Viêm màng ngoài tim: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

27-06-2024 14:59 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh viêm màng tim đang có dấu hiệu gia tăng người mắc, mỗi người dân cần chú ý đến nguyên nhân, triệu chứng của căn bệnh này để sớm được bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp.

1. Nguyên nhân viêm màng ngoài tim

Nguyên nhân bệnh viêm màng ngoài tim hiện nay rất đa dạng, phụ thuộc vào dịch tễ học và bối cảnh lâm sàng. Căn nguyên chính của các bệnh màng ngoài tim bao gồm nhiều nguyên nhân.

1.1 Viêm màng ngoài tim do nhiễm trùng virus

Các loại vi-rus gây viêm màng ngoài tim như: herpes vi-rus, vi-rus quai bị, thủy đậu…Trong đó ở các nước phát triển vi-rus thường là tác nhân phổ biến nhất gây nên bệnh viêm màng ngoài tim, còn vi khuẩn lao thường gặp ở các nước đang phát triển hoặc nơi có bệnh lao lưu hành.

1.2 Viêm màng ngoài tim không do nhiễm trùng

Viêm màng ngoài tim có thể xảy ra do dùng chất gây nghiện, thuốc lá, thuốc lá điện tử. Do thứ phát sau bệnh lý tự miễn như bị lu-pus ban đỏ hệ thống, thấp khớp, xơ cứng bì, takayasu…

Do liên quan bệnh lý ác tính như ung thư phổi, ung thư vú, u lym-pho Hodgkin và u trung biểu mô và các ung thư di căn…

Người dân có thể bị viêm màng ngoài tim do bệnh lý xung quanh màng tim như nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, bệnh cơ tim nhiễm bột, suy tim, bệnh bóc tách hoặc loét thành động mạch chủ, bệnh hô hấp (viêm phổi nặng, tắc động mạch phổi..).

Viêm màng ngoài tim: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 1.

Viêm màng ngoài tim.

Ngoài ra, rối loạn chuyển hóa (tăng u-re máu, suy giáp); chấn thương hoặc sau phẫu thuật lồng ngực; do hóa xạ trị, các thuốc ức chế miễn dịch, chống loạn nhịp cũng là tác nhân gây nên bệnh viêm màng ngoài tim.

2. Triệu chứng của bệnh viêm màng ngoài tim

Đau ngực là triệu chứng chính của bệnh viêm màng ngoài tim. Biểu hiện cụ thể là người bệnh thường thấy đau nhói ở giữa ngực như dao đâm, lan lên vai và cánh tay, đau tăng khi nằm xuống hoặc làm các động tác ho, hít vào, nuốt, cử động thân mình. Cơn đau giảm khi ngồi dậy và cúi người về phía trước. Đồng thời viêm màng ngoài tim còn có triệu chứng sốt, đau mỏi cơ, khó thở, ăn uống kém.

Viêm màng ngoài tim: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 2.

Viêm màng ngoài tim bị dịch tích tụ.

Bệnh viêm màng ngoài tim còn có các triệu chứng lâm sàng như khi chụp X- quang ngực sẽ thấy bóng tim to (khi có tràn dịch màng ngoài tim). Khi siêu âm tim thì thấy tràn dịch màng ngoài tim mới xuất hiện hoặc tăng thêm.

3. Điều trị viêm màng ngoài tim bằng cách nào?

Hiện nay, bệnh viêm màng ngoài tim có hai cách điều trị đó là điều trị nội khoa và ngoại khoa.

Đối với điều trị viêm màng ngoài tim bằng nội khoa, người bị viêm màng ngoài tim sử dụng một số loại thuốc. Cụ thể, thuốc giảm đau Ibuprofen hoặc Aspirin giúp giảm triệu chứng đau do viêm màng ngoài tim, ngoài ra còn có tác dụng kháng viêm làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể.

Thuốc Colchicine chỉ định cho viêm màng ngoài tim cấp tính hoặc điều trị khi các triệu chứng tái phát, làm giảm đáp ứng viêm toàn thân trong cơ thể. Colchicine có thể rút ngắn thời gian của các triệu chứng viêm màng ngoài tim và giảm tình trạng bùng phát các triệu chứng này trở lại. Tuy nhiên cần thận trọng khi sử dụng cho những người bị bệnh gan, bệnh thận và xem xét tương tác thuốc khi dùng.

Viêm màng ngoài tim: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa- Ảnh 3.

Người bệnh cần sớm điều trị bệnh viêm màng ngoài tim.

Thuốc Corticosteroid, trong trường hợp người bệnh không đáp ứng với colchicine và thuốc giảm đau, mà người bệnh có các triệu chứng tái phát của viêm màng ngoài tim cấp thì bác sĩ cần phối hợp thêm thuốc Corticosteroid.

Trong trường hợp mắc bệnh viêm màng ngoài tim do nhiễm vi khuẩn, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng kháng sinh phù hợp.

Đối với điều trị viêm màng ngoài tim bằng ngoại khoa, người viêm màng ngoài tim sẽ được chọc hút dịch màng ngoài tim khi lượng dịch tích tụ gây chèn ép tim cấp khiến bệnh nhân khó thở. Việc chọc hút này nhằm loại bỏ lượng dịch, nước dư thừa trong khoang màng ngoài tim làm cho người bệnh dễ thở hơn. Thủ thuật này được làm dưới hướng dẫn siêu âm và được gây tê cục bộ trước khi tiến hành.

Trong một số trường hợp viêm màng ngoài tim co thắt có thể cần phải phẫu thuật để bóc tách lớp màng ngoài tim đã bị viêm dày.

4. Cách phòng ngừa bệnh viêm màng ngoài tim

Để phòng ngừa bệnh viêm màng ngoài tim, người dân không sử dụng chất gây nghiện. Thực hiện lối sống lành mạnh, đàm bảo nền tảng sức khỏe tốt, tập luyện thể dục thể thao. Khi người bệnh có biểu hiện ho, sốt hoặc các triệu chứng mô tả như trên cần đến khám bác sĩ. Không nên tự ý uống thuốc bắc, thuốc nam làm chậm trễ quá trình điều trị. Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị các vấn đề sức khỏe là các biện pháp tốt nhất để phòng bệnh

Nguy cơ do viêm màng ngoài tim co thắtNguy cơ do viêm màng ngoài tim co thắt

Bệnh viêm màng ngoài tim co thắt là hậu quả của quá trình xơ hoá. Quá trình viêm mạn tính do nhiều nguyên nhân gây ra làm tổn thương dày và dính màng ngoài tim.

Cấp cứu thành công ca thủng màng tim do dị vật kim khíCấp cứu thành công ca thủng màng tim do dị vật kim khí

SKĐS - Nam thanh niên, (22 tuổi, Bắc Giang), bị thủng màng tim, tổn thương cơ tim thất trái, gây tràn máu trong màng tim và màng phổi trái mức độ nhiều do vị vật kim khí văng bắn vào ngực trái. Tại Bệnh viện TW Quân đội 108, bệnh nhân đã được cấp cứu, phẫu thuật, cứu sống kịp thời.


TS.BS Nguyễn Lương Kỷ
-Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa- Được thẩm định bởi Hội đồng chuyên gia của Báo Sức khỏe và Đời sống.
Ý kiến của bạn