1. Tại sao mùa lạnh bệnh lý viêm mũi xoang lại dễ dàng bộc phát?
Một số tác nhân làm tăng nguy cơ mắc viêm xoang vào mùa lạnh phải kể đến như:
Sự thay đổi đột ngột của thời tiết hay nhiệt độ: Không khí lạnh, hanh khô tác động trực tiếp đến mũi – cơ quan quan trọng của hệ hô hấp, "cửa ngõ" tiếp xúc trực tiếp đầu tiên, đón không khí vào cơ thể. Từ đó dẫn đến niêm mạc mũi vốn đã mỏng lại càng dễ bị tổn thương gây viêm, đau mũi. Niêm mạc mũi bị phù nề gây tắc lỗ thông mũi xoang và oxy trong xoang bị hấp thu vào các mạch máu của niêm mạc. Việc này dẫn tới áp suất âm trong xoang (viêm xoang chân không) là khởi đầu của tình trạng viêm xoang.
Hệ miễn dịch suy giảm: Vào thời điểm giao mùa trong năm, hệ miễn dịch của cơ thể thường suy yếu. Chính điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây hại tấn công và hình thành bệnh.
Vi khuẩn, virus: Sự thay đổi thời tiết tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus và nấm mốc phát triển. Nếu cơ thể không được bảo vệ, những tác nhân gây hại này sẽ dễ dàng xâm nhập và gây bệnh.
Cơ địa dễ bị dị ứng: Những người có cơ địa nhạy cảm, dễ bị dị ứng thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường. Bệnh thường gặp ở những người hay bị dị ứng vời thời tiết, dị ứng với phấn hoa hoặc thực phẩm.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khiến người bệnh dễ bị viêm xoang khác như: Không giữ ấm cơ thể đúng cách, vệ sinh mũi kém…
Viêm xoang gây khó chịu cho người bệnh, làm giảm hiệu quả học tập và công việc.
2. Đối tượng nào có nguy cơ cao bộc phát viêm mũi xoang?
- Người có thói quen hút thuốc lá: Các chất độc chứa trong thuốc lá làm giảm khả năng thanh thải dịch trong mũi họng, từ đó dẫn đến ứ động lại gây tái phát bệnh.
- Người tiếp xúc với môi trường ô nhiễm nhưng không có thói quen vệ sinh mũi họng hằng ngày.
- Người có cơ địa dễ dị ứng.
- Hệ thống miễn dịch suy giảm, chế độ dinh dưỡng kém khiến cơ thể dễ mắc bệnh không chỉ viêm mũi xoang mà còn các bệnh lý nhiễm trùng khác.
3. Những dấu hiệu nào đặc trưng cho bệnh viêm mũi xoang
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm xoang cấp và mãn tính tính tương tự nhau, vì thế rất dễ gây nhầm lẫn. Các biểu hiện bao gồm: Đau ở xoang, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu.
Ngoài các dấu hiệu này, bệnh nhân viêm xoang còn có thể gặp các triệu chứng như: sốt, đau tai, đau răng hàm trên, hôi miệng, mệt mỏi…
4. Dùng thuốc như thế nào?
Viêm xoang cần được điều trị sớm, kịp thời. Nếu viêm xoang nặng không được điều trị, có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như: Viêm tai giữa, viêm phế quản mãn tính, lao phổi giả, viêm họng mạn hay viêm dây thần kinh thị giác…
Việc dùng thuốc điều trị có tác dụng chủ yếu giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu, ngăn ngừa và điều trị bội nhiễm vi khuẩn (nếu có). Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm một số thuốc nhằm nâng cao khả năng miễn dịch và sức khỏe nói chung.
4.1. Thuốc kháng histamin điều trị viêm mũi xoang
Thuốc có cấu trúc gần giống histamin nên đóng vai trò đối kháng cạnh tranh với thụ thể histamin tại tế bào đích. Histamin không gắn được với thụ thể nên không gây ra tác động tế bào như phù nề, nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi…
Các thuốc kháng histamin H1 cổ điển như diphenhydramine, chlorpheniramine, có thời gian tác dụng ngắn (4-6 giờ) nên cần uống nhiều lần trong ngày. Ngoài ra thuốc còn tác tác dụng không mong muốn là ức chế thần kinh trung ương gây buồn ngủ. Do vậy, chống chỉ định khi đang lái tàu xe, làm việc trên cao hoặc các công việc cần sự tỉnh táo.
Các thuốc kháng histamin H1 thể hệ mới hơn như cetirizine, levocetirizine, fexofenadine, loratadine… hiện được ưa chuộng hơn do có tác dụng nhanh, kéo dài nên chỉ cần dùng 1 lần/ngày. Đồng thời, thuốc cũng khắc phục các tác dụng phụ ức chế thần kinh trung ương gây buồn ngủ, mơ màng, giảm tỉnh táo cũng như tác dụng kháng cholinergic gây khô miệng, mũi, họng.
Dùng thuốc trị viêm xoang cần thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ.
4.2. Thuốc co mạch, chống sung huyết
Thuốc có tác dụng giảm phù nề niêm mạc mũi, làm giảm tình trạng nghẹt mũi, chảy nước mũi. Các thuốc như: Ephedrin, phenylephrin, oxymetazolin, xylometazolin có thể dùng dưới dạng thuốc nhỏ mũi hay thuốc phun mù.
Lưu ý, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo không nên dùng thuốc chống sung huyết dài ngày (không quá 7 ngày). Điều này là do:
- Nếu lạm dụng thuốc co mạch dễ gây hiện tượng nhờn thuốc, thậm chí còn gây hiện tượng tác dụng ngược, nghĩa là gây nghẹt mũi trở lại, làm viêm mạn tính niêm mạc mũi, dẫn đến việc rất khó chữa trị. Tình trạng dùng thuốc co mạch lâu ngày sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn khiến bạn phải dùng thuốc nhiều lần, dẫn đến hình thành nhiều mô sẹo trong niêm mạc mũi và viêm mũi do dùng thuốc.
- Ngoài việc có tác dụng tại chỗ, thuốc còn thấm qua niêm mạc vào máu gây tác dụng toàn thân, vì vậy tuyệt đối không nên dùng liều cao dài ngày.
4.3. Thuốc xịt mũi chứa corticoid
Thuốc xịt mũi chứa corticoid làm giảm phù nề niêm mạc, giảm tắc nghẽn, tái lập đường dẫn lưu xoang. Một số thuốc thường dùng như: Beclomethasone, flunisolide, triamcinolone; fluticasone propionate, fluticasone furoate...
Thuốc nhỏ/xịt mũi có glucocorticoid chủ yếu có tác dụng tại chỗ. Tuy nhiên, nếu sử dụng trong thời gian dài, liều cao và không giảm liều trước khi ngưng sẽ gây ra các tác dụng không mong muốn như:
Tác dụng phụ tại chỗ: Kích ứng niêm mạc hô hấp, chảy máu cam hay có vết máu trong chất tiết của mũi, làm khô và teo niêm mạc mũi, loét vách mũi, tăng nguy cơ nhiễm trùng cơ hội.
Tác dụng phụ toàn thân: Mặc dù có nhiều nghiên cứu dài hạn về tác dụng có hại trên tăng trưởng ở trẻ em là chưa rõ, tuy nhiên, cần theo dõi ảnh hưởng trên tăng trưởng của trẻ em khi có sử dụng các thuốc này. Đồng thời, khi dùng các thuốc nhỏ mũi/xịt mũi chứa glucocorticoids lâu dài cũng có thể tăng nguy cơ gây loãng xương, tăng nhãn áp hay đục thủy tinh thể (mặc dù thấp).
Chính vì vậy, không được tự ý mua và sử dụng thuốc xịt/nhỏ mũi chứa corticoid nếu không có chỉ định của bác sĩ. Khi sử dụng cần tuân theo liều dùng và thời gian dùng do bác sĩ chỉ định hay dược sĩ tư vấn.
4.4. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý
Rửa mũi bằng nước muối sinh lý 2 – 3 lần/ ngày giúp làm dịu niêm mạc hô hấp và làm loãng dịch nhầy, hỗ trợ tăng cường dẫn lưu dịch. Biện pháp này có thể cải thiện triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa mũi một cách rõ rệt. Hơn nữa, rửa mũi thường xuyên giúp loại bỏ dịch tiết hô hấp, tránh tình trạng dịch tiết ứ đọng trong các hốc sâu của xoang, mũi tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi nấm phát triển gây bội nhiễm.
Hướng dẫn vệ sinh mũi đúng cách bằng nước muối sinh lý:
Trẻ nhỏ: Cần cho trẻ nằm nghiêng để tránh hít sặc nước muối vào đường thở, ngày rửa 2-3 lần/ngày, mỗi bên mũi 2-3 nhát xịt/giọt nước muối. Sau khi nhỏ mũi xong, ba mẹ có thể sử dụng bình hút mũi cho trẻ để hút chất dịch nhầy đã được nước muối pha loãng ra.
Người lớn, trẻ lớn: Tư thế ngồi, đầu hơi hướng ra phía trước, nhỏ/xịt mũi từng bên một. Sau khi nhỏ, nên xì mũi từng bên một, không nên xì một lúc bằng 2 mũi vì sẽ gây hiện tượng dội ngược những dịch ở vùng mũi họng vào tai vòi gây viêm tại giữa cấp.
4.5. Thuốc giảm đau (paracetamol, ibuprofen)
Thuốc giảm đau giúp giảm các triệu chứng khó chịu do xoang gây ra như đau đầu, áp lực ở má, trán. Paracetamol là một thuốc giảm đau khá hiệu quả và an toàn, tuy nhiên, khi sử dụng cần lưu ý tác dụng phụ và độc tính của thuốc, đặc biệt là độc tính trên gan.
Ngộ độc thuốc có thể xảy ra khi khoảng cách giữa các liều quá ngắn hoặc dùng thuốc trong thời gian kéo dài. Sử dụng paracetamol quá liều trong thời gian dài có thể gây viêm gan cấp, hủy hoại tế bào gan. Vì vậy, cần dùng đúng liều và khoảng cách giữa các liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc chỉ định của bác sĩ.
4.6. Thuốc kháng sinh
Nếu các triệu chứng đau đầu, ho, nghẹt mũi… kéo dài vài tuần, bạn có thể được chỉ định dùng kháng sinh nhằm tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của tác nhân gây nhiễm trùng mà chủ yếu là vi khuẩn. Theo IDSA (Hiệp hội các bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ), kháng sinh đầu tay trong viêm xoang cấp là amoxicillin + clavulanate, đôi khi cân nhắc sử dụng kháng sinh nhóm macrolid hoặc quinolone trong trường hợp dị ứng kháng sinh nhóm penicillin hoặc tình trạng bệnh không cải thiện sau 3 ngày điều trị. Liệu trình dùng kháng sinh có thể kéo dài 5-14 ngày, tùy theo chỉ định của bác sĩ.
4.7 Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được tiến hành trong trường hợp viêm xoang mạn tính không đáp ứng điều trị nội khoa, polyp mũi, viêm xoang do nấm xoang. Thủ thuật phẫu thuật có thể làm sạch xoang, loại bỏ polyp hoặc điều chỉnh vách ngăn bị lệch.
Các biện pháp khác: Nếu các biện pháp khắc phục trên không đem đến hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm các xét nghiệm cần thiết để xác định liệu viêm xoang có đến từ nguyên nhân dị ứng.
5. Cách phòng ngừa viêm xoang vào mùa lạnh
- Phòng tránh các tác nhân làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên như hạn chế tiếp xúc với người bị cảm lạnh, rửa tay đúng cách trước mỗi bữa ăn, giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, ngực, mũi.
- Tránh tiếp xúc với môi trường khói thuốc và không khí ô nhiễm, hạn chế nguy cơ gây kích ứng, viêm phổi và đường hô hấp.
- Loại bỏ các yếu tố gây dị ứng đường hô hấp như lông chó mèo, phấn hoa, mạt bụi nhà… Đối với người có cơ địa dễ dị ứng, cần hạn chế ăn các thức gây dị ứng như hải sản, đậu phộng…
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Thêm độ ẩm cho không khí sẽ giúp ngăn ngừa viêm xoang. Lưu ý, vệ sinh thường xuyên máy để duy trì tình trạng máy luôn sạch và không có nấm mốc sinh sôi.
- Chú ý vệ sinh thân thể sạch sẽ mỗi ngày, cần vệ sinh mũi họng đúng cách, thường xuyên.
- Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết để tăng sức đề kháng cho cơ thể, uống đủ nước làm dịch nhầy ở mũi loãng ra, giúp cho đường hô hấp thông thoáng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì?