Hà Nội

Viêm mũi dị ứng, dùng thuốc gì?

28-08-2020 09:17 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi bị viêm mũi dị ứng. Mỗi khi ra đường gặp bụi, khói xe hay phấn hoa là y rằng về chảy nước mũi, ngạt mũi, hắt hơi... khiến tôi rất khó chịu. Nhiều khi tôi còn thấy đau lên cả xoang mũi. Vậy tôi có thể mua thuốc nào về dùng? Khi dùng cần lưu ý gì? Có thuốc nào trị dứt điểm bệnh này không?

Nguyễn Thu Hiền (Hà Nội)

Viêm mũi dị ứng có các dấu hiệu và triệu chứng giống như cảm lạnh: Sổ mũi, ngứa mắt, nghẹt mũi, hắt hơi và tăng áp lực xoang... nhưng viêm mũi dị ứng là do phản ứng dị ứng với các chất gây dị ứng ngoài trời hoặc trong nhà, như phấn hoa, bụi, lông súc vật, nấm mốc, hóa chất... chứ không phải do virus. Bệnh làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người mắc phải.

Viêm mũi dị ứng có 2 thể: chu kỳ (thường xảy ra vào đầu mùa lạnh hoặc nóng và cứ đến thời điểm này bệnh lại tái diễn) và không có chu kỳ (hay gặp nhất, xảy ra bất cứ lúc nào khi gặp tác nhân gây dị ứng).

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh. Tuy nhiên, các thuốc trị viêm mũi dị ứng có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh. Một số thuốc hay được sử dụng trong tình trạng này như:

Thuốc trị sổ mũi: Có thể dùng các thuốc kháng histamine như chlorpheniramin, loratadin, esloratadin làm giảm ngứa, hắt hơi và chảy nước mũi do viêm mũi dị ứng... Tuy nhiên, chlorpheniramin có thể gây an thần và không nên được sử dụng trước khi lái xe, vận hành máy móc.

Thuốc trị ngạt mũi: Một số thuốc có thể dùng như pseudoephedrine, phenylephrine... Tuy nhiên, do thuốc có thể gây tăng huyết áp, nên người bệnh tăng huyết áp, tim mạch cần rất thận trọng khi dùng.

Một số thuốc bào chế dưới dạng nhỏ, xịt mũi như xylometazolin, naphazolin... nhưng chỉ dùng trong thời gian ngắn, thường không quá 3 ngày để giảm ngạt mũi. Sử dụng thường xuyên, kéo dài có thể gây ra hiệu ứng tái lại, nghĩa là khi ngưng thuốc các triệu chứng của bệnh sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Thuốc chống viêm: Các thuốc corticosteroid có thể giúp giảm viêm và đáp ứng miễn dịch. Một số thuốc thường dùng như: Dexamethason, flunisolide, beclomethasone... Tuy nhiên, thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, chảy máu cam, khô mũi...

Trong trường hợp dùng các thuốc trên không hiệu quả bác sĩ có thể dùng liệu pháp miễn dịch hoặc phẫu thuật.

Vì vậy, tốt nhất trong trường hợp của bạn cần đi khám. Bác sĩ sẽ giúp bạn chọn phương pháp điều trị và dùng thuốc tốt nhất với các triệu chứng của bạn. Bên cạnh việc dùng thuốc bạn cần tránh các chất gây dị ứng như: Phấn hoa, nấm mốc, bụi, lông chó, mèo, xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu, mỹ phẩm, chất tẩy rửa; tránh các thức ăn có thể gây dị ứng như nhộng tằm, cá ngừ, tôm, cua ghẹ...


BS. Nguyễn Bích Ngọc
Ý kiến của bạn