Hà Nội

Viêm mống mắt thể mi có thể gây mù lòa

05-06-2012 11:17 | Bệnh thường gặp
google news

Viêm mống mắt thể mi là phần trước của màng bồ đào, do đó bệnh này còn cótên gọi là viêm màng bồ đào trước. Bệnh hay tái phát từng đợt, nếu không được điều trị có thể dẫn tới tăng nhãn áp và gây mù loà vĩnh viễn.

Viêm mống mắt thể mi là phần trước của màng bồ đào, do đó bệnh này còn cótên gọi là viêm màng bồ đào trước. Bệnh hay tái phát từng đợt, nếu không được điều trị có thể dẫn tới tăng nhãn áp và gây mù loà vĩnh viễn.

Vì sao bị viêm mống mắt thể mi?

Những căn nguyên gây bệnh có thể kể tới gồm các yếu tố tại mắt và các nguyên nhân ở những cơ quan lân cận. Tại mắt có thể do: chấn thương mắt, sang chấn do phẫu thuật, tự kháng nguyên thuỷ tinh thể (do khuếch tán hoặc rách bao), nhẫn viêm giao cảm. Những yếu tố thuộc về các cơ quan lân cận như: viêm giác mạc, viêm củng mạc, nhiễm khuẩn răng, lợi, viêm xoang. Nguyên nhân toàn thân như nhiễm khuẩn trong các bệnh lao, giang mai, bệnh do virut, bệnh do ký sinh trùng, viêm cột sống dính khớp, viêm màng bồ đào, hội chứng Reiter, bệnh sarcoid, bệnh Behcet… Rối loạn chuyển hoá trong các bệnh diabete, goute… khi đó viêm màng bồ đào trước chỉ là triệu chứng của một bệnh toàn thân. Tuy nhiên, những yếu tố kể trên chỉ chiếm 20% số ca bệnh, còn đến 80% các trường hợp viêm mống mắt thể mi là chưa rõ nguyên nhân.

 Tổn thương viêm mống mắt thể mi cấp tính.

Đau nhức mắt, sốt, sợ ánh sáng - Hãy gặp bác sĩ ngay  

Bệnh nhân bị viêm mống mắt thể mi thường có các biểu hiện sau:đau nhức âm ỉ, đau nhiều hơn về ban đêm. Thị lực giảm sút ở mức vừa phải, cảm giác như có một màn sương mờ che trước mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng: chói mắt ở những mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy từng bệnh nhân. So với viêm loét giác mạc, các triệu chứng có mức độ nhẹ hơn. Biểu hiện toàn thân bệnh nhân có thể sốt, kém ăn, kém ngủ, có một ít dử mắt. Khám thấy kết mạc cương tụ rìa, cương tụ sâu ở kết mạc, có thể thấy rất rõ những mạch máu giãn to, màu tím sẫm, ngoằn ngoèo. Mống mắt: sẫm màu, kém xốp, đồng tử co nhỏ và phản xạ ánh sáng giảm hoặc mất. Ở giai đoạn muộn của bệnh, đồng tử có thể bị méo mó do dính vào mặt trước thể thuỷ tinh. Thuỷ dịch bị vẩn đục, khám trên kính hiển vi sẽ thấy dấu hiệu Tyndall dương tính ( ). Thuỷ tinh thể có những chấm sắc tố mống mắt bám ở mặt trước, nhiều khi những chấm, đám sắc tố mống mắt này xếp theo dạng vòng tròn tương ứng với bờ đồng tử. Mặt sau giác mạc có thể có tủa, đó chính là những chấm lắng đọng protein từ thuỷ dịch, đây là sản phẩm của quá trình viêm. Sờ phản ứng thể mi thì bệnh nhân đau tức là phản ứng dương tính. Những trường hợp bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn, các triệu chứng cơ năng không còn rõ nữa, hầu như chỉ còn dấu hiệu mắt mờ, lúc này các triệu chứng khám thấy cũng khác xa so với giai đoạn trước, chẳng hạn: mống mắt teo, bạc màu, có thể có hình ảnh núm quả cà chua do nghẽn đồng tử, thuỷ dịch ứ lại ở hậu phòng đẩy vồng mống mắt về phía giác mạc; đồng tử bị thu nhỏ, dính tít hoặc méo mó do dính vào mặt trước thuỷ tinh thể; phản xạ với ánh sáng của đồng tử lúc này sẽ bị hạn chế do dính, diện đồng tử có thể bị màng viêm che kín; thuỷ tinh thể, dịch kính có thể bị vẩn đục ở các mức độ khác nhau, do màng viêm cùng với thể thủy tinh đục che khuất, dấu hiệu đục dịch kính chỉ có thể được phát hiện bằng siêu âm; nhãn áp tăng thứ phát do nghẽn đồng tử, nghẽn vùng bè hoặc có thể hạ do teo thể mi.

Phương pháp chữa trị

Điều trị căn nguyên: Tùy nguyên nhân của bệnh mà có thể phải phối hợp với các chuyên khoa liên quan để điều trị triệt để. Trường hợp không tìm được nguyên nhân thì phải dùng kháng sinh có hoạt phổ rộng điều trị  bao vây và thường dùng phối hợp ít nhất hai loại kháng sinh.

Điều trị chống dính bằng thuốc atropin 1% nhỏ mắt 1 - 2lần/ ngày. Đây là loại thuốc cần được dùng càng sớm càng tốt, ngay sau khi phát hiện bệnh để tránh cho mống mắt không bị dính vào thuỷ tinh thể trong tư thế đồng tử co. Những ca bệnh nặng phải dùng dạng thuốc tiêm atropin 1/4mg pha lẫn với thuốc adrenalin 1mg tiêm vào dưới kết mạc vùng rìa phía có dính mống mắt để tách dính. Một lưu ý là chống chỉ định tuyệt đối dùng các thuốc co đồng tử.

Điều trị chống viêm: Tại mắt dùng  corticosteroids dạng thuốc tiêm để tiêm dưới kết mạc, tiêm cạnh nhãn cầu. Tra vào mắt dạng thuốc nước và thuốc mỡ. Thuốc chống viêm không steroids có thể dùng uống hoặc tiêm và nhỏ mắt phối hợp hoặc dùng ở giai đoạn củng cố.

Nâng cao thể trạng và tăng sức đề kháng bằng các thuốc: vitamin A, C, D và nhóm B. Băng che mắt hoặc cho bệnh nhân đeo kính râm để cho mắt được nghỉ ngơi.
Điều trị các di chứng:tăng nhãn áp thứ phát, đục thể thuỷ tinh là những di chứng thường gặp. Tuy nhiên, các trường hợp này dùng phương pháp phẫu thuật thường cho kết quả kém và rất hay tái phát. Vì vậy, đối với bệnh viêm mống mắt thể mi cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh các biến chứng.
BS. Nguyễn Minh Hạnh
 

Ý kiến của bạn