Viêm nội tâm mạc là một bệnh nhiễm khuẩn thường xảy ra khi vi khuẩn đi vào máu, gắn vào nội mạc cơ tim và các van tim bị tổn thương. Nếu không điều trị, viêm nội tâm mạc có thể gây phá hủy van tim và dẫn đến biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Bệnh biểu hiện thế nào?
Viêm nội tâm mạc có thể phát triển từ từ hoặc đột ngột, tùy thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm khuẩn và có vấn đề về tim. Mặt khác, không phải tất cả các vi khuẩn khi vào máu đều gây viêm nội tâm mạc mà chỉ những vi khuẩn có khả năng gắn vào nội mạc cơ tim và van tim bị tổn thương mới có thể gây bệnh này. Vì vậy, người bệnh thường có biểu hiện sốt âm ỉ kéo dài, người ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức khớp xương và cơ bắp kèm theo các triệu chứng ăn không ngon, giảm cân, đau đầu, đau lưng, khó thở... khiến nhiều bệnh nhân chủ quan nên thường phát hiện muộn và tỷ lệ tử vong cao. Ở giai đoạn muộn, người bệnh có các biểu hiện phù chân hoặc bụng, tái da, đi tiểu kèm theo có máu, đau ở lá lách. Xuất hiện các đốm xuất huyết nhỏ màu tím hoặc đốm đỏ trên da, lòng trắng mắt hoặc bên trong miệng.
Hình ảnh tổn thương tim do viêm nội tâm mạc.
Ai dễ mắc?
Bệnh ít xảy ra ở những người có trái tim khỏe mạnh và thường xảy ra ở những người có bệnh tim trước đó (đã được phát hiện từ trước hay vẫn chưa được phát hiện). Các bệnh tim hay dẫn đến viêm nội tâm mạc gồm: tổn thương van tim do thấp tim hoặc do thoái hóa van tim; sa van hai lá; một số bệnh tim bẩm sinh (như thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch hoặc thường gặp ở những bệnh nhân đã từng phẫu thuật van tim trước đó).
Biến chứng nguy hiểm
Phát hiện muộn hoặc người bệnh không tuân thủ quá trình điều trị sẽ gây nhiễm khuẩn trong các bộ phận khác của cơ thể. Khi đó viêm nội tâm mạc có thể làm phát triển áp-xe ở các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm não, lá lách, thận hoặc gan. Áp-xe có thể phát triển trong cơ tim gây nhịp tim bất thường. Nếu không điều trị, viêm nội tâm mạc có thể làm hỏng van tim và vĩnh viễn tiêu diệt lớp lót bên trong trái tim (màng trong tim). Điều này có thể làm cho trái tim làm việc nhiều hơn để bơm máu, cuối cùng gây suy tim, một tình trạng mạn tính dễ bị tử vong.
Tụ cầu khuẩn - một trong những nguyên nhân gây bệnh.
Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là biến chứng đột quỵ và tổn thương cơ quan. Trong viêm nội tâm mạc, các cụm vi khuẩn và mảnh vỡ tế bào hình thành trong tim. Các khối có thể phá vỡ và di chuyển đến não, phổi, các cơ quan bụng, thận hoặc tứ chi. Điều này có thể gây ra vấn đề khác nhau, bao gồm đột quỵ hoặc thiệt hại cho các cơ quan khác hoặc mô.
Chẩn đoán và điều trị thế nào?
Đối với bệnh nhân trong nhóm nguy cơ cao sau khi khám lâm sàng, nghe tim có biểu hiện nghi ngờ, các bác sĩ có thể yêu cầu làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh chính xác như: xét nghiệm máu, điện tâm đồ (ECG), chụp Xquang, cắt lớp (CT scan) hay chụp cộng hưởng từ (MRI).
Tùy từng trường hợp và mức độ tổn thương, các bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Đối với các bệnh nhân có biến chứng như: suy tim nặng thêm; tình trạng nhiễm khuẩn không khống chế được bằng kháng sinh; tổn thương van nặng nề, tổn thương nhiễm khuẩn lan rộng (hình thành nên những áp-xe ở tim), huyết khối tái đi tái lại, viêm nội tâm mạc trên van tim nhân tạo... cần phẫu thuật để được thay van tim bị tổn thương bằng van nhân tạo.
Lời khuyên của bác sĩ
Nếu phát triển các dấu hiệu nghi ngờ hoặc triệu chứng của viêm nội tâm mạc, cần đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ tư vấn và điều trị, nhất là những bệnh nhân trong nhóm nguy cơ cao mắc các bệnh về tim, khuyết tật tim.
Để phòng viêm nội tâm mạc, những người có yếu tố nguy cơ phải giữ vệ sinh răng miệng tốt. Cần chải, xỉa răng và nướu răng đúng cách, thường xuyên, kiểm tra răng miệng và sức khỏe định kỳ. Nếu có can thiệp về y tế như: lấy cao răng, thủ thuật tai mũi họng... cần thông báo cho bác sĩ về tình trạng tiền sử bệnh tật nếu có. Tránh xâu khuyên cơ thể hoặc xăm hình để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu có các vết thương chảy máu, hở da cần chăm sóc y tế đúng cách, không đắp các loại lá theo sự mách bảo vì dễ nhiễm khuẩn.
Viêm nội tâm mạc xảy ra khi bệnh nhân bị viêm nhiễm trong cơ thể. Khi đó, vi khuẩn vào máu đến tim và bám vào van tim bất thường hoặc mô tim bị tổn thương. Tuy nhiên, đôi khi thủ phạm là một trong nhiều loại vi khuẩn thường sống trong miệng, họng hay phần khác của cơ thể khi cơ thể giảm sức đề kháng, nhân cơ hội viêm nhiễm như: đánh răng, nhai thức ăn trong khi viêm nhiễm răng miệng hoặc sâu răng nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào đường máu và gây bệnh. Do vậy, người bệnh thường chủ quan và nhập viện trong tình trạng nguy kịch khiến cho việc điều trị khó khăn và thường tử vong.
BS. Tuấn Anh