Hà Nội

Viêm nhiễm vùng hàm mặt: Coi chừng nguy biến

06-09-2017 13:36 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm nhiễm vùng hàm mặt là một loại bệnh lý rất đa dạng, do nhiều nguyên nhân gây nên. Là bệnh rất hay gặp, chiếm một tỷ lệ tương đối cao trong số bệnh nhân điều trị hàm mặt ở mọi lứa tuổi.

Khi viêm nhiễm nếu không điều trị có thể biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng bệnh nhân. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng.

Sưng vùng mặt, do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm nhiễm vùng hàm mặt khiến bệnh nhân bị sưng tấy, lệch mặt nhanh chóng.

Đối với nguyên nhân do răng thường gặp là do mọc răng: Thời kỳ mọc răng có sự xáo trộn của xương hàm, tiêu chân răng sữa, chuẩn bị mọc răng vĩnh viễn nên có nhiều khe kẽ để vi khuẩn xâm nhập. Đặc biệt nguyên nhân do răng khôn mọc lệch hay gây lợi trùm dẫn đến dắt thức ăn cộng với xỉa răng dẫn đến viêm.

Do sâu răng dẫn đến viêm tủy, viêm quanh cuống... tổ chức phần mềm hoặc xương (môi trường tủy hoại tử thuận lợi cho vi khuẩn kỵ khí, ái khí phát triển, lan qua lỗ cuống răng gây viêm xương hàm và phần mềm (các răng sữa ít gây viêm phần mềm mà chỉ gây áp-xe dưới màng xương vì chân răng ngắn).

Bệnh vùng quanh răng, đặc biệt viêm quanh răng... lan ra tổ chức phần mềm (mủ từ túi lợi lan qua xương ổ răng lan đến phần mềm).

Đối với nguyên nhân không do răng khiến viêm tấy vùng mặt là do chấn thương, vết thương hàm mặt: vết thương phần mềm, gãy hở có mảnh vụn, gãy qua chân răng...; nhiễm khuẩn các khối u lành tính, ác tính, đặc biệt các u có liên quan đến xương hàm, răng. U ác tính có loét. Nhiễm khuẩn qua đường da, niêm mạc do nguyên nhân khác nhau (nang lông, tuyến bã)... có thể là nguyên nhân khiến vùng mặt sưng tấy, viêm nhiễm.Khám răng định kỳ giúp phát hiện sớm viêm nhiễm vùng hàm mặt.

Khám răng định kỳ giúp phát hiện sớm viêm nhiễm vùng hàm mặt.

Các tổn thương thường gặp và cách xử trí

Do vùng hàm mặt có hệ thống mạch máu, thần kinh nuôi dưỡng khi bị viêm nhiễm tại chỗ có phản ứng sưng nề nhanh, đồng thời đây cũng vùng hàm mặt liên quan chặt chẽ với sọ não, trực tiếp là nền sọ trước. Mạch máu nuôi dưỡng vùng hàm mặt chủ yếu là các nhánh của động mạch cảnh ngoài nhưng lại có vòng nối với động mạch cảnh trong qua động mạch gốc mắt trong. Cho nên nhiễm khuẩn vùng hàm mặt tuy không phải là bệnh nguy hiểm, nhưng hay có những biến chứng rất nặng nếu không được dự phòng, điều trị tích cực và có hiệu quả.

Dưới đây là một số tổn thương thường gặp:

Viêm tấy vùng cơ cắn góc hàm: Nguyên nhân viêm tấy vùng cơ hàm chủ yếu do răng khôn, có thể sau gãy xương góc hàm, đặc biệt gãy liên quan đến răng, gãy  xương hàm nhiều mảnh vụn hoặc bệnh lý tủy răng, cuống răng. Người bệnh thường bị sưng, nóng, đỏ, đau ở vị trí gãy, hoặc răng, lan tràn ra vùng góc hàm và xung quanh (xuống thấp hoặc lên trên) tại chỗ đau nhức liên tục, căng tức, không dám há miệng tăng cảm ngoài da. Bệnh nhân sốt cao, ăn khó, đau nhức, có trường hợp rất mệt mỏi, khó thở, hạn chế há miệng, khít hàm. Tại chỗ sưng, nóng, đỏ, đau ở vị trí gãy, hoặc răng, lan tràn ra vùng góc hàm và xung quanh (xuống thấp hoặc lên trên) tại chỗ đau nhức liên tục, căng tức, không dám há miệng tăng cảm ngoài da. Đối với trường hợp viêm tấy vùng góc hàm tùy từng nguyên nhân mà có các điều trị thích hợp có thể phải nhổ răng, điều trị răng, điều trị gãy xương.

Viêm tấy vùng má: Khi bị viêm tấy vùng má hay gặp là các răng hàm nhỏ của hàm trên và hàm dưới, ngoài ra cũng có thể gặp áp-xe di chuyển mà nguyên nhân từ răng khôn hàm dưới (mủ từ túi viêm quanh thân răng khôn đi dọc gờ chéo ngoài của xương hàm dưới và tụ lại ở cơ mút gây áp-xe vùng má). Bệnh nhân mệt mỏi, sốt 38-39oC, có phản ứng hạch dưới hàm. Những ngày đầu thấy sưng, nóng, đỏ, đau vùng má, rãnh tự nhiên bị xóa. Khi viêm đã tụ mủ thì bệnh nhân đỡ đau. Há miệng thấy niêm mạc má phồng đỏ. Có thể thấy răng nguyên nhân là một răng hàm nhỏ bị viêm quanh cuống hoặc răng khôn đang mọc có viêm quanh thân răng. Tùy từng trường hợp cần xử trí thích hợp như dùng kháng sinh toàn thân, giảm đau, chống viêm. Nếu có điều kiện thì mở tháo trống tủy răng nguyên nhân.

Viêm tấy tỏa lan vùng sàn miệng: Hầu hết các nhiễm khuẩn từ các chân răng hàm lớn hàm dưới lan qua xương hàm vào vùng sàn miệng. Do chấn thương gãy xương hai bên vùng cằm, rách niêm mạc miệng, máu tụ để lâu nhiễm khuẩn; do viêm cấp abces hóa tuyến nước bọt dưới hàm, viêm hoại tử hạch bạch huyết dưới hàm. Do bội nhiễm các nang: nang giáp móng, nang khe mang. Bệnh nhân trong những ngày đầu sốt rất cao 39-40oC sau đó xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng. Bệnh nhân vật vã, khó thở, khó nuốt. Tại chỗ sưng to vùng dưới hàm sàn miệng một bên sau đó lan nhanh sang bên đối diện.  Vùng sưng có thể lan rộng xuống cổ ngực, lên vùng cơ cắn, mang tai, thái dương. Mặt hình quả lê, da đỏ, căng chắc, sờ có thể thấy dấu hiệu lạo xạo hơi dưới da (do hoại thư sinh hơi). Miệng ở tư thế nửa há (há không được to, ngậm không được kín) lưỡi bị đẩy gò lên cao và tụt ra sau gây khó thở, khó nuốt và khó nói. Nước bọt chảy nhiều, mùi hôi thối, bệnh nhân có thể tử vong do khó thở cấp, nhiễm khuẩn máu, áp-xe não, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang hoặc viêm trung thất. Về điều trị, cần cho dùng kháng sinh liều cao, chống viêm và thuốc điều trị đặc hiệu. Các bác sĩ rạch dẫn lưu rộng, càng sớm càng tốt.


BS. Lê Mạnh Hải
Ý kiến của bạn