Hà Nội

Viêm mũi xoang mạn tính: Dùng thuốc thế nào để tránh tái diễn các đợt cấp tính?

05-11-2019 15:05 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ngày nay do nhiều yếu tố, trong đó có ô nhiễm không khí, suy giảm sức đề kháng... khiến số người mắc bệnh viêm mũi xoang gia tăng, nhiều người chuyển thành mạn tính. Những người bị viêm mũi xoang mạn luôn đau đáu nỗi niềm dùng thuốc thế nào để tránh tái diễn các đợt cấp?

Viêm mũi xoang mạn tính là hiện tượng viêm mũi xoang kéo dài trên 12 tuần. Viêm mũi xoang mạn có thể có nhiều đợt cấp tính. Các đợt cấp tính của viêm xoang mạn thường là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng của viêm mũi xoang như viêm tấy ổ mắt, viêm thị thần kinh hậu nhãn cầu, áp-xe ổ mắt, giãn phế nang...

Điều trị dứt điểm đợt cấp

Sử dụng kháng sinh

Khi điều trị bằng kháng sinh cho viêm mũi xoang, số ngày điều trị do bác sĩ quyết định tùy theo diễn biến của bệnh cũng như mức độ đáp ứng của người bệnh với thuốc. Trong một vài kết quả nghiên cứu một số thể viêm mũi xoang phải sử dụng kháng sinh liều thấp kéo dài tới 3 tháng. Bác sĩ thường quyết định kết thúc sử dụng kháng sinh khi niêm mạc mũi hết sung huyết, dịch tiết đổ ra từ lỗ thông xoang không còn màu vàng hoặc xanh...

Thuốc kháng sinh thường sử dụng là nhóm beta lactam do nhóm này tác động trên những chủng vi khuẩn hay gặp trong viêm mũi xoang như vi khuẩn gram dương (tụ cầu, liên cầu (không sinh β-lactamase)), vi khuẩn kị khí (actinomyces)...

Trong trường hợp sử dụng 3-5 ngày kháng sinh mà không có đáp ứng, các bác sĩ thường thay bằng kháng sinh nhóm macrolid hoặc quinolon. Tuy nhiên hai nhóm này có khá nhiều tác dụng không mong muốn nên chỉ sử dụng dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Các tác dụng không mong muốn thường gặp ở nhóm macrolid: Rối loạn tiêu hóa nhẹ (buồn nôn, nôn, tiêu chảy) và dị ứng ngoài da. Một số thuốc như: lincomycin và clindamycin có thể gây viêm ruột kết mạc giả, đôi khi nặng có thể dẫn đến tử vong. Kháng sinh erythromycin có thể gây viêm da ứ mật, vàng da...; nhóm quinolone có thể gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy; lo lắng, đau đầu, mất ngủ, hoảng loạn, động kinh; sỏi niệu đạo, sỏi thận, sỏi bàng quang và có thể gây kéo dài khoảng QT (trừ thuốc kháng sinh levofloxacin), nguy cơ xoắn đỉnh, rung thất, ngừng tim. Trên hệ xương khớp, đã quan sát thấy những dị dạng sụn ở động vật non khi dùng quinolon ở liều lớn gấp nhiều lần liều dùng cho người, vì vậy không dùng thuốc cho trẻ em dưới 16 tuổi (mặc dù nhiều trẻ dùng quinolon không bị tổn thương sụn); đồng thời cũng quan sát thấy viêm và đứt gân, đặc biệt là gân achilles khi dùng quinolon.

Khi bị viêm mũi, cần đi khám tai mũi họng ngay để tránh khởi phát một đợt viêm xoang mới.

Khi bị viêm mũi, cần đi khám tai mũi họng ngay để tránh khởi phát một đợt viêm xoang mới.

Thuốc xịt mũi tại chỗ

Thường sử dụng hai nhóm: thuốc co mạch và steroid.

Thuốc co mạch: Có tác dụng làm co các mạch máu trong niêm mạc mũi dẫn đến thu nhỏ các mô bị sưng nên làm thông thoáng, giảm nghẹt mũi. Thuốc có tác động nhanh từ vài phút tới nửa giờ. Nhóm thuốc này chỉ nên dùng trong thời gian ngắn do cần có thời gian hồi phục của niêm mạc mũi xoang giữa các lần sử dụng. Hoạt chất thường sử dụng là naphazolin, xylometazolin. Cần đặc biệt lưu ý thuốc co mạch chỉ được sử dụng dưới 1 tuần. Trong thực tế đã có nhiều bệnh nhân viêm mũi xoang dùng thuốc xịt mũi co mạch kéo dài dẫn đến viêm mũi do thuốc...

Nhóm steroid: Nhóm thuốc xịt mũi loại này có thể thấy tại nhà thuốc ở dạng kê đơn và không kê đơn. Những thuốc này thường được dùng để giảm các triệu chứng dị ứng, chống viêm, chống xuất tiết, có tác dụng sau vài ngày sử dụng, nên người bệnh cần dùng liên tục tới khi có hiệu quả. Nếu cần thiết, có thể sử dụng kéo dài nhiều tháng. Tuy vậy, các steroid có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn nếu dùng quá lâu như chảy máu mũi, đau đầu hoặc đục thủy tinh thể. Một vài corticosteroid có thể làm chậm sự phát triển ở trẻ khi dùng kéo dài. Do đó, nếu muốn dùng nhóm thuốc này cho trẻ em, cần có sự theo dõi của bác sĩ.

Điều trị ngay mỗi khi viêm mũi

Mũi thường xuyên tiếp xúc với môi trường bên ngoài, trên bề mặt của lớp nhầy có các tế bào đại thực bào. Các tế bào này có nhiệm vụ bắt giữ và loại bỏ các tác nhân gây bệnh tạo thành dử mũi, các lông chuyển nằm dưới lớp nhầy sẽ vận chuyển theo chiều đẩy dử mũi xuống thành sau họng để khạc ra ngoài. Vì vậy, khi lớp nhầy trên bề mặt mũi không đủ khả năng ngăn cản yếu tố gây bệnh, hoặc có những can thiệp cơ học (thường xuyên bơm rửa) làm mất đi lớp chất nhầy này, niêm mạc mũi sẽ bị viêm, biểu hiện bằng: khô mũi, đau rát mũi, chảy mũi và ngạt tắc mũi. Lúc này cần đến thầy thuốc điều trị ngay để tránh tái phát một đợt viêm xoang mới.

Tăng cường sức đề kháng chung của cơ thể

Thuốc tăng cường miễn dịch có tác dụng hỗ trợ tăng cường miễn dịch cho cơ thể bằng cách gia tăng các chức năng hoạt động chung, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt. Trên cơ sở này sẽ gia tăng sự đáp ứng miễn dịch hoặc tác động kích thích các cytokin, interleukin làm cho tế bào miễn dịch tiết ra nhiều kháng thể chống lại tác nhân ảnh hưởng. Nếu sự đáp ứng của cơ thể bị suy giảm do già yếu, bệnh tật, suy dinh dưỡng... cần dùng thêm các thuốc tăng cường miễn dịch nhằm phòng tránh các đợt tái diễn. Các thuốc tăng cường miễn dịch thường dùng hỗ trợ điều trị các đợt cấp của viêm mũi xoang như các loại vitamin và nguyên tố vi lượng, các interferon...

Phẫu thuật

Nếu viêm mũi xoang tái phát được xác định là do cấu trúc bất thường tại lỗ thông mũi xoang, hoặc lỗ thông bị bít tắc sau chấn thương, hoặc do một số loại viêm đặc biệt như viêm xoang do răng, nấm... bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng chỉ định phẫu thuật.


PGS.TS. Phạm Thị Bích Đào
Ý kiến của bạn