Hà Nội

Viêm mũi dị ứng và tiết xuân

12-03-2013 09:48 | Bệnh thường gặp
google news

Mùa xuân đến, tiết trời thường mưa phùn và ẩm ướt, hoa xuân ngập tràn trong không gian.

Mùa xuân đến, tiết trời thường mưa phùn và ẩm ướt, hoa xuân ngập tràn trong không gian. Mùa xuân thật đẹp với đa số người nhưng với những người viêm mũi dị ứng theo mùa thì mùa này thật là một cực hình. Khi mùa xuân về, những người mắc viêm mũi dị ứng thường được báo hiệu trước vài tuần bằng ngứa mũi liên tục, cứ phải lấy tay dụi dụi đến khi chóp mũi đỏ ửng mà chẳng hết ngứa, kèm theo đó là hắt hơi hàng tràng… Bài viết này sẽ giúp được phần nào cho những người mắc căn bệnh khó chịu này.

Gây nhiều khó chịu cho người bệnh

Khám bệnh ở những người này sẽ thấy niêm mạc mũi của họ không có màu hồng như niêm mạc mũi người bình thường mà có màu tím nhạt, sũng nước. Nếu không điều trị kịp thời, niêm mạc loại này có thể bị thoái hóa, hình thành những khối gọi là polip do tình trạng bị viêm lâu ngày gây nên. Bác sĩ giải thích, hắt hơi xuất hiện khi niêm mạc mũi tiếp xúc và bị tác động bởi các yếu tố như lạnh, các chất kích thích (độ ẩm của tiết trời mùa xuân rất cao, lạnh của mưa phùn, phấn hoa, hơi ẩm từ mặt đất…). Sau khi hắt hơi, có thể người đó lại trở lại tình trạng hoàn toàn bình thường hoặc hắt hơi cứ tiếp diễn rồi sau đó biểu hiện sốt, chảy mũi vàng xanh kèm theo ngạt tắc mũi, ho, khàn tiếng, thậm chí mất tiếng. Ho nhiều do dịch mũi chảy xuống họng làm ảnh hưởng tới các bộ phận khác của đường hô hấp như thanh quản, khí quản và phổi.

Viêm mũi dị ứng và tiết xuân 1
 Tiết trời mùa xuân ẩn chứa nhiều tác nhân gây viêm mũi dị ứng.

Hắt hơi nhiều cũng làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của những người bệnh, nhất là những nghề thường xuyên phải giao tiếp trực tiếp. Hắt hơi hay xuất hiện vào buổi sáng khi vừa thức giấc hoặc đang từ nhà bước ra đường hoặc từ ngoài bước vào phòng điều hòa. Căn cứ vào biểu hiện của hắt hơi, người ta có thể phân loại một cách tương đối nguyên nhân gây hắt hơi là do viêm mũi vận mạch hoặc viêm mũi dị ứng. Hiện tượng hắt hơi thường kèm thêm dấu hiệu chảy mũi, ngạt tắc mũi, đau nhức mũi và một vài vị trí của đầu.

Người bệnh cần làm gì mỗi khi mùa xuân về?

Nếu người bệnh thường xuyên xuất hiện tình trạng dị ứng mũi xoang khi tiết trời sang xuân, họ có thể phòng trước mùa bị bệnh khoảng 1 tháng bằng uống các thuốc kháng histamin H1 (telfast, clarityne…) ngày 1 viên uống sau ăn tối hoặc dùng các thuốc steroid dạng xịt tại mũi như rhinocort, budenase, nasonex…. Nếu đây là lần đầu tiên bạn bị hắt hơi trong mưa phùn gió bấc của mùa xuân thì phải lưu ý xem bên cạnh hắt hơi có kèm theo các biểu hiện khác như đau họng, ho…? Nếu có thì bên cạnh thuốc kháng histamin H1, nên dùng thêm thuốc kháng viêm dạng corticoid trong vòng 10 ngày.

Bệnh nhân nên tự biết tránh những tác nhân mình tiếp xúc sẽ gây ngứa mũi nên khi ra ngoài trời phải trang bị khẩu trang ngăn ngừa mũi tiếp xúc với những chất kích thích trong không khí. Họ phải biết tự bảo vệ mình bằng cách giữ ấm khi thời tiết chuyển mùa, tránh tắm và gội đầu vào buổi sáng, nếu dấu hiệu đi cùng là ngạt mũi ngày càng tăng. Dịch mũi chảy ra màu vàng xanh, phải điều trị kết hợp với kháng sinh, chống viêm sớm vì lúc này có thể bệnh đã chuyển sang giai đoạn của viêm xoang. Việc điều trị không kịp thời sẽ gây ra những biến chứng như viêm họng, viêm thanh khí, phế quản làm cho thời gian uống thuốc kéo dài và người bệnh sẽ lâu phục hồi. Trường hợp cần thiết chỉ định phẫu thuật nội soi cũng được đặt ra để giải quyết tình trạng polip mũi…

Điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa cần giải thích rõ ràng với người bị bệnh vì phải có sự phối hợp chặt chẽ của bệnh nhân và thầy thuốc do quá trình điều trị thường kéo dài 3 - 6 tháng. Điểm lưu ý khi điều trị những bệnh nhân này là các thuốc kháng histamin rất dễ gây quen thuốc, do đó, việc điều trị duy trì dưới sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc rất quan trọng đối với người bệnh.

Ts. Phạm Bích Đào


Ý kiến của bạn