Viêm não do virut và lưu ý khi dùng thuốc

17-07-2017 07:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mùa hè, thời tiết nóng nực tạo điều kiện thuận lợi cho các loại muỗi, ký sinh trùng sinh sôi nảy nở lây truyền bệnh cho người, trong đó có bệnh viêm não do virut.

Vậy khi bị bệnh, người bệnh cần lưu ý gì trong quá trình dùng thuốc?

Bệnh viêm não virut là một quá trình bệnh lý viêm xảy ra ở tổ chức nhu mô não, do nhiều loại virut có ái lực với tế bào thần kinh gây ra. Đây là bệnh rất nguy hiểm, để lại di chứng nặng nề, nguy cơ tử vong cao... Bệnh lây truyền có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do muỗi và các con vật ký sinh như ve, bọ chét... lây virut từ động vật sang người do hút máu.

Đặc điểm lâm sàng của bệnh này rất đa dạng, nhưng chủ yếu là hội chứng não cấp gây rối loạn ý thức với nhiều mức độ khác nhau như mất vận động ngôn ngữ, bại hoặc liệt nhẹ, tăng phản xạ gân xương, rung giật cơ, liệt các dây thần kinh, gây rối loạn điều hoà thân nhiệt, tăng tiết mồ hôi, đái tháo nhạt...

Các virut Arbo gây viêm não nói chung đều có cơ chế bệnh sinh tương tự nhau. Các côn trùng khi hút máu người đưa virut vào cơ thể. Virut theo đường máu đến xâm nhập và gây tổn thương hệ thống thần kinh trung ương, đặc biệt là các tế bào biểu mô của hệ khứu giác và các bao ngoại mạch. Bệnh nhân thường có sốt, da và niêm mạc thường sung huyết, chóng mặt; một số có thể đau rát họng và biểu hiện viêm đường hô hấp hoặc đau bụng... Trẻ em bị bệnh thường khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao, co giật. Ở người lớn, khởi phát thường ít đột ngột hơn, sốt không cao như trẻ em, có biểu hiện nhức đầu, buồn nôn, nôn... Sau đó bệnh nhân bị đau đầu, nôn, sợ ánh sáng. Nặng hơn có thể lơ mơ, rối loạn ý thức, mất định hướng, hôn mê. Giai đoạn cấp của viêm não thường từ vài ngày đến 2-3 tuần. Giai đoạn phục hồi thường kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng.

Viêm não do virut và lưu ý khi dùng thuốcTiêm vắc-xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Ảnh: TM

Cần lưu ý gì khi dùng thuốc?

Điều trị viêm não virut bằng các thuốc chống virut. Tuy nhiên, hiện nay cũng chưa thật sự có thuốc nào có tác dụng tốt với các loại virut và cũng đã có hiện tượng virut kháng thuốc.

Một số thuốc kháng virut hay sử dụng

Acyclovir được sử dụng trong viêm não virut do HSV, EBV và VZV. Acyclovir có tác dụng ức chế DNA polymerase của virut. Thường sử dụng dạng tiêm, pha trong dịch truyền tĩnh mạch chậm. Acyclovir có độ pH kiềm nên khi truyền phải theo dõi chặt chẽ, không để thuốc thoát ra ngoài (do vỡ tĩnh mạch hoặc kim truyền chệch ra ngoài...). Khi thuốc chệch ra ngoài sẽ gây viêm tại chỗ. Không được tiêm dưới da hoặc bắp thịt. Hiện nay đã có biểu hiện virut kháng acyclovir, nhất là ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch.

Ganciclovir và foscarnet là những thuốc được chỉ định điều trị viêm não virut do CMV. Thuốc được pha trong dịch truyền tĩnh mạch chậm để tấn công tiêu diệt theo liều được chọn. Bệnh nhân bị suy thận phải giảm liều. Nếu thấy xét nghiệm máu có giảm bạch cầu hạt và tiểu cầu thì phải ngừng thuốc. Foscarnet có thể gây tổn thương thận, gây giảm calci, magie, kali và có thể rối loạn nhịp tim, co giật.

Thuốc phối hợp điều trị triệu chứng là các dịch truyền ưu trương, thuốc hạ sốt, thuốc an thần và chống co giật... Bệnh viêm não virut cần được điều trị tại các buồng cấp cứu hồi sức. Đặc biệt chú ý theo dõi, xử trí cấp cứu về hô hấp và tuần hoàn, chống phù não, phải hạ nhiệt độ khi sốt cao, bên cạnh đó là dùng thuốc an thần, chống co giật. Bất động bệnh nhân tại giường, theo dõi, săn sóc đề phòng viêm phổi, loét, viêm tắc tĩnh mạch, nhiễm khuẩn. Cho đến nay, y khoa vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh viêm não do virut. Mặc dù có thuốc kháng virut nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại virut chứ không phải tất cả các virut. Do đó, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng và chữa triệu chứng.

Bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện có đủ phương tiện theo dõi và can thiệp kịp thời. Việc theo dõi và kiểm soát huyết áp, tần số tim, hô hấp, bồi phụ nước và điện giải và nhất là chống phù não rất quan trọng đối với bệnh nhi. Kháng sinh diệt virut dùng trong trường hợp viêm não do Herpes simplex virus. Còn hấu hết các trường hợp viêm não không cần dùng kháng sinh vì không có tác dụng. Sử dụng corticosteroid, các dung dịch ưu trương để chống phù não. Dùng các thuốc an thần và chống co giật khi bệnh nhi bị co giật. Đối với các ca bệnh nặng, có rối loạn hô hấp, tuần hoàn, bệnh nhi cần được điều trị tích cực như thông khí nhân tạo, chống sốc... Việc điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhi có di chứng cũng rất quan trọng. Ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thường bị bệnh nặng, có thể dẫn đến bại não.

Phòng bệnh như thế nào?

Cần phòng ngừa các bệnh có thể dẫn đến viêm não, đó là các bệnh nhiễm khuẩn ở trẻ em như sởi, quai bị, thủy đậu... có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng. Đối với bệnh viêm não đã có vắc-xin như viêm não Nhật Bản B thì tiêm vắc-xin cho cả trẻ em và cả người lớn để bảo vệ.

Phòng bệnh viêm não do Arbovirus chủ yếu là chống muỗi đốt và diệt muỗi. Cần chú ý cho trẻ mặc quần dài, áo dài tay, đeo tất che chân. Tránh cho trẻ em chơi ngoài trời vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn, vì đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất. Luôn ngủ trong màn kể cả ngủ ban ngày.

Diệt muỗi bằng các chất phun diệt muỗi. Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà để loại bỏ nơi muỗi đậu và đẻ. Thả cá để diệt lăng quăng, đậy kỹ các vật dụng chứa nước không cho muỗi bay vào đẻ trứng.


ThS. Lê Quốc Thịnh
Ý kiến của bạn