Viêm mũi mạn tính - Dùng thuốc gì?

30-03-2010 11:06 | Dược
google news

Viêm mũi mạn tính bao gồm hai loại: Viêm mũi mạn tính xuất tiết và viêm mũi mạn tính quá phát.

Viêm mũi mạn tính bao gồm hai loại: Viêm mũi mạn tính xuất tiết và viêm mũi mạn tính quá phát.

Viêm mũi xuất tiết: người bệnh thường bị chảy mũi. Niêm mạc mũi phù nề, ứ đọng nhiều dịch nhầy, cuốn mũi cương to làm hẹp đường thở khiến người bệnh khó thở (ngạt mũi). Ngạt mũi lâu dẫn đến ngửi kém, có khi mất ngửi. Bệnh thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân do viêm mũi cấp tái diễn nhiều lần hoặc do viêm VA, amidan...

Viêm mũi quá phát: với biểu hiện ngạt tắc mũi là chính (do quá phát niêm mạc), đôi lúc có xuất tiết. Loại này thường gặp ở người lớn. Nguyên nhân có thể do dị tật vách ngăn mũi (vẹo vách ngăn, polyp mũi), do tiếp xúc với hóa chất, bụi... đặc biệt ở người có cơ địa dị ứng hoặc giảm sức đề kháng...

Viêm mũi mạn tính nếu không điều trị sẽ dẫn đến viêm xoang, viêm họng mạn, viêm thanh quản, viêm khí - phế quản, viêm tai giữa, nhất là ở trẻ nhỏ.

Điều trị viêm mũi mạn tính trước hết cần giải quyết nguyên nhân gây bệnh. Để điều trị triệu chứng có thể dùng các thuốc làm săn se niêm mạc như argyron (đối với trẻ em) hay xông mũi, khí dung với tinh dầu thơm (với người lớn). Chống phù nề (ngạt mũi) bằng việc tra hoặc nhỏ các thuốc làm co mạch: naphazolin, sulfarin, xylobalan... Tuy nhiên đối với các thuốc làm co mạch không được dùng quá 7 ngày. Nếu lạm dụng loại thuốc này có thể bạn sẽ bị viêm mũi do thuốc. Mũi của bạn sẽ bị ngạt nặng hơn. Có thể dùng kháng sinh, thuốc chống dị ứng khi có đợt cấp. Cần rửa mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

BS. Bích Ngọc


Ý kiến của bạn