1.Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng
Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng chủ yếu do phản ứng của cơ thể khi gặp vật lạ, nhất là thời tiết thay đổi. Một số nguyên nhân rất thường gặp có khả năng gây nên viêm mũi dị ứng như bụi, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, sợi, lông thú như chó, mèo, bào tử nấm mốc, bọ chét, mò, mạt..., khói thuốc, khói bếp, khói nhà máy,…
Hoặc do một số dược phẩm, do thời tiết chuyển mùa lạnh, nóng đột ngột, ẩm ướt, khô hanh.
Những bệnh nhân có cơ địa dị ứng gồm các bệnh: viêm da dị ứng, mề đay mạn tính, ecza, tổ đỉa, hen suyễn..., có tỷ lệ mắc bệnh viêm mũi dị ứng cao hơn nhiều so với người không có nền bệnh này.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ dị ứng, kích hoạt viêm mũi dị ứng như: Động vật có vỏ, hải sản, trứng, socola…Chính vì vậy Tết đến xuân về người viêm mũi dị ứng dễ tái phát. Bệnh viêm mũi dị ứng gây nhiều phiền toái cho người bệnh và do vậy ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh, đặc biệt khi đã có biến chứng. Viêm mũi dị ứng nếu không được điều trị thỏa đáng có thể dẫn đến viêm xoang dị ứng, polyp mũi, polyp xoang và bệnh hay tái phát.
2. Nhận biết và phân biệt viêm mũi dị ứng với viêm mũi không dị ứng
Viêm mũi dị ứng là bệnh di truyền miễn dịch. Theo thống kê cho thấy nếu một trong hai bố hoặc mẹ có tiền sử viêm mũi dị ứng thì xác xuất con bị là 30%, nếu cả hai bố và mẹ mắc thì con số này là 50%. Đồng thời là bệnh lý thuộc miễn dịch vì liên quan đến kháng nguyên kháng thể và những hoá chất trung gian như histamine, prostaglandin 2, leucotrienes.
Do đó, viêm mũi dị ứng được nhận biết như: Biểu hiện nhanh, đột ngột, với các triệu chứng điển hình như (hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi…).. tình trạng này gặp ở người có tiền sử bệnh dị ứng. Nguyên nhân do cơ thể phản ứng với các yếu tố dị nguyên, histaminđược giải phóng, khi lượng histamin vượt ngưỡng cho phép sẽ gây phản ứng quá mẫn (dị ứng).
Đối với viêm mũi không dị ứng được nhận biết như: Hắt hơi ít nhưng lại nghẹt mũi nhiều, nước mũi thường là dịch nhầy đặc hoặc dịch mủ. Bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi rã rời toàn thân, có thể có sốt và sợ lạnh… tình trạng này gặp ở người bệnh có viêm mũi dị ứng do nhiễm khuẩn hoặc viêm mũi dị ứng không do nhiễm khuẩn. Nguyên nhân do viêm mũi do nhiễm khuẩn: vi khuẩn, virus…Viêm mũi không do vi khuẩn ( phổ biến nhất là viêm mũi vận mạch chủ yếu do mất cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm).
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cho rằng nhận biết viêm mũi dị ứng là khi viêm mũi dị ứng gây ra các dấu hiệu giống như cảm lạnh và các triệu chứng như chảy nước mũi, sung huyết, hắt hơi và áp lực xoang. Nhưng không giống như cảm lạnh, viêm ở đây không phải là do virus gây ra. Viêm mũi dị ứng là do một phản ứng với chất gây dị ứng ngoài trời hoặc trong nhà, chẳng hạn như phấn hoa, mạt bụi hoặc lông vật nuôi.
Nếu viêm mũi dị ứng mạn tính, có thể bị nghẹt mũi gần như thường xuyên, gây ù tai, nhức đầu kèm theo, đây là những triệu chứng rất dễ nhầm với viêm xoang. Một số trường hợp viêm mũi dị ứng mạn tính có thể bị loạn khứu giác hoặc ngủ ngáy.
3. Viêm mũi dị ứng có lây qua đường hô hấp hay không?
Viêm mũi dị ứng không phải là bệnh truyền nhiễm nên không lây qua đường hô hấp. Bệnh chỉ lây khi viêm mũi dị ứng lâu ngày không điều trị bệnh nhân bị bôi nhiễm virus hay vi khuẩn v.v… Tuy nhiên, nếu bệnh nhân viêm mũi dị ứng mà tiếp xúc với những người bị cảm cúm, bị viêm nhiễm đường hô hấp trên thì rất dễ bị lây bệnh, vì bản thân niêm mạc của bệnh nhân viêm mũi dị ứng đang bị tổn thương nên khả năng lây nhiễm sẽ cao hơn so với người bình thường. Chính vì vậy, bệnh nhân viêm mũi dị ứng nên tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh đường hô hấp cũng như nên tránh đến những nơi công cộng đông người, nhất là trong dịp lễ Tết.
4.Hậu quả của viêm mũi dị ứng?
Nếu bệnh nhân viêm mũi dị ứng không được điều trị kịp thời và triệt để sẽ dẫn đến các hậu quả như tắc ngạt mũi kéo dài, gây đau đầu, mất ngủ dẫn đến kém tập trung vào ngày hôm sau, dẫn đến hiệu suất công việc học tập giảm sút, trong những ngày lễ tết cũng kém vui.
Tắc ngạt mũi kéo dài dẫn đến bệnh nhân phải thở bằng miệng lâu ngày sẽ dẫn đến một số biến dạng khuôn mặt như răng vẩu ra, cằm đưa ra phía trước. Mất ngủ kéo dài dẫn đến mắt thâm quầng, nếp nhăn ngang mũi do chà xát mũi do ngứa.
Viêm mũi kéo dài cũng khiến ảnh hưởng đến khứu giác của người bệnh. Viêm mũi dị ứng cũng rất hay kết hợp với các bệnh khác như viêm kết mạc dị ứng, viêm xoang, viêm tai giữa và đặc biệt là hen phế quản. 40% bệnh nhân viêm mũi dị ứng có hen và 80% bệnh nhân hen có viêm mũi dị ứng.
5. Làm gì để hạn chế viêm mũi dị ứng mùa lễ Tết?
Để hạn chế bị viêm mũi dị ứng cần vệ sinh định kỳ các chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng (mò, mạt). Nhà ở, phòng ngủ cần thoáng, mát, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển.
Thông thường cận Tết mọi người hay dọn nhà cửa nên dễ khiến cho tình trạng bụi phát tán trong môi trường, bởi vậy, người có tiền sử viêm mũi cần chủ động tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi (bụi trong nhà và bụi ngoài đường). Cần đeo khẩu trang khi quét dọn nhà và lúc ra đường.
Nếu thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, nhất là ở những người có cơ địa dị ứng, cần giữ ấm cơ thể. Ngoài ra, cũng nên chú ý vệ sinh răng miệng hằng ngày, nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy; bỏ hút thuốc lá, thuốc lào và tránh nuôi chó, mèo trong nhà…
Dùng nước ấm để vệ sinh cơ thể và không nên uống nước quá lạnh. Sau mỗi bữa ăn và súc họng nước muối sinh lý. Thường xuyên uống nhiều nước để làm loãng chất tiết nhày, giúp dịch tiết mũi lỏng hơn, chất nhày thoát ra ngoài một cách dễ dàng hơn, tránh ứ đọng, gây viêm nhiễm.
Tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung đầy đủ các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất. Để tránh viêm mũi tái phát hoặc tăng nặng trong dịp Tết, người viêm mũi dị ứng không nên ăn một số thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua.
Hạn chế uống các thức uống có cồn, gia vị cay nóng vì có thể làm mất nước trong cơ thể, khiến cho chất nhầy trong mũi đặc lại, sưng màng ở mũi và xoang. Một số loại hạt có thể gây ngứa ở họng hoặc quanh miệng, kích thích bệnh viêm mũi dị ứng phát tác. Đậu phộng, đào hay cần tây cũng có thể khiến bị dị ứng. Do vậy nên tránh ăn các loại thực phẩm này.