Đơn cử như trường hợp của bệnh nhi Vũ Đức M. 9 tuổi trú tại Quang Trung, Uông Bí (Quảng Ninh). Người nhà bệnh nhi cho biết, khoảng 2 ngày trước khi nhập viện trẻ kêu đau đầu nhiều, gia đình cho trẻ dùng giảm đau nhưng không đỡ.
Đến buổi tối cùng ngày, sau khi ăn cơm tối, trẻ nôn ra thức ăn, có biểu hiện lơ mơ. Gia đình đã đưa trẻ đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Trẻ nhập viện ngày 13/10 trong tình trạng lơ mơ, li bì, nhịp thở yếu, không đều. Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực cho trẻ, hỗ trợ thở oxy, truyền dịch, đặt nội khí quản…
Sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm não. Sau 2 ngày điều trị tích cực kết hợp với an thần, thở máy, sử dụng thuốc trẻ được rút nội khí quản và và tập ăn. Hiện tại, sau hơn 10 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhi đang dần hồi phục và đáp ứng tốt với phác đồ điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh
BSCKII. Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Trưởng khoa Nhi (BV Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) cho biết: Viêm não là tình trạng viêm của nhu mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh - tâm thần khu trú hoặc lan tỏa.
Nguyên nhân thường gặp do virus: herpes virus; do arbovirus lây truyền do muỗi, bét hoặc các côn trùng khác; bệnh dại gây nên do vết cắn của một số động vật nhiễm bệnh như chó, mèo. Trong một số trường hợp hiếm gặp, viêm não thứ phát có thể xuất hiện sau khi trẻ mắc một số bệnh nhiễm trùng thường gặp như sởi, rubela, thủy đậu (rất hiếm)...
Ngoài ra một số yếu tố nguy cơ gây bệnh viêm não như:
- Tuổi: Người già và trẻ em thường dễ mắc viêm não hơn, khi mắc bệnh dễ trở nặng hơn.
- Suy giảm miễn dịch: Bệnh nhân suy giảm miễn dịch như người bị HIV/AIDS hoặc đang dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch, hoặc do ghép tạng có nguy cơ cao mắc viêm não cao hơn. -Môi trường sống: Môi trường sống ở nơi có nhiều muỗi hoặc ve mang virus gây bệnh có thể khiến bạn có nguy cơ cao bị viêm não….
Các giai đoạn phát triển của bệnh
Viêm não virus tiến triển từ giai đoạn khởi phát đến toàn phát. Tuy nhiên các dấu hiệu ở giai đoạn khởi phát lại rất mơ hồ nên người bệnh thường dễ bỏ qua, còn đến giai đoạn toàn phát với các triệu chứng rõ rệt thì bệnh đã ở mức độ nặng.
Giai đoạn khởi phát, sốt thường xảy ra đột ngột, liên tục 39-40oC, nhưng cũng có khi sốt nhẹ; nhức đầu, quấy khóc, kích thích, kém linh hoạt, nôn mửa.
Có thể có các triệu chứng khác tùy theo loại virus như: ho, chảy nước mũi; tiêu chảy, phân không có nhầy, máu; phát ban: mẩn đỏ, bọng nước hoặc ban ở lòng bàn tay, bàn chân kèm loét miệng (bệnh tay - chân - miệng gặp ở viêm não do Enterovirus 71).
Sau giai đoạn khởi phát là giai đoạn toàn phát các biểu hiện thần kinh nhanh chóng xuất hiện như: rối loạn tri giác từ nhẹ đến nặng như: ngủ gà, li bì, lơ mơ đến hôn mê, co giật; có thể có các dấu hiệu thần kinh khác: dấu hiệu màng não, các dấu hiệu thần kinh khu trú (liệt nửa người hoặc tứ chi), tăng hoặc giảm trương lực cơ... Có thể có suy hô hấp, phù phổi cấp, suy tim hoặc sốc.
Di chứng của viêm não rất nặng nề với những tổn thương trầm trọng, ảnh hưởng đến tâm thần và vận động, để lại nhiều di chứng cho trẻ. Do vậy, khi trẻ có các biểu hiện như sốt cao, buồn nôn, nôn, đau đầu... cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng hơn.
Phòng bệnh viêm não bằng cách
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nằm màn chống muỗi đốt.
- Ăn chín, uống chín để tránh lây nhiễm mầm bệnh qua đường tiêu hoá.
- Vệ sinh ngoại cảnh, không nuôi gia súc gần nhà, gần khu dân cư.
- Diệt côn trùng tiếp xúc trung gian truyền bệnh, diệt bọ gậy, diệt muỗi.
- Tiêm vaccine định kỳ.