Viêm màng ngoài tim co thắt dễ dẫn đến suy tim nặng

17-10-2018 09:20 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm màng ngoài tim co thắt là hậu quả của quá trình xơ hóa làm dày lên và dính của màng ngoài tim, là hậu quả thứ phát của quá trình viêm mạn tính do nhiều nguyên nhân gây ra. Ở tất cả các độ tuổi đều có thể mắc bệnh, nhưng bệnh xuất hiện với tỷ lệ cao ở độ tuổi 30 - 50 tuổi. Nam giới gặp nhiều hơn nữ giới. Đây là tình trạng y khoa nghiêm trọng, việc chẩn đoán chính xác càng sớm càng tốt, khi điều trị có thể ngăn ngừa những tổn thương không hồi phục được.

Do tăng áp lực trong buồng tim và giảm sự giãn của tim thì tâm trương làm hạn chế sự đổ về của máu tĩnh mạch chủ và tĩnh mạch phổi, gây ra triệu chứng suy tim ứ huyết của cả tim bên phải và bên trái. Nguy hiểm nhất là tuy bệnh nhân bị bệnh nhưng lại không được chẩn đoán ra bệnh vì không được nghĩ đến nên đã dẫn tới hậu quả nặng nề cho bệnh nhân.

Nguyên nhân do đâu

Có nhiều nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim co thắt trong đó bao gồm: nhiễm khuẩn lao, vi khuẩn, virut, nấm và ký sinh trùng, trong đó lao là nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng ngoài tim co thắt. Chấn thương do phẫu thuật tim có tràn máu màng tim là yếu tố thuận lợi dẫn đến viêm màng ngoài tim co thắt sau đó. Do chạy tia xạ: đây là biến chứng muộn của xạ trị dẫn đến viêm màng ngoài tim co thắt. Viêm nhiễm hoặc rối loạn miễn dịch trong các bệnh thấp tim, lupus ban đỏ. Theo một số nghiên cứu, nguyên nhân do virut hay còn gọi là vô căn (42 - 55%), sau phẫu thuật tim (11 - 37%) và sau xạ trị vùng ngực (6 - 31%). Nhóm nguyên nhân sau nhiễm khuẩn (lao, viêm mủ màng ngoài tim) ít gặp hơn (3 - 6%). Tuy nhiên, nguyên nhân thường gây viêm màng ngoài tim co thắt nhất thay đổi tùy theo vùng địa lý. Ngoài ra, còn do các bệnh khác như: ung thư vú, phổi, hạch lympho, u sắc tố, u trung biểu mô. Ở một số trường hợp không rõ nguyên nhân.

Viêm màng ngoài tim do co thắt mạn.

Viêm màng ngoài tim do co thắt mạn.

Cách nhận biết

Những dấu hiệu sớm của viêm màng ngoài tim co thắt thường không đặc hiệu như ngất xỉu, mệt và giảm khả năng khi gắng sức. Thời gian sau đó bệnh nhân thường có các triệu chứng của suy tim trái như khó thở khi gắng sức, khó thở về đêm. Bệnh nhân cảm thấy bụng ngày càng to ra, khó thở khi gắng sức và chóng mệt mỏi. Thể tích của bụng to ra do dịch cổ trướng tích tụ lại trong màng bụng: kèm theo bệnh nhân còn có những rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, ăn không ngon, chậm tiêu.

Khi gắng sức, tình trạng khó thở càng tăng lên, sự khó thở của bệnh nhân có liên quan đến tình trạng tăng áp lực và sung huyết ở các tĩnh mạch và mao mạch phổi. Nhưng tình trạng tăng cao này không đạt tới một mức độ nguy hại có thể dẫn tới phù phổi cấp, vì thất phải bị giới hạn do chèn ép không thể tăng được lượng máu. Bệnh nhân có thể bị tràn dịch màng phổi một bên hoặc hai bên.

Ở giai đoạn nặng của bệnh sẽ thấy các dấu hiệu giống như suy tim phải đó là phù ngoại biên, căng tức bụng và cổ trướng. Ở một số bệnh nhân màng ngoài tim có thể tiến triển dày, tạo sẹo và co cứng. Khi đó màng ngoài tim mất hẳn tính đàn hồi và trở nên cứng nhắc, thắt chặt xung quanh tim.

Chèn ép tim xảy ra khi có quá nhiều chất dịch ở trong màng ngoài tim. Chất dịch dư thừa sẽ tạo áp lực cho tim, làm cho tim kém giãn trong thì trương nên khi tim bóp có ít máu được tống đi, gây ra giảm đáng kể lượng máu đi nuôi cơ thể. Tình trạng này dẫn đến triệu chứng sưng chân và nặng bụng, khó thở. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, chèn ép tim có thể gây tử vong.

Phẫu thuật cắt màng ngoài tim là phương pháp điều trị chủ yếu được lựa chọn.

Phẫu thuật cắt màng ngoài tim là phương pháp điều trị chủ yếu được lựa chọn.

Về điều trị và phòng bệnh

Phẫu thuật cắt màng ngoài tim là phương pháp điều trị chủ yếu được lựa chọn. Sau mổ, trên 90% bệnh nhân có cải thiện triệu chứng đáng kể. Tuy nhiên cần phải cân nhắc kỹ từng trường hợp vì tỷ lệ tử vong trong và ngay sau mổ tương đối cao, từ 5 - 20%. Vì tỉ lệ tử vong cao nên các bác sĩ phẫu thuật thường quyết định mổ sớm cho bệnh nhân chứ không đợi đến khi thể trạng bệnh nhân đã bị suy sụp do bệnh diễn biến kéo dài, tổn thương đã nặng.

Đối với bệnh nhân ở giai đoạn đầu có thể điều trị nội khoa bảo tồn bằng thuốc lợi tiểu và chế độ ăn hạn chế muối. Mặt khác điều trị nội khoa cũng được chỉ định ở các bệnh nhân quá nặng không còn chỉ định mổ.

Việc phòng bệnh chủ yếu là loại trừ nguyên nhân gây bệnh như khám phát hiện và điều trị triệt để các bệnh: nhiễm vi khuẩn, virut, nấm, ký sinh trùng, đặc biệt là bệnh lao. Đối với các bệnh rối loạn miễn dịch như thấp tim, lupus ban đỏ, sarcoidose cũng phải điều trị tích cực. Những bệnh nhân sau chấn thương hoặc phẫu thuật tim, điều trị bằng tia xạ, bệnh nhân bị ung thư các loại cần khám định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời viêm màng ngoài tim co thắt.


ThS. Nguyễn Mạnh
Ý kiến của bạn