Hà Nội

Viêm não Nhật Bản Bệnh hay gặp ở trẻ em

27-08-2013 09:53 | Đời sống
google news

Thời gian gần đây, một căn bệnh của trẻ em đã làm nhiều người quan tâm vì tỉ lệ tử vong cao và những di chứng tàn phế mà bệnh để lại cho trẻ đó là bệnh viêm não Nhật Bản.

Thời gian gần đây, một căn bệnh của trẻ em đã làm nhiều người quan tâm vì tỉ lệ tử vong cao và những di chứng tàn phế mà bệnh để lại cho trẻ đó là bệnh viêm não Nhật Bản. Bệnh do virut gây nên, thường xuất hiện quanh năm và tăng vào đầu mùa mưa do muỗi có tên là muỗi Culex, là một vật trung gian truyền bệnh.

Viêm não Nhật Bản - Nguy hiểm nhưng có thể đề phòng

Đây là bệnh gây viêm nhiễm thần kinh cấp tính làm tổn thương nặng nề bộ não. Tại sao lại gọi là viêm não “Nhật Bản”? Bởi vì, chính tại nước Nhật Bản, người ta đã phát hiện ra trường hợp viêm não đầu tiên do tác nhân này. Vào năm 1935, tại Nhật Bản, các nhà khoa học lần đầu tiên tìm thấy nguyên nhân gây bệnh là một loại siêu vi thuộc nhóm B của một dòng siêu vi có tên là Arbovirus. Virut gây bệnh viêm não Nhật Bản-B sống trong thiên nhiên ở các loại chim như: bông lau, rẻ quạt, sẻ nhà, chích chòe, cò, sáo, quạ, cu gáy... muỗi chích hút máu chim nhiễm siêu vi rồi chích truyền bệnh sang người, chủ yếu là trẻ em và gia súc như lợn, bò, ngựa, dê, đặc biệt là lợn. Tuy nhiên không phải loại muỗi nào cũng truyền được bệnh mà chủ yếu là muỗi có tên khoa học là Culex Tritaeniorhycus. Ở nước ta, loài muỗi này có nhiều ở miền Bắc, xuất hiện nhiều vào những mùa tháng nóng, thích hút máu gia súc, ban ngày sống trong các bụi cây ngoài vườn, đêm bay vào nhà hút máu gia súc và người, thích đẻ trứng trong ruộng lúa, mương máng. Năm khắc nghiệt làm loại muỗi này sinh sôi, phát triển mạnh hơn nên bệnh viêm não Nhật Bản có khả năng sẽ phát triển nhiều hơn mọi năm. Tuy cùng nhiễm virut viêm não Nhật Bản-B nhưng chim sẽ không bị mắc bệnh, lợn cũng bị nhiễm dạng tiềm tàng nhưng người có thể bị viêm não. Vì vậy cần tránh để chuồng chim, chuồng nuôi lợn ngay trong nhà vì có thể là ổ virut viêm não Nhật Bản B.

Viêm não Nhật Bản Bệnh hay gặp ở trẻ em 1
 Điều trị bệnh viêm não do virut cho trẻ em tại BV Nhi Trung ương.

Dấu hiệu phát hiện bệnh

Nhiễm virut viêm não Nhật Bản thường không có triệu chứng. Thời gian ủ bệnh trong khoảng 5-15 ngày. Các triệu chứng của bệnh bao gồm: sốt xuất hiện đột ngột, nhức đầu, dấu hiệu màng não (cứng gáy, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa, mê sảng, vật vã, trẻ em có thể bị hôn mê). Tỉ lệ tử vong của viêm não Nhật Bản khoảng 30%. Những bệnh nhân khỏi bệnh thì 1/3 để lại di chứng về thần kinh. Trong trường hợp bệnh nặng không có điều trị đặc hiệu nào. Ngược lại, vaccin phòng bệnh được khuyên dùng cho những người có nguy cơ cao.
Khi mắc bệnh, trẻ thường có hiện tượng sốt cao 39-400C, xuất hiện những cơn co giật nửa người hoặc toàn thân theo kiểu động kinh nhiều lần trong ngày, mắt trợn ngược, thở khò khè, nhiều đờm nhớt, nôn mửa và mê man. Trẻ có  thể tử vong vì suy hô hấp, trụy tim mạch. Nếu được cứu chữa kịp thời và tích cực, trẻ có thể khỏi bệnh nhưng bị những di chứng với nhiều mức độ nặng nhẹ như: bại liệt, cấm khẩu không nói được, mất trí nhớ, cử động dị thường ngoài ý muốn như run rẩy, uốn éo, lắc lư, gồng cứng người, động kinh... Tỉ lệ trẻ viêm não Nhật bản B bị di chứng khá cao: có đến 80% trẻ khỏi bệnh bị những di chứng thần kinh - tâm thần, có khi vĩnh viễn.

Đến nay, viêm não Nhật Bản B cũng như nhiều bệnh khác do siêu vi gây ra là bệnh chưa có thuốc đặc trị. Điều trị chủ yếu là giảm bớt phần nào các  triệu chứng, cứu người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch do suy hô hấp, trụy tim mạch. Sau đó, điều trị những di chứng phục hồi vận động, tâm thần nhưng kết quả điều trị phục hồi này rất hạn chế.

Phòng ngừa bệnh bằng cách nào?

Hiện nay, căn bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để phòng bệnh, cần tiêm vaccin, chống muỗi đốt và nhớ nằm màn khi ngủ. Ngoài ra, cần tích cực vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, thả  cá diệt bọ gậy, thu dọn rác thải, ở vùng nông thôn, miền núi cần loại bỏ tập quán nuôi súc vật như lợn gần nhà vì lợn là ổ chứa virut, muỗi đốt lợn sẽ lan tràn virut đi xa.      

    Bs. Lê Thu Hương


Ý kiến của bạn