Hà Nội

Viêm nang lông: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

08-09-2024 11:43 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm nang lông là một bệnh lý về da phổ biến, xảy ra khi nhiễm trùng hoặc viêm lỗ chân lông. Do trên cơ thể có rất nhiều nang lông nên bất cứ chỗ nào cũng có nguy cơ đối với bệnh lý này.

1. Nguyên nhân viêm nang lông

Nguyên nhân viêm nang lông chủ yếu là tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa).

Các nguyên nhân khác gây viêm nang lông là:

  • Do nấm: Trichophyton rubrum hoặc Malassezia folliculitis (Pityrosporum folliculitis).
  • Do virus Herpes simplex thường gây viêm nang lông vùng quanh miệng.
  • Viêm nang lông không do vi khuẩn: Pseudo- folliculitis (giả viêm nang lông) hay gặp ở vùng cằm do cạo râu gây hiện tượng lông chọc thịt; Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch; Viêm nang lông Decanvans hay gặp vùng da đầu gây rụng tóc vĩnh viễn; Viêm nang lông ở những công nhân tiếp xúc với dầu mỡ nhờn như: thợ lọc dầu, thợ máy…

Các yếu tố thuận lợi gây viêm nang lông là: khí hậu nóng, độ ẩm cao, môi trường bị ô nhiễm, bụi bẩn, cạo râu, nhổ lông hoặc tẩy lông, sử dụng các quần áo bằng sợi tổng hợp hoặc băng bịt kín da là những yếu tố thuận lợi thường gây viêm nang lông.

Các vùng da ẩm ướt như nách, bẹn, vùng sinh dục – hậu môn, mông rất hay bị viêm. Sử dụng kem bôi chứa corticoid, sử dụng kháng sinh lâu dài tạo điều kiện cho các vi khuẩn kỵ khí phát triển. Người bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch hay bị viêm nang lông hơn người bình thường.

Viêm nang lông: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Tổn thương viêm nang lông là những sẩn nhỏ ở nang lông, trên có vảy tiết, không đau,

2. Biểu hiện của viêm nang lông

Tổn thương là những sẩn nhỏ ở nang lông, trên có vảy tiết, không đau, sau vài ngày tiến triển, tổn thương có thể khỏi không để lại sẹo.

Vị trí ở bất kỳ vùng da nào của cơ thể, trừ ở lòng bàn tay bàn chân, thường gặp nhất là ở đầu, mặt, cổ, lưng, mặt ngoài cánh tay, đùi, sinh dục, cẳng tay và cẳng chân…

Số lượng tổn thương nhiều hay ít tùy theo từng trường hợp. Hầu hết các trường hợp chỉ có một vài tổn thương đơn độc và dễ dàng bỏ qua. Tuy nhiên cũng có người bệnh có nhiều thương tổn, tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Trên thực tế, trong mùa nắng nóng, cơ thể phải tiết ra nhiều mồ hôi để làm mát. Tuy nhiên, do các lỗ bài tiết ở dưới da vùng chân lông bị bụi bẩn, mồ hôi, tế bào chết được da đào thải hàng ngày làm bít tắt các lỗ bài tiết, dẫn đến mồ hôi không thể thoát ra ngoài được.

Mồ hôi ứ đọng lại ở các lỗ chân lông dưới da tạo nên các nốt màu hồng lồi lên bề mặt da. Nếu các nốt này bị vi khuẩn thường trú có sẵn trên bề mặt da xâm nhập vào thì gây nên hiện tượng viêm tại chỗ. Những tổn thương này không gây đau và sẽ khỏi sau vài ngày, không để lại sẹo.

Viêm nang lông đơn thuần là viêm do nhiễm khuẩn chỉ ở một vài nang lông, nhưng cũng có khi lan rộng và sâu bên dưới kết hợp nhiều nang lông và mô dưới da lại với nhau tạo thành nhọt, đây được xem là tình trạng viêm nang lông cấp tính và nó phá hủy cả một vùng da. Vùng da bị nhọt sẽ gây sưng, nóng, đỏ, đau và vô cùng khó chịu, tuy nhiên, sau vài ngày, nốt nhọt sẽ chín dần và hóa mủ.

3. Viêm nang lông có lây không?

Viêm nang lông tương đối khác biệt so với nhiều bệnh lý ngoài da khác, bệnh ít có khả năng lây từ người này sang người khác được. Tuy nhiên, tác nhân gây bệnh là vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh hoặc virus Herpes simplex có thể lây nhiễm khi dùng chung đồ dùng như dao cạo râu, khăn tắm, tiếp xúc trực tiếp... Một số yếu tố thuận lợi dễ gây viêm nang lông như: mặc quần áo chật, da ẩm ướt.

4. Cách phòng viêm nang lông

Để phòng viêm nang lông cần thực hiện các biện pháp như: 

Không mặc quần áo quá chật, quá dày, hoặc may bằng chất liệu vải ni-lon, vải thun bít kín, không thấm hút mồ hôi. 

Thường xuyên vệ sinh cá nhân nhất là trẻ nhỏ, tắm rửa bằng nước ấm để lỗ chân lông được giãn nở và dùng loại xà phòng ít kiềm để da không bị khô.

Nên chọn quần áo cho trẻ được may bằng chất liệu vải dễ thấm hút mồ hôi như vải sợi tự nhiên, cotton, loại vải mỏng, nhạt màu và rộng rãi; tạo môi trường sống thông thoáng, mát mẻ cho trẻ vào mùa hè.

Cần uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh để cung cấp vitamin dưỡng da. Đặc biệt, cần lưu ý, khi da bị viêm cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị, không nên tự ý dùng thuốc uống hoặc bôi ngoài da nhất là trẻ nhỏ.

5. Cách điều trị viêm nang lông

Điều trị tại chỗ: Có thể dùng các thuốc bôi chống nhiễm trùng như Betadine, cồn iod, các loại kem hoặc mỡ kháng sinh như Bactroban, Fucidin…

Điều trị toàn thân: Trường hợp viêm nặng và tái phát có thể dùng thuốc đường toàn thân.

Kháng sinh: Trong trường hợp viêm nang lông do tụ cầu có thể sử dụng kháng sinh đường toàn thân khi cần thiết.

Viêm nang lông do vi khuẩn Gram âm: Cần phải ngừng kháng sinh đang sử dụng, rửa benzoyl peroxid và cho ampicillin hoặc co-trimoxazol. Trong một số trường hợp phải cho isotretinoin.

Viêm nang lông do nấm: Sử dụng các thuốc chống nấm bôi và phối hợp với thuốc uống.

Viêm nang lông do virus herpes, có thể bôi kem acyclovir hoặc valacyclovir 500mg uống.

Viêm nang lông do demodex: Có thể dùng kem permethrin bôi hoặc kem metronidazol phối hợp với uống metronidazol.

Chú ý: Đối với viêm nang lông hay tái phát cần tìm nguyên nhân, phát hiện các ổ vi trùng ở các hốc mũi, hậu môn… và tránh làm xước da do cạo râu bằng cách cắt râu bằng kéo.

Khắc phục viêm nang lông ở mặtKhắc phục viêm nang lông ở mặt

SKĐS -Viêm nang lông ở mặt là tình trạng nang lông ngay tại vùng da mặt bị các phản ứng viêm tấn công do sự xâm nhập của các loại vi khuẩn hay vi nấm. Hiện trạng này có thể xuất hiện ở bất cứ đối tượng nào, kể cả người lớn và trẻ em. Bệnh lý này xuất hiện trên vùng da mặt rất dễ bị nhầm lần với tình trạng mụn trứng cá. Chính vì vậy, bạn cần tìm hiểu rõ chứng viêm nang lông ở mặt để có thể sớm phát hiện và điều trị đúng biện pháp.



ThS.BS. Nguyễn Văn Hưng
Ý kiến của bạn