm mạc có thể bao gồm:

● Giảm cân không giải thích được

● Có máu trong nước tiểu

● Lá lách của bạn bị mềm

● Đốm đỏ trên lòng bàn chân hoặc lòng bàn tay (tổn thương Janeway)

● Các nốt đỏ, mềm dưới da ngón tay hoặc ngón chân

● Những đốm nhỏ màu tím hoặc đỏ, được gọi là đốm xuất huyết trên da, trong lòng trắng của mắt hoặc bên trong miệng

Mối liên hệ giữa viêm nội tâm mạc và mảng bám răng

Trong vùng miệng vi khuẩn cư trú trong những tổ chức đặc biệt gọi là mảng bám (màng sinh học) trên bề mặt niêm mạc miệng. Các tổ chức này thường rất đa dạng về chủng loại cũng như số lượng vi khuẩn đặc biệt là các mảng bám trên bề mặt răng và trong các túi nha chu. (Xem thêm:Vai trò của mảng bám trong các bệnh lý nhiễm trùng răng miệng).

Một số hoạt động thường ngày (chải răng), các can thiệp nha khoa (nhổ răng hay phẫu thuật) hay bệnh lý như viêm họng, viêm nha chu… có thể gây tổn thương bề mặt niêm mạc tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu. Các vi khuẩn này có thể di chuyển đến vùng niêm mạc van tim (nội tâm mạc) gây nên tình trạng viêm nhiễm đặc biệt trên người  có tiền sử tổn thương van tim.

Mặc dù còn nhiều tranh cãi, tần suất và cường độ của các vi khuẩn gây ra được cho là có liên quan đến bản chất và mức độ của chấn thương mô, mật độ của hệ vi sinh vật và mức độ viêm hoặc nhiễm trùng tại vị trí chấn thương.

Đối tượng nguy cơ của viêm nội tâm mạc do mảng bám răng

● Tuổi cao (>60 tuổi),

● Thay van tim nhân tạo.

● Có tổn thương, dị tật van tim

● Thiết bị tim cấy ghép trên tim

● Tiền sử viêm nội tâm mạc.

● Sức khỏe răng miệng kém.

Phòng ngừa viêm nội tâm mạc liên quan đến mảng bám răng

Đối với người bệnh:

▪ Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, kiểm soát mảng bám răng.

▪ Điều trị bệnh viêm nha chu nếu có.

-Tránh gây ra những tổn thương không cần thiết trong vệ sinh răng miệng hàng ngày tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu.

Chải răng đúng cách và vừa đủ (xem lại phương pháp chải răng đúng cách).

Không nên sử dụng các vật nhọn sắc như tăm tre để vệ sinh răng.

Lựa chọn bàn chải răng thích hợp (lông mềm) để tránh gây tổng thương răng….

▪ Khám răng định kì 6 tháng một lần và lấy cao răng định kỳ 6 tháng một lần

▪ Nên khám chữa răng tại những cơ sở uy tín.

Đối với nha sĩ

▪ Nhổ răng và các phẫu thuật trong miệng được xem là những can thiệp nha khoa chính có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyến và trầm trọng hơn là viêm nội tâm mạc.

▪ Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Kháng sinh dự phòng đóng một vai trò tích cực trong việc phòng ngừa nhiễm khuẩn huyết do răng nói riêng và các can thiệp nha khoa nói chung. Kháng sinh dự phòng thường được sử dụng là Spiramycin và Metronidazole kết hợp.

PGS.TS Nguyễn Phú Thắng

Trưởng Bộ môn Phẫu thuật trong miệng, Viện đào tạo Răng Hàm Mặt, Đại học Y Hà Nội


Ý kiến của bạn