Viêm mao mạch dị ứng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

12-04-2025 19:12 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Viêm mao mạch dị ứng là một bệnh viêm mạch máu nhỏ, do lắng đọng phức hợp miễn dịch chứa IgA tại thành mạch. Bệnh gây tổn thương chủ yếu ở da, khớp, hệ tiêu hóa và thận, với biểu hiện đặc trưng là ban xuất huyết dạng sờ được ở hai chân, đau bụng, đau khớp và có thể tiểu máu.

1. Nguyên nhân bệnh viêm mao mạch dị ứng

Viêm mao mạch dị ứng (Henoch-Schönlein purpura) là một bệnh viêm mạch máu nhỏ, do lắng đọng phức hợp miễn dịch chứa IgA tại thành mạch.

Bệnh gây tổn thương chủ yếu ở da, khớp, hệ tiêu hóa và thận, với biểu hiện đặc trưng là ban xuất huyết dạng sờ được ở hai chân, đau bụng, đau khớp và có thể tiểu máu.

Bệnh thường gặp ở trẻ em từ 2–11 tuổi, diễn tiến đa số lành tính nhưng có nguy cơ biến chứng thận, đặc biệt ở người lớn.

Đến nay, nguyên nhân chính xác của viêm mao mạch dị ứng vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, bệnh được cho là liên quan đến rối loạn miễn dịch, đặc biệt là sự lắng đọng phức hợp miễn dịch chứa IgA tại thành các mao mạch nhỏ.

Một số yếu tố kích hoạt có thể gây khởi phát hoặc làm nặng thêm bệnh, bao gồm:

  • Nhiễm siêu vi hoặc vi khuẩn, đặc biệt là viêm họng do liên cầu khuẩn, cúm, virus Epstein-Barr.
  • Thuốc như kháng sinh (penicillin), thuốc giảm đau, thuốc chống viêm non-steroid (NSAIDs).
  • Dị ứng thực phẩm như sữa, trứng, hải sản.
  • Côn trùng đốt.
  • Tiêm chủng: Sau tiêm vaccine có thể gây đáp ứng miễn dịch quá mức ở một số trường hợp nhạy cảm.
  • Yếu tố di truyền và môi trường cũng có thể góp phần trong cơ chế bệnh sinh.
Viêm mao mạch dị ứng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 1.

Hình ảnh bệnh viêm mao mạch dị ứng.

2. Triệu chứng bệnh viêm mao mạch dị ứng

  • Ban xuất huyết dạng sờ được: Là dấu hiệu điển hình, gồm các nốt ban đỏ tím, không mất màu khi ấn, thường xuất hiện đối xứng ở hai chân, mông và đùi. Có thể lan lên cánh tay, thân mình trong trường hợp nặng.
  • Đau và sưng khớp: Thường gặp ở khớp gối và cổ chân, có thể kèm cứng khớp, hạn chế vận động, nhưng không gây biến dạng.

  • Rối loạn tiêu hóa: Gồm đau bụng quặn cơn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, thậm chí đi ngoài ra máu do xuất huyết đường ruột.

  • Tổn thương thận: Có thể tiểu máu vi thể hoặc đại thể, protein niệu, trong một số trường hợp diễn tiến thành viêm cầu thận, cần theo dõi sát.

  • Các biểu hiện khác: Có thể gặp phù nề, sốt nhẹ, mệt mỏi, tổn thương thần kinh ngoại biên hoặc sinh dục (viêm tinh hoàn ở bé trai).

3. Bệnh viêm mao mạch dị ứng có lây không?

Viêm mao mạch dị ứng không phải là bệnh lây nhiễm.

Bệnh không lây từ người sang người qua tiếp xúc thông thường, ăn uống chung hay hô hấp. Đây là một bệnh viêm mạch máu do rối loạn miễn dịch, không do vi khuẩn hay virus trực tiếp gây ra. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh khởi phát sau nhiễm khuẩn hô hấp trên (ví dụ như viêm họng do liên cầu), nên đôi khi có sự nhầm lẫn về khả năng lây.

Vì vậy, người bị viêm mao mạch dị ứng hoàn toàn có thể sinh hoạt, học tập, làm việc bình thường cùng với người khác, không cần cách ly. Điều quan trọng là theo dõi sát triệu chứng và điều trị đúng cách để phòng biến chứng – đặc biệt là ở thận.

4. Cách điều trị bệnh viêm mao mạch dị ứng

Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị chủ yếu nhằm làm giảm triệu chứng và phòng ngừa biến chứng.

Điều trị triệu chứng:

  • Nghỉ ngơi, kê cao chân để giảm phù và đau.
  • Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt như Paracetamol.
  • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs: ibuprofen) có thể dùng nếu không có tổn thương thận.

  • Corticoid đường uống (prednisolone) chỉ định trong các trường hợp: Đau bụng dữ dội hoặc xuất huyết tiêu hóa; Tổn thương khớp nặng; Biểu hiện thận như tiểu máu, protein niệu.

Theo dõi chức năng thận:

  • Viêm mao mạch dị ứng có thể diễn tiến thành viêm cầu thận.
  • Cần xét nghiệm nước tiểu định kỳ trong ít nhất 6 tháng, kể cả khi triệu chứng ngoài da đã lui.

5. Phòng ngừa bệnh viêm mao mạch dị ứng

  • Không sử dụng lại thuốc hoặc thực phẩm từng nghi gây dị ứng.
  • Điều trị triệt để các ổ viêm nhiễm tai mũi họng – vốn là yếu tố khởi phát bệnh ở nhiều trẻ.

  • Tuyệt đối không tự ý dùng corticoid kéo dài, đặc biệt với trẻ nhỏ vì nguy cơ suy tuyến thượng thận, loãng xương và ảnh hưởng phát triển.
  • Nhập viện ngay nếu trẻ có biểu hiện tiểu máu rõ, phù toàn thân, nôn liên tục, đau bụng dữ dội hoặc ban tái phát nhiều lần.
Cảnh giác với viêm mao mạch dị ứng ở trẻ từ những biểu hiện dễ bỏ qua dưới đâyCảnh giác với viêm mao mạch dị ứng ở trẻ từ những biểu hiện dễ bỏ qua dưới đây

SKĐS - Thời gian gần đây, khoa Nội nhi Tổng hợp – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp bệnh nhi mắc viêm mao mạch dị ứng (Schonlein Henoch). Trường hợp bệnh nhi H.V.H.Đ. (6 tuổi, ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) là một ca bệnh điển hình.


BSCKII Nguyễn Tiến Thành
Thành viên Hội Da liễu Việt Nam
Ý kiến của bạn