Viêm mủ màng ngoài tim là tình trạng khoang màng ngoài tim bị viêm nhiễm và mất bóng, thường chứa một lượng bất thường dịch dạng mủ có thể gây cản trở chức năng tống máu của tim ít hay nhiều tùy tốc độ tích lũy và khối lượng dịch.
Đây là bệnh cảnh rất phổ biến và nặng nhất của tràn dịch màng ngoài tim. Nguyên nhân là do các vi khuẩn gây mủ, đặc biệt là tụ cầu vàng và phế cầu xâm nhập khoang màng tim theo đường máu hoặc đường kế cận gây tổn thương viêm dưới dạng mủ tại khoang màng ngoài tim.
Nguyên nhân gây viêm mủ màng ngoài tim
Viêm mủ màng ngoài tim gặp phổ biến ở các nước chậm phát triển thiếu điều kiện hiểu biết sức khỏe, vệ sinh cơ thể, vệ sinh ngoài da kém, không đảm bảo.
Đa số xuất hiện trong bệnh cảnh nhiễm trùng huyết tụ cầu, viêm phổi do tụ cầu hoặc phế cầu, viêm da đa mủ hoặc áp xe cơ do tụ cầu… Tuy nhiên, nhiều trường hợp lại xuất hiện như một biểu hiện nhiễm khuẩn tiên phát tại khoang màng tim và gây khó khăn trong chẩn đoán bệnh.
Biểu hiện của viêm mủ màng ngoài tim
Khi mắc bệnh viêm mủ màng ngoài tim, bệnh nhân có biểu hiện toàn thân, điển hình và nổi bật là:
- Tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc phối hợp với tình trạng khó thở do bị chèn ép tim.
- Trong trường hợp bệnh kéo dài suy dinh dưỡng xảy ra rất sớm.
- Ngoài ra còn có thể gặp các biểu hiện là nguyên nhân của nhiễm trùng màng tim: các nhiễm khuẩn da và phần mền (chốc lở, mụn nhọt, viêm quầng, viêm tổ chức da, viêm cơ…), viêm xương, viêm mủ khớp, viêm phổi.
Trên lâm sàng có thể gặp các biểu hiện của tràn dịch màng ngoài tim khác nhau tùy giai đoạn diễn biến bệnh và mức độ nặng của tràn dịch.
- Giai đoạn khởi phát: Bệnh nhân thấy mệt mỏi, đau vùng trước tim và tiếng cọ màng tim. Giai đoạn này có thể diễn tiến từ vài giờ đến nhiều ngày.
- Giai đoạn toàn phát (thường có đầy đủ các biểu hiện do tràn dịch màng ngoài tim) như: Đau vùng trước tim và tăng khi nằm ngửa, dịu đi khi ngồi cúi ra trước; Ho, khó thở, tím tái; phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi, đái ít; Mạch nhanh, nhỏ; Ngực lặng (không nhìn thấy tim đập). Khi khám thấy tiếng tim mờ (xa xăm); Mạch đảo là dấu hiệu đặc trưng của chèn ép tim cấp.
Việc điều trị nguyên nhân cần được tiến hành triệt để. Cần phối hợp chặt chẽ với điều trị toàn thân và kháng sinh thích hợp để tránh dẫn đến viêm dày dính màng ngoài tim co thắt là một biến chứng muộn đòi hỏi xử trí ngoại khoa bóc tách màng ngoài tim.
Viêm mủ màng ngoài tim dễ gây nhầm lẫn
Trước đây, khi chẩn đoán siêu âm chưa phổ biến, cần dựa vào kết quả chọc dò màng tim. Hiện nay bác sĩ có thể dựa vào một trong hai kết quả: Hình ảnh siêu âm có lượng dịch bất thường trong khoang màng tim; Chọc dò màng tim.
Tuy nhiên, chú ý trên lâm sàng cần chẩn đoán phân biệt với một số trường hợp tràn dịch màng tim trong bệnh cảnh có sốt: Thấp tim, viêm màng ngoài tim trong đợt cấp của các bệnh tạo keo, đặc biệt đợt cấp của lupus ban đỏ rải rác; viêm màng ngoài tim co thắt (Hội chứng Pick)...
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh viêm mủ màng ngoài tim cần:
- Vệ sinh cơ thể sạch sẽ đặc biệt là trẻ nhỏ.
- Tránh nhiễm khuẩn da và phần mềm (chốc lở, mụn nhọt, viêm quầng, viêm tổ chức da, viêm cơ), viêm xương, viêm mủ khớp, viêm phổi.
- Khi có các biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc, có những biểu hiện bệnh ngoài da, phần mềm, xương khớp, viêm phổi, đau ngực, khó thở không tương xứng với bệnh cảnh tại phổi… cần đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán kịp thời.
Viêm mủ màng ngoài tim là bệnh nguy hiểm nên việc chẩn đoán và điều trị sớm các tình trạng bệnh có thể tránh gây biến chứng nguy hiểm.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Chế Độ Ăn Uống -Vàng- Giúp Phòng Ngừa Sỏi Thận - SKĐS