Không chỉ ở trẻ em – vốn là đối tượng hay mắc bệnh viêm não Nhật Bản, hiện nay đã xuất hiện một số ca viêm não Nhật Bản với tổn thương khá nặng ở người lớn. Các chuyên gia nhận định, đây là điều đáng lo ngại bởi thời điểm hiện tại mới là đầu mùa dịch.
* 5% trẻ đã tiêm phòng vẫn có thể mắc bệnh
Điều trị cho bệnh nhi viêm não Nhật Bản tại BV Nhi Trung ương. Clip: D.Hải.
Tổn thương nặng nề cả não và tủy sống
BV Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho một số ca bệnh viêm não Nhật Bản người lớn, chủ yếu đến từ Hà Nội. Bệnh nhân N.H.Y (20 tuổi, quê tại Đông Anh, Hà Nội) nhập viện ngày 28/6. Trước khi vào viện 3 ngày, bệnh nhân sốt cao, rét run, sau đó xuất hiện tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ, đại tiểu tiện không tự chủ, yếu nửa người bên phải. Bệnh nhân vào BVĐK huyện Đông Anh khám và được các bác sĩ chẩn đoán viêm não, rồi chuyển lên BV Nhiệt đới Trung ương.
BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu, BV Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Bệnh nhân Y. vào viện trong tình trạng đờ đẫn, không tiếp xúc, yếu và liệt chân tay, có những cơn co giật. Bệnh nhân có sốt cao liên tục, sau đó hôn mê sâu dần, phải đặt ống nội khí quản, thở máy”.
“Ban đầu khi được đưa vào viện, các xét nghiệm chẩn đoán viêm não Nhật Bản của bệnh nhân đều âm tính. Tuy nhiên đến ngày 1/7 đã cho kết quả dương tính. Hiện, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, đang phải thở máy. Tiên lượng bệnh khá nặng nề, kể cả trong trường hợp điều trị tốt nhất, có qua khỏi được vẫn có thể có di chứng, có thể có yếu tố thần kinh, liệt cơ…”- BS. Cấp cho biết thêm.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Chu Thị T. (18 tuổi, quê ở Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội) nhập viện ngày 17/6, cũng được chuyển từ tuyến dưới lên. Trước đó, bệnh nhân có triệu chứng đau đầu, sau một ngày xuất hiện sốt cao 40 độ C, có cơn rét run, buồn nôn và nôn. Bệnh nhân được đưa vào BV Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng chậm chạp, lơ mơ, sốt cao liên tục, có yếu cả hai bên chân tay, yếu cơ tăng dần, trở thành liệt toàn bộ chân tay. Đến ngày thứ 6 xuất hiện tình trạng liệt, tiến triển tăng dần, liệt đến cơ hô hấp phải thở máy.
BS. Cấp cho hay, với ca bệnh này, chụp phim MRI cho thấy tình trạng tổn thương lan tỏa cả vùng não, tủy sống; kết quả xét nghiệm khẳng định viêm não Nhật Bản dương tính. Bệnh nhân được điều trị theo hướng viêm não với những tổn thương rất nặng nề lan tỏa cả não, cả tủy. Đến nay, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện đáng kể, cai được máy thở nhưng cơ chân tay vẫn còn liệt. Các bác sĩ tiên lượng bệnh nhân có thể hồi phục nhưng vẫn có thể có di chứng, nguy hiểm nhất là di chứng thần kinh.
Theo BS. Cấp, viêm não virus có các thể trực tiếp do virus tấn công vào não như viêm não Nhật Bản, Herpes và một số viêm não khác (với thể này, việc điều trị có thể đơn giản, ít di chứng hơn). Trong hai virus gây viêm não trực tiếp, viêm não Herpes có thuốc điều trị đặc biệt, nếu điều trị sớm tiên lượng tốt hơn. Với viêm não Nhật Bản, hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể hồi sức, duy trì đợi bệnh nhân tự hồi phục nên tỉ lệ tử vong cao. Nếu khỏi bệnh thì tỉ lệ di chứng cũng cao hơn, song cũng may mắn là bệnh này đã có vắc xin phòng bệnh.
Chăm sóc cho bệnh nhi viêm não Nhật Bản tại BV Nhi Trung ương.
Cẩn trọng với sốt, nôn khan ở trẻ
Có mặt tại khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương, chúng tôi chứng kiến có những bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản trong tình trạng nặng phải thở máy. Theo các bác sĩ, từ đầu “mùa viêm não” năm nay xuất hiện một số trường hợp trẻ lớn (khoảng 12,13 tuổi) cũng nhập viện điều trị vì căn bệnh này. Đây là điều khác so với mọi năm.
Anh Nguyễn Văn Thống (Hạ Long, Quảng Ninh), bố bệnh nhi Nguyễn Thuỷ Tiên (4 tuổi) đang điều trị viêm não Nhật Bản tại đây cho biết: Trước khi nhập viện, cháu có biểu hiện sốt kéo dài, nôn liên tục mặc dù vẫn vui đùa với mọi người xung quanh. Gia đình đưa cháu đến BVĐK Bãi Cháy điều trị, sau đó được chuyển lên BV Nhi Trung ương trong tình trạng người mê mệt, không tỉnh. Đến nay, sau 7 ngày điều trị cháu đã tỉnh táo, phản ứng tốt, nhanh nhẹn hơn nhiều…
Chị Vũ Thị Thuỷ (Ân Thi, Hưng Yên) thì cho hay, bé trai Đặng Nam Phong nhà chị mới 13 tháng tuổi và chưa được tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản. Khi thấy con sốt cao 39 độ C, nôn nhiều, kém ăn, quấy khóc gia đình đã đưa con đi khám và được các bác sĩ chẩn đoán mắc căn bệnh này.
BS. Đỗ Thiện Hải, Phó khoa Truyền nhiễm cho biết, thời gian 3 tuần trở lại đây, khoa Truyền nhiễm ghi nhận khoảng 30-40 ca viêm não Nhật Bản. Một số ca bệnh nặng đã phải thở máy. So với các năm, năm nay có khác là tỉ lệ trẻ mắc viêm não cao hơn bình thường một chút, tuổi của trẻ mắc bệnh cũng lớn hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng cho rằng, đây mới chỉ là nhận định ở thời điểm hiện tại, thông thường nếu muốn đánh giá cần có các con số thống kê chính xác đến hết mùa dịch.
Một số trường hợp trẻ lớn mắc viêm não Nhật Bản khá nặng nề và phải thở máy.
Dịch bất thường?
Đánh giá về bệnh viêm não Nhật Bản, BS. Hải cho rằng, đây là căn bệnh cổ điển, việc xác định căn nguyên cũng đã rất rõ ràng là do một loại virus gây nên. Loại virus này có thể lây truyền qua muỗi đốt. Bệnh tuy đã có vắc xin phòng, song vẫn có tỉ lệ nhất định người đã tiêm rồi vẫn mắc bệnh.
“Từ thực tế chúng tôi điều trị cho các trẻ lớn 12, 13 tuổi, thông thường khi hỏi các bà mẹ về việc tiêm phòng, họ đều nói có tiêm đủ mũi nhưng khi hỏi cụ thể là tiêm những mũi gì thì các bà mẹ khó xác định được do thời gian đã khá lâu nên không nhớ!. Bên cạnh đó, kể cả việc tiêm đúng và đầy đủ các mũi thì theo thống kê vẫn còn khoảng 5% trẻ đã tiêm vẫn mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Do đó, vẫn có một tỉ lệ trẻ nhất định tiêm vắc xin phòng bệnh rồi nhưng vẫn mắc căn bệnh này”- BS. Hải lý giải.
Ở trẻ em, BS. Hải cho biết, triệu chứng của bệnh vẫn chưa có gì khác thường, phụ huynh cần chú ý phát hiện sớm, theo dõi sát sao các dấu hiệu sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn khan, nôn không liên quan đến ăn uống, trẻ chậm chạp, quấy khóc, rối loạn ý thức, nếu để lâu có thể hôn mê, co giật, liệt tay liệt chân.
Các bác sĩ khuyến cáo, tiêm vắc xin phòng bệnh vẫn là biện pháp tốt nhất phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt các vùng có yếu tố dịch tễ như trung du miền núi phía Bắc… Khi trẻ có dấu hiệu sốt, đau đầu không được tự ý mua thuốc về uống dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng tốt, tiêm phòng đầy đủ để trẻ có khả năng miễn dịch tốt, phòng bệnh hiệu quả.
Ở người lớn, BS. Cấp nhận định, viêm não Nhật Bản vốn rất hiếm gặp ở đối tượng này, tuy nhiên mới đầu mùa dịch năm nay đã xuất hiện 2 ca, một ca bệnh khác cũng nghi ngờ viêm não Nhật Bản và đang chờ kết quả xét nghiệm chính xác. Tuy chưa đủ để kết luận bất thường, nhưng theo nhận định của các bác sĩ đây cũng là yếu tố đáng lo ngại, bởi đây mới là thời điểm bắt đầu mùa dịch.
BS. Cấp cũng khuyến cáo, viêm não Nhật Bản chỉ sau 1, 2 ngày sốt đã tấn công hệ thần kinh, do đó, bất cứ trường hợp nào sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn, rối loạn tri giác cần đến bệnh viện ngay.
Dương Hải