1. Nguyên nhân viêm niêm mạc hang vị dạ dày
Thực tế cho thấy, bệnh viêm niêm mạc hang vị dạ dày ngày càng có xu hướng gia tăng do nhiều nguyên ngân khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chính là do hang vị dạ dày bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (thường gọi là vi khuẩn HP). Vi khuẩn Helicobacter pylori khi xâm nhập vào hang vị dạ dày gây nên tổn thương niêm mạc, nặng hơn là loét niêm mạc ở dạ dày.
Bên cạnh vi khuẩn nói trên, những người uống rượu bia quá nhiều cũng đối diện với nguy cơ cao mắc viêm niêm mạc hang vị dạ dày.
Cùng với đó, những người thường xuyên căng thẳng, lo âu, hút nhiều thuốc lá, chế độ sinh hoạt không khoa học cũng dẫn đến bị viêm niêm mạc hang vị dạ dày.
2. Triệu chứng bệnh viêm niêm mạc hang vị dạ dày
Khó tiêu hóa: Khi vi khuẩn xâm nhập và làm viêm phần niêm mạc ở hang vị dạ dày khiến người bệnh khó tiêu hóa thức ăn hơn, cảm giác nóng ở phần bụng trên.
Buồn nôn: Người viêm niêm mạc hang vị dạ dày cũng thường xuyên xuất hiện triệu chứng buồn nôn, đôi khi chưa ăn uống gì vẫn có cảm giác này.
Đau vùng thượng vị: Đây là một trong những triệu chứng rõ nhất cho thấy người bệnh đã bị viêm niêm mạc hang vị dạ dày, mức độ viêm càng nặng càng đau nhiều, đồng thời thỉnh thoảng người bệnh còn bị đầy hơi.
Thay đổi thể trạng: Sau một thời gian bị viêm niêm mạc hang vị dạ dày, người bệnh có thể trạng mệt mỏi, đi cầu thất thường, phân chuyển màu xám hoặc đen.
3. Chẩn đoán và điều trị viêm niêm mạc hang vị dạ dày
Bác sĩ căn cứ vào các triệu chứng (như đã nêu ở phần trên) kết hợp với khám lâm sàng để chẩn đoán bệnh.
Đồng thời, để có kết quả chính xác, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân nội soi dạ dày. Nội soi hiện nay là biện pháp phổ biến nhất, căn cứ vào hình ảnh từ nội soi, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh một cách nhanh chóng và chính xác.
Khi phát hiện người bệnh bị viêm niêm mạc hang vị dày dày, bác sĩ cho bệnh nhân sử dụng một số loại kháng sinh như larithromycin, amoxicillin, metronidazol và levofloxacin để điều trị.
Đồng thời, bệnh nhân cũng được bác sĩ dặn kỹ chế độ điều trị hỗ trợ đó là: Kiêng rượu, bia, các chất kích thích, hạn chế căng thẳng trong quá trình điều trị. Sử dụng nhiều trái cây tươi, rau xanh, tránh tối đa các thực phẩm có nhiều dầu, mỡ (gây khó tiêu, ảnh hưởng dạ dày).
4. Cách phòng ngừa bệnh viêm niêm mạc hang vị dạ dày
Có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa bệnh viêm niêm mạc hang vị dạ dày như:
Hạn chế tối đa sử dụng các loại thực phẩm, dinh dưỡng quá cay, chua, những thực phẩm bị chiên (rán) nhiều lần. Tránh dùng nhiều rượu-bia, cà phê cũng như các chất kích thích vì các chất này gây ảnh hưởng mạnh đến đường tiêu hóa.
Duy trùy chế độ khám sức khỏe định kỳ.
Khi thấy có dấu hiệu bất thường như đau phần thượng vị hay buồn nôn mà nghi ngờ bệnh liên quan đến dạ dày thì đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra, nội soi. Không nên tự điều trị hay uống các loại thuốc theo truyền miệng.
Cùng với đó, người bình thường cần tránh tiếp xúc bằng miệng với nước bọt của người đang bị bệnh. Người bị bệnh sau khi đi vệ sinh phải rửa tay bằng xà phòng cẩn thận bởi vi khuẩn Helicobacter pylori có thể tồn tại trong phân và nước bọt của người bệnh.