Thống kê từ Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương cho thấy, thời gian gần đây, bệnh viêm não đang gia tăng, các ca viêm não chủ yếu là VMN, viêm não Nhật Bản và VMN mủ. Trong đó, nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng nguy kịch, để lại di chứng đáng tiếc.
Hình ảnh viêm màng não.
Căn nguyên gây bệnh
Nguyên nhân của bệnh VMN có thể do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn. Các bệnh lý không nhiễm khuẩn thường có bệnh cảnh và tên gọi riêng nên khi đề cập đến VMN thường nói đến VMN nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng...
VMN mủ: trước đây, H. influenzae là tác nhân hay gặp nhất gây VMN mủ ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp là phế cầu. Căn nguyên vi khuẩn gây bệnh cũng thay đổi theo tuổi, tình trạng miễn dịch, các tổn thương tai nạn, phẫu thuật thần kinh.
VMN nước trong: là hội chứng hay gặp nhất trong các nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, phần lớn do các mầm bệnh virus nhưng cũng có thể gặp vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng.
VMN mạn tính: triệu chứng kích thích màng não cùng với tăng bạch cầu trong dịch não tủy kéo dài trên 4 tuần, căn nguyên có thể là vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng.
Dấu hiệu nhận biết
Triệu chứng kinh điển của VMN bao gồm: sốt, đau đầu, cứng gáy, sợ ánh sáng, buồn nôn, nôn và các dấu hiệu rối loạn chức năng não (như lơ mơ, lú lẫn, hôn mê) có thể cấp tính trong vài giờ đến vài ngày hoặc lâu hơn đến hàng tuần. Các triệu chứng có khi xuất hiện không điển hình, đầy đủ ở các nhóm bệnh nhân cao tuổi, nhất là khi có bệnh nền kèm theo (tiểu đường, bệnh gan, thận); bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính; bệnh nhân suy giảm miễn dịch khác như người ghép tạng, bệnh nhân HIV/AIDS.
Thời gian, địa điểm phát bệnh có vai trò quan trọng trong xác định nguyên nhân. Nhiều mầm bệnh xuất hiện gây bệnh theo mùa. Enterovirus gặp ở khắp thế giới, gây nhiễm vào cuối hè đầu thu ở vùng ôn đới nhưng quanh năm ở vùng nhiệt đới. Trái lại, các virus quai bị, sởi, thủy đậu, zona hay gặp hơn vào mùa đông - xuân. Những yếu tố như tiền sử tiếp xúc người mắc bệnh, tiếp xúc động vật hay ăn các thức ăn từ động vật (sữa, pho-mát, tiết canh...), quan hệ tình dục, đi lại giữa các vùng địa lý có thể giúp bác sĩ định hướng nguyên nhân, loại vi khuẩn gây bệnh.
Khi thăm khám, bác sĩ thường phát hiện các dấu hiệu rối loạn chức năng não bao gồm lú lẫn, kích thích, sảng và hôn mê. Những biểu hiện này thường kèm theo sốt và sợ ánh sáng. Các dấu hiệu kích thích màng não như Kernig, Brudzinski, cứng gáy có thể chỉ gặp ở 50% số bệnh nhân VMN mủ...
Tiêm phòng cho trẻ là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất (ảnh minh họa).
Và biến chứng
Một số biến chứng có thể gặp là liệt thần kinh sọ, giảm thính lực, não úng thủy thể tắc nghẽn, tổn thương nhu mô não dẫn tới các khuyết tổn vận động, cảm giác, bại não, sa sút trí tuệ, chậm phát triển tinh thần, mù vỏ và động kinh.
Các bệnh lý VMN căn nguyên do virus thường có tiên lượng tốt, ít di chứng ngoại trừ một số virus như virus thủy đậu, gần đây là Zikavirus đang được truyền thông nhắc đến và đặc biệt virus viêm não Nhật Bản B sẽ có thể để lại các di chứng thần kinh nặng nề.
VMN do lao nếu được điều trị sớm sẽ có thể khỏi, ít di chứng nhưng nếu điều trị muộn, di chứng về thể chất, trí tuệ, tinh thần cũng rất nặng nề. Các trường hợp VMN mủ thường có tiên lượng tốt nếu điều trị kịp thời, có thể khỏi hoàn toàn không có di chứng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Những trường hợp VMN do não mô cầu phải được điều trị cách ly tuyệt đối. Hiện đã có các vắc-xin cho HIB, phế cầu, não mô cầu và một số tác nhân virus như sởi, quai bị, Rubella, viêm não Nhật Bản B. Những người tiếp xúc phơi nhiễm không mang phương tiện phòng hộ hữu hiệu đối với các bệnh nhân VMN do các căn nguyên lây nhiễm cao như H.influenzae typ B, não mô cầu... nên được uống thuốc dự phòng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm. Ngoài ra, các biện pháp dự phòng chung khác như vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường ngoại cảnh nên được quan tâm và thực hiện thường xuyên đúng mực.