1. Nguyên nhân bệnh viêm màng não mủ
Nguyên nhân chính của viêm màng não mủ là do vi trùng, vi khuẩn gây bệnh.
Trẻ em: Thường bị nhiễm Streptococcus pneumoniae, loại vi khuẩn này thường phát triển mạnh khi cơ thể người bệnh suy giảm miễn dịch, đặc biệt, trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện.
Haemofilus influenzae type b, đây là vi khuẩn rất nguy hiểm, chúng thường xâm nhập ở bộ phận mũi họng của trẻ nhỏ.
Neisseria meningitidis, vi khuẩn này còn được gọi là vi khuẩn não mô cầu, đây là một trong những tác nhân chính gây ra bệnh viêm màng não ở trẻ nhỏ.
Người lớn: Người lớn bị viêm màng não mủ thường do vi khuẩn Streptococcus suis (còn gọi là liên cầu lợn), vi khuẩn này thường có ở phần xoang mũi, hạch hạnh nhân, hệ tiêu hóa của lợn.
Các loại vi khuẩn khác như: Streptococcus pneumoniae; Trực khuẩn Gram âm đường ruột (Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae); Neisseria meningitidis cũng là tác nhân gây nên bệnh viêm màng não mủ.
Đường lây nhiễm viêm màng não mủ: Hiện nay, bệnh viêm màng não mủ lây qua các con đường:
Lây qua đường hô hấp: Các vi khuẩn gây bệnh viêm màng não mủ như Haemophilus influenzae type b, Neisseria meningitidis, Streptococcus pneumioniae lây qua đường hô hấp (nước bọt, giọt bắn...).
Viêm màng não mủ cũng lây qua vết đứt trên da: Khi bất kỳ ai có vết đứt, vết xước trên da mà tiếp xúc chỗ vết thương đó với thực phẩm có vi khuẩn Streptococcus suis (liên cầu khuẩn lợn) thì sẽ bị nhiễm bệnh viêm màng não mủ.
Viêm màng não mủ lây qua đường tiêu hóa: Streptococcus suis (liên cầu khuẩn lợn) cũng lây nhiều qua đường tiêu hóa. Nghĩa là khi ăn phải phải thịt heo nhiễm bệnh chưa được nấu chín, thiếu an toàn thì vi khuẩn này xâm nhập ngay vào đường tiêu hóa để gây bệnh.
2. Triệu chứng bệnh viêm màng não mủ
Bệnh viêm màng não mủ có một số triệu chứng ban đầu như sốt cao, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, nôn, đau đầu dữ dội…
Triệu chứng tiến triển nặng hơn là co giật, rối loạn ý thức (người bệnh thường có cảm giác bị kích thích sau đó mệt mỏi, lờ đờ).
Người viêm màng não mủ cũng có thể xuất hiện các triệu chứng: cổ cứng, sợ ánh sáng, vật vã.
3. Điều trị viêm màng não mủ
Để có thể điều trị chính xác bệnh viêm màng não mủ, bác sĩ khám tổng quát tìm triệu chứng bệnh, cho chụp CT đầu và làm các xét nghiệm cần thiết.
Bệnh viêm màng não mủ hiện nay rất nguy hiểm, người bệnh chắc chắn tử vong nếu không điều trị. Điều trị sớm nhất là giải pháp để nhanh chóng giảm bệnh và hạn chế tối đa các di chứng.
Vậy nên, sau khi chẩn đoán ra bệnh, bệnh nhân cần nhập viện ngay để điều trị kháng sinh truyền đường tĩnh mạch theo chỉ định của bác sĩ và theo dõi các biến chứng.
Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không nên dùng lá cây để uống, loại này không điều trị được bệnh viêm màng não mủ.
Trong quá trình điều trị, người viêm màng não mủ có thể ăn uống những thực phẩm dễ tiêu hóa để có thể bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể. Đồng thời, tránh ăn sống, ăn tái những thực phẩm nguy cơ cao mắc liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) như: lòng heo, dồi trường, thịt heo, tiết canh...
4. Phòng ngừa bệnh viêm màng não mủ
Có nhiều cách để phòng ngừa bệnh viêm màng não mủ như:
Tiêm chủng: Đây là biện pháp quan trọng nhất để dự phòng bệnh đối với một số tác nhân như:Vi khuẩn Haemofilus influenzae type b, Streptococcus pneumoniae, Neisseria meningitidis.
Phòng ngừa bệnh nhiễm trùng do Streptococcus suis bằng cách: Tránh ăn nội tạng không an toàn, thịt lợn chưa chín và ăn tiết canh. Nếu buôn bán thịt lợn cần đeo găng tay để tránh nhiễm bệnh qua vết đứt trên tay, cũng như đi ủng ở chân khi giết mổ. Không giết mổ, buôn bán, chế biến và ăn thịt lợn bệnh.
Đồng thời, không sử dụng corticoid (thuốc chống viêm, chống dị ứng...) nếu không có chỉ định của bác sĩ, tránh uống các thuốc đông y không rõ nguồn gốc (để chữa đau nhức, đau khớp…).