Mỗi khi thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường, khí trời từ lạnh sang nóng là nguyên nhân khiến mũi dễ bị kích thích và gây ra các phản ứng dị ứng thời tiết. Viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp vào mùa xuân và mùa hè, thời gian bị bệnh có thể dài ngắn khác nhau.
Những triệu chứng của viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng xuất hiện thành từng cơn, trong cơn các triệu chứng điển hình, ngoài cơn có thể hoàn toàn bình thường. Cơn dị ứng đến đột ngột và mất đi cũng rất nhanh. Thường bắt đầu là ngứa mũi, ngứa cả hai bên, có thể ngứa lan sâu vào trong xoang, ngứa lên mắt, ngứa xuống họng, ngứa ống tai ngoài. Hắt hơi từng tràng liên tục không thể kìm hãm được. Ở trẻ nhỏ đôi khi không hắt hơi mà chỉ ngạt, tắc mũi. Người bệnh chảy nước mắt giàn giụa, nước mũi trong như nước lã, có thể nước mũi hơi nhầy, số lượng nhiều, ướt hết cả khăn. Trong một số trường hợp còn kèm theo các bệnh về tiêu hóa như trướng bụng đầy hơi, có thể tiêu chảy. Bệnh nhân có thể đau đầu, mệt mỏi, ngạt mũi các mức độ khác nhau: ngạt từng lúc, từng bên hoặc ngạt cả hai bên.
Khi khám lâm sàng thấy niêm mạc mũi nề sũng, màu nhợt nhạt, có thể màu tím; Cuốn mũi (nhất là cuốn dưới) phù nề gây ngạt tắc mũi; Sàn mũi, khe mũi thường ướt, có dịch nhầy; Có thể gặp các dị hình ở mũi như vẹo vách ngăn, gai vách ngăn, dị hình ở các khe mũi cuốn mũi... Các yếu tố này làm tăng tình trạng bệnh.
Không được chữa hoặc chữa không đúng cách, viêm mũi dị ứng có thể chuyển thành các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp như: viêm phế quản co thắt, hen phế quản (hay gặp nhất), tiếp đến là các bệnh như viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản... Các bệnh này làm cho viêm mũi xoang dị ứng nặng thêm.
Phân loại viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng quanh năm: Do dị nguyên có quanh năm trong môi trường sống của người bệnh. Dị nguyên thường ở trong không khí, một số trường hợp dị nguyên xâm nhập qua đường tiêu hóa. Khi qua cơn dị ứng, bệnh nhân sẽ ít hắt hơi hơn và còn lại chủ yếu là ngạt mũi, ngạt ngày càng thường xuyên hơn, niêm mạc mũi nhợt nhạt, phù nề và dần dần thoái hóa thành polyp.
Những triệu chứng gặp phải khi bị viêm mũi dị ứng.
Viêm mũi dị ứng theo mùa: Bệnh xuất hiện gần như thành quy luật vào cùng một thời điểm vào các năm tiếp theo. Các dị nguyên thường là các loại phấn hoa, nấm mốc... Chúng xuất hiện theo mùa và xâm nhập qua khí thở vào đường hô hấp. Bắt đầu bệnh nhân cảm giác khô vùng mũi họng, ngứa mũi, ngứa mắt, ngứa ống tai ngoài. Các biểu hiện trên thường xuất hiện khoảng 5-15 ngày, tiếp đó bệnh nhân hắt hơi thành từng tràng, ngạt tắc mũi, chảy nước mắt nước mũi. Mắt nề đỏ, cuốn mũi sưng nề, hạ họng thanh quản đôi khi phù nề, một vài bệnh nhân cảm giác ớn lạnh, sốt nhẹ. Ngoài cơn các triệu chứng mất đi hoàn toàn.
Viêm mũi dị ứng nghề nghiệp: Bệnh thường liên quan đến công việc của người bệnh, họ phải tiếp xúc với dị nguyên khi làm việc (những người thường xuyên tiếp xúc với hoá chất, công nhân quét dọn thường xuyên phải hít thở trong môi trường bụi...).
Chữa viêm mũi dị ứng cần theo những nguyên tắc nào?
Điều trị cơn dị ứng: mục đích chữa các triệu chứng của cơn viêm mũi dị ứng:
Thuốc co mạch: có tác dụng làm co mạch, thông thoáng đường thở. Nên dùng dạng lọ xịt phun sương mù để thuốc có thể bay vào tận các ngóc ngách của mũi xoang thì thuốc mới có thể phát huy tối đa tác dụng. Không nên dùng dạng thuốc nhỏ mũi vì nếu không biết nhỏ đúng cách, thuốc sẽ xuống họng ngay và không có tác dụng tại mũi.
Thuốc kháng histamin: làm giảm sự giãn mạch, giảm sự kích thích các nhánh thần kinh cảm giác ở mũi, có hiệu quả với hắt hơi chảy mũi nhưng không hết ngạt tắc mũi.
Steroide dạng phun sương mù: có tác dụng rất tốt trong viêm mũi dị ứng, vì nó được phun trực tiếp vào niêm mạc mũi - xoang ngay nơi xảy ra viêm dị ứng nên có thể nó làm giảm nhanh, giảm hết tất cả triệu chứng như ngứa mũi, hắt hơi, chảy mũi, ngạt tắc mũi. Ngoài đợt điều trị cấp, người ta còn thường xịt mũi lâu dài để phòng viêm mũi dị ứng.
Kháng sinh: khi đợt cấp của viêm mũi dị ứng thường có hiện tượng bội nhiễm ở đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai, viêm phế quản, hen phế quản... lúc này dùng kháng sinh là cần thiết.
Điều trị bệnh viêm mũi dị ứng: Cải thiện môi trường sống. Bệnh viêm mũi dị ứng chỉ có thể xảy ra khi người có cơ địa dị ứng sống trong môi trường có dị nguyên đã được mẫn cảm. Người bệnh có thể chuyển đến sống ở vùng không có loại dị nguyên đó. Ngoài ra, bệnh nhân cần hạn chế tối đa sự tiếp xúc với khói thuốc, khói xe, nước hoa, hương liệu hay những chất nặng mùi khác. Đối với dị ứng nghề nghiệp, nếu không thể đổi nghề, nên dùng khẩu trang, mặt nạ hoặc sử dụng các vật liệu thay thế.
Nếu mục đích trên không thực hiện được, người bệnh bất khả kháng vẫn phải tiếp xúc với dị nguyên thì phải dùng miễn dịch liệu pháp (còn gọi là giải mẫn cảm đặc hiệu): Sau khi thử test, biết chính xác là dị ứng với loại kháng nguyên nào, bệnh nhân sẽ được tiêm chất kháng nguyên gây bệnh với liều tăng dần, làm cho cơ thể thích ứng dần với chất đó và không dị ứng nữa.
Lời khuyên của thầy thuốc
Người bị viêm mũi dị ứng cần hạn chế tối đa tiếp xúc với các dị nguyên (khói, bụi, phấn hoa...). Nên đeo khẩu trang, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, tắm gội sạch sẽ (để loại hết bụi trên tóc, trên da) sau khi ra ngoài trời. Thường xuyên làm vệ sinh nhà cửa, giặt chăn màn, bao gối, màn cửa và phơi dưới ánh sáng mặt trời. Không nên dùng thảm và nệm ghế bằng vải. Không nuôi chó mèo hoặc những vật có lông khác trong nhà.
Khi thay đổi thời tiết cần giữ ấm đề phòng viêm đường hô hấp. Nên vệ sinh mũi bằng cách xịt rửa nước muối sinh lý, vệ sinh răng miệng sạch sẽ.