Hà Nội

Viêm não mô cầu dễ lây lan, nhiều biến chứng

13-02-2014 06:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - TS.BS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: Bệnh viện hiện đang cấp cứu điều trị cho một bệnh nhân nam (xã Khai Thái - Phú Xuyên - Hà Nội) mắc viêm não mô cầu - đây là trường hợp đầu tiên mắc trong năm 2014.

TS.BS. Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết: Bệnh viện hiện đang cấp cứu điều trị cho một bệnh nhân nam (xã Khai Thái - Phú Xuyên - Hà Nội) mắc viêm não mô cầu - đây là trường hợp đầu tiên mắc trong năm 2014. Viêm màng não mô cầu là bệnh nguy hiểm, có thể lây qua đường hô hấp, dễ lây thành dịch do vi khuẩn Neisseria meningitidis xâm nhập gây nên. Bệnh diễn biến cấp tính, tỉ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách và kịp thời.

Bệnh diễn biến nhanh và nguy hiểm

Ngày 9/2, bệnh nhân Bùi Hữu Đ. (20 tuổi) có biểu hiện đau họng, nhức đầu, người mệt mỏi, do nghĩ là bệnh viêm họng, cảm cúm nên đã tự mua thuốc uống nhưng không đỡ, sau đó được người nhà đưa ra trạm y tế để khám và được chuyển đến Bệnh viện huyện Phú Xuyên. Sau khi khám, bệnh nhân xuất hiện các nốt ban xuất huyết hoại tử trên da, sốt, tụt huyết áp. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bệnh nhân Bùi Hữu Đ. đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TW.

Bệnh nhân Bùi Hữu Đ. đang được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới TW.

BS. Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ngày 10/2, khi tiếp nhận, bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, toàn thân xuất hiện nhiều ban hoại tử và huyết áp tụt, tri giác lơ mơ, các bác sĩ cũng tiến hành soi vi khuẩn, xét nghiệm. Đến sáng 12/2, kết quả khẳng định bệnh nhân nhiễm viêm não mô cầu. Diễn tiến bệnh ở người này rất nhanh, nhưng rất may đã nhập viện và điều trị kịp thời nên đến nay, tình trạng bệnh tiến triển khả quan.

Thống kê dịch tễ cho thấy, có tới 20 - 30% người mang vi khuẩn não mô cầu nhưng không có biểu hiện bệnh và vẫn sống khỏe. Chính vì vậy, bệnh rất dễ lây lan và bùng phát thành dịch nguy hiểm. Bệnh xuất hiện chủ yếu vào các mùa thu, đông và xuân. Bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh thành, nhiều nhất ở các tỉnh phía Bắc. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ em là nhóm có nguy cơ cao.

Hình ảnh vi khuẩn gây viêm não mô cầu.

Hình ảnh vi khuẩn gây viêm não mô cầu.

Cần được phát hiện và cấp cứu kịp thời

Theo ThS.BS. Nguyễn Hồng Hà - Bệnh viện Nhiệt đới TW, dấu hiệu của bệnh viêm não mô cầu ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân thường bỗng nhiên sốt kèm ớn lạnh, rét run, nhức mỏi, đau đầu. Ở giai đoạn nặng có tổn thương não thì bệnh nhân sốt, co giật hoặc mê sảng, nôn ói, xuất hiện các nốt tử ban. Các vết ban đỏ nổi ngoài da đối với viêm não mô cầu thường có tím thẫm hoặc to bằng đầu đũa, hoặc là mảng lớn hơn. Các nốt tử ban xuất hiện trong 1 - 2 ngày có biểu hiện bệnh, trong khi đó, sốt phát ban hay sốt xuất huyết, nốt ban thường có màu nhạt hơn và nhỏ hơn và trổ ban từ sau 3 - 4 ngày. Do vậy, nếu không được cấp cứu, điều trị sớm, bệnh nhân có nguy cơ bị di chứng về thần kinh, ảnh hưởng các dây thần kinh cảm giác, gây tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề tâm lý. Nếu biến chứng nghiêm trọng có khi phải cắt bỏ các chi hoặc tử vong.

Tổn thương do viêm não mô cầu.

Tổn thương do viêm não mô cầu.

Khuyến cáo của thầy thuốc

Theo ThS.BS. Nguyễn Hồng Hà, do bệnh xuất hiện theo mùa, nhất là thời tiết lạnh như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây viêm não mô cầu phát triển. Vì vậy, để phòng tránh mắc viêm não mô cầu, không nên tập trung nơi đông người, thường xuyên vệ sinh răng miệng, khi hắt hơi hay ho, cần lấy khăn che miệng hoặc đeo khẩu trang khi bị viêm đường hô hấp. Tránh tiếp xúc gần với người bị ho, sốt, đau họng.

Đối với nơi xuất hiện ổ dịch, cần tiêm vaccin phòng bệnh, nhất là trẻ em và người già, người trong nhóm nguy cơ cao. Nếu thấy có biểu hiện nghi ngờ, cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được khám và điều trị tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Biện pháp phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường, cần duy trì vệ sinh răng miệng, hầu, họng.

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở: thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.

- Chủ động tiêm phòng vaccin phòng bệnh.

- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.

- Khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu, cần thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời.

- Nếu trong tập thể xuất hiện viêm màng não do não mô cầu được xác định, cần hạn chế tụ họp, mọi người thực hiện đeo khẩu trang phòng bệnh. Ngoài ra có thể tổ chức uống kháng sinh dự phòng khẩn cấp theo chỉ định của bác sĩ.

Bài và ảnh: Thảo Lan

(Nguồn: Cục Y tế dự phòng)


Ý kiến của bạn