Hà Nội

Viêm mũi cấp tính

30-05-2012 19:07 | Bệnh thường gặp
google news

Viêm mũi cấp tính (VMCT) là một bệnh rất thường gặp ở nước ta, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là ở trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi, khi thời tiết thay đổi hay mùa lạnh. Đây là bệnh viêm của niêm mạc hốc mũi, thường do virut

Viêm mũi cấp tính (VMCT) là một bệnh rất thường gặp ở nước ta, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là ở trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi, khi thời tiết thay đổi hay mùa lạnh. Đây là bệnh viêm của niêm mạc hốc mũi, thường do virut

Mũi là phần đầu đường hô hấp, có chức năng dẫn khí từ bên ngoài vào đến phổi, không khí hít vào qua mũi sẽ được làm ẩm, làm ấm và lọc sạch không khí và tiệt trùng một phần. Ba chức năng, làm ấm, ẩm và sạch không khí, được thực hiện nhờ niêm mạc mũi, với cấu trúc rất giàu mạch máu trong niêm mạc. Niêm mạc mũi thường xuyên bị nhiều yếu tố tác động như độ ẩm, nhiệt độ, hơi khí , bụi, virút, vi khuẩn, nấm mốc… Mũi cũng chịu sự chi phối của hệ thần kinh thực vật. Do đó, khi các yếu tố trên tác động quá mức, làm máu đến tổ chức cương quá nhiều, niêm mạc bị sung huyết, phù nề, đặc biệt rối loạn hệ thống lông - nhầy sẽ ảnh hưởng đến chức năng thở và đưa đến trạng thái bệnh lý. Đó là lý do chính tại sao mũi là cơ quan dễ bị bệnh nhất.

Viêm mũi cấp tính thông thường

Virút là nguyên nhân hay gặp và thường gặp nhiều loại, chủ yếu adenovirus, loại này cũng thường gây viêm họng. Ngoài ra do các loại virút khác như rhinovirus, rheovirus, coronavirus, enterovirus và myxovirus. Các nguyên nhân khác: các chất kích thích hay chất dễ gây dị ứng như khói, mùi của các hương liệu, phấn hoa, thời tiết thay đổi đột ngột như lạnh, ẩm ướt kéo dài. Các yếu tố thuận lợi: cơ thể suy yếu, ăn uống kém, mất ngủ kéo dài, nhiễm lạnh đột ngột.

Người bệnh có cảm giác mệt mỏi, sốt nhẹ, ớn lạnh, nhức đầu và ăn uống kém. Cảm giác cay nóng và ngứa ở mũi. Xuất hiện chứng nghẹt mũi, ở cả hai mũi hay một bên mũi, nghẹt mũi thường xảy ra vào ban đêm nên người bệnh phải thở bằng miệng. Chảy nước mũi, thường chảy hai bên, lúc đầu dịch trong sau đó dịch nhầy, có thể thành mủ. Nếu xì mạnh thường có lẫn máu tươi. Dấu hiệu ngửi kém hay mất ngửi. Khi người bệnh thở thông thì chức năng ngửi bình thường. Khi soi mũi thấy niêm mạc hốc mũi sung huyết, sàn mũi và khe dưới có dịch nhầy hay mủ ứ đọng, cuống mũi dưới hai bên sưng nề, đỏ, che kín cửa mũi trước.

Bệnh thường diễn tiến từ 5 - 7 ngày rồi lui bệnh và tự khỏi. Tuy nhiên, cơ thể bị suy nhược, đặc biệt ở trẻ em, vi khuẩn bội nhiễm, quá trình viêm có thể kéo dài và lan ra đường hô hấp, gây nên các biến chứng nặng nề hơn như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm xoang, viêm tai giữa.

Điều trị: nghỉ ngơi, giữ ấm và nâng cao thể trạng là chủ yếu. Chống nghẹt mũi bằng cách xỉ mũi hay hút mũi, rửa mũi để làm sạch các chất dịch tiết và mủ bằng nước muối sinh lý 0,9% hay thuốc xịt mũi dung dịch muối biển vào hai mũi, có thể nhỏ các thuốc co mạch naphazolin 0,5 - 1%. Xông hơi nước nóng có pha với các thuốc có tinh dầu như tinh dầu bạc hà, tinh dầu khuynh diệp. Xông khí dung mũi bằng các dung dịch kháng sinh có pha corticoid. Dùng các thuốc giảm đau như paracetamol, efferalgan. Thuốc giảm ho như terpin codein, exomuc. Chỉ dùng thuốc kháng sinh khi có bội nhiễm VMCT có chảy mũi mủ hoặc có biến chứng, thuốc kháng sinh có tính phổ rộng như augmentin, negacef, doncef. Kết hợp dùng thuốc trợ sức mạnh như vitamin C, enervon C, upsa - C.

Viêm mũi cấp tính trong các bệnh nhiễm trùng

Các bệnh nhiễm trùng lây như cúm, sởi… thường hay kèm theo viêm mũi, nhất là trẻ em, ở người lớn triệu chứng viêm mũi không rõ rệt.

Do cúm: các triệu chứng ở mũi thường xuất hiện sớm như ngứa mũi, cay trong mũi, hắt hơi, nghẹt mũi tăng dần, chảy nước mũi, loãng trong, có thể lẫn ít máu khi xì mạnh. Quá trình viêm lan rộng xuống họng, thanh quản gây ra ho từng cơn, khan tiếng.

Các triệu chứng toàn thân thường rõ rệt như sốt cao, đau mình mẩy, mệt mỏi, nhức đầu. Ở trẻ em có thể có biểu hiện hội chứng nhiễm độc thần kinh, nôn mửa, tiêu chảy, và bệnh diễn tiến nặng lên nếu không được điều trị. Viêm mũi do cúm thường lây lan rất nhanh và gây thành dịch. Bệnh tiến triển trong 3 ngày, rồi tự lui dần nhưng cũng có thể gây ra các biến chứng như viêm thanh quản phù nề hạ thanh môn, viêm tai xương chũm, viêm não, viêm xoang. Chẩn đoán bệnh cúm, cần dựa vào phản ứng ức chế ngưng kết hình cầu dương tính. Điều trị VMCT do cúm, cần nghỉ ngơi, đảm bảo mũi thông thoáng bằng cách hút dịch, rửa mũi, xỉ mũi. Nhỏ thuốc co mạch, sát trùng. Hoặc xông khí dung bằng dung dịch kháng sinh, corticoids. Kết hợp ăn uống bồi dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng, uống vitamin C, enervon C. Phòng bệnh chích ngừa vắc-xin cúm, tránh lây lan, phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng.

Do sởi: đây là bệnh lý xảy ra chủ yếu ở trẻ em, khi không được tiêm ngừa sởi vào lúc 9 tháng tuổi. Tác nhân gây bệnh là virút thuộc nhóm RNA paramyxovirus. Virút sởi xâm nhập niêm mạc đường hô hấp trên, vào máu, sinh sản ở hệ lưới mô bào. Biểu hiện bệnh sởi có sớm ở mũi, hắt hơi, chảy nước mũi và nghẹt mũi. Các triệu chứng đi kèm sốt cao, chảy nước mắt, viêm kết mạc mắt, phù nề mi mắt. Khám miệng thấy trên nền đỏ thẫm của niêm mạc má có những chấm trắng nhỏ độ 1mm hơi nổi gợn lên (dấu hiệu Koplik). Sau đó xuất hiện ban sởi mọc, các dấu hiệu viêm mũi giảm.

Hiện chưa có thuốc đặc trị. Chủ yếu là điều trị triệu chứng, chăm sóc, phòng ngừa và điều trị biến chứng. Với thể sởi lành tính có thể điều trị tại nhà. Cách ly trẻ tại phòng riêng ngay khi trẻ mới sốt; bảo đảm thoáng, sáng, tránh gió lùa; không cho tiếp xúc với những trẻ khác. Hằng ngày vệ sinh da, răng - miệng, mắt để tránh nhiễm khuẩn, lở loét da: rửa mặt, lau mắt, lau người bằng nước ấm; thường xuyên lau miệng bằng khăn sạch, mềm (nhúng nước đã đun sôi). Với trẻ lớn: cho súc miệng nước muối (pha loãng có độ mặn như nước mắt). Nhỏ mắt, nhỏ mũi thuốc kháng sinh. Cho ăn nhẹ, đủ chất; cho uống nhiều nước (dung dịch oresol, nước trái cây) khi trẻ sốt cao, tiêu chảy. Với trẻ đang bú: tiếp tục cho bú mẹ. Trẻ đang ăn bổ sung, ngoài sữa mẹ cần ưu tiên cho trẻ khẩu phần đủ chất dinh dưỡng, nhất là những thực phẩm giàu protid và caroten. Cho uống thuốc giảm ho. Trẻ sốt cao lau khăn ấm, cho uống paracetamol, thuốc an thần. Không dùng thuốc kháng sinh cho trẻ bị sởi với mục đích dự phòng biến chứng vì dễ gây loạn khuẩn và dị ứng. Chỉ khi trẻ bị viêm tai giữa, viêm thanh - khí - phế quản, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn mới cho dùng thuốc kháng sinh và chỉ dùng khi có chỉ định của thầy thuốc. Để đề phòng khô mắt do thiếu vitamin A, có thể cho trẻ uống vitamin A 100.000 đơn vị trong hai ngày đầu. Sau khi sởi bay cho uống thêm một liều như trên.

Do dị vật: thường gặp tuổi nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm 2 - 6 tuổi. Nguyên nhân do trẻ chơi các đồ vật nhỏ, rồi tự ý lấy các đồ vật nhét vào mũi, thông thường các loại hạt như hạt đậu xanh, hạt đậu đen có khi cả hạt đậu phộng, các hạt nhựa có kích thước nhỏ, các con ốc nhỏ bằng sắt. Sau đó không tự lấy ra được và do phản xạ các dị vật này bị hít vào trong hốc mũi. Lâu ngày xuất hiện ngạt mũi, chảy nước mũi có mùi hôi thối, nước mũi thành mủ xanh hay vàng, trẻ than đau mũi, thường ngạt và đau một bên mũi. Kèm theo sốt, lạnh run, đau nhức nhiều một bên mũi ngạt. Điều trị dùng ống nội soi và gắp dị vật ra khỏi mũi, thuốc rửa mũi bằng dung dịch natrichlorua 0,9%. Kết hợp thuốc kháng sinh phổ rộng như cefaclor, augmentin, zinnat và thuốc giảm đau.

BS. NGUYỄN THUẬN THÀNH


Ý kiến của bạn