Viêm lưỡi bản đồ

07-01-2010 09:05 | Đời sống
google news

Viêm lưỡi bản đồ là tình trạng viêm lưỡi di chuyển lành tính. Sang thương lưỡi có biểu hiện phân phối rải rác như hình bản đồ do hiện tượng teo gai lưỡi,

 Khám lưỡi cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: PV
Viêm lưỡi bản đồ là tình trạng viêm lưỡi di chuyển lành tính. Sang thương lưỡi có biểu hiện phân phối rải rác như hình bản đồ do hiện tượng teo gai lưỡi, bao quanh bởi một vành trắng dày sừng. Trên lưỡi có những vết như hình bản đồ, viền mầu trắng, phía trong đỏ đậm hơn mầu lưỡi bình thường, dần dần loang rộng ra và vết khác xuất hiện. Bệnh có thể phát triển nhanh chóng sang các vị trí khác nhau ở lưỡi nhưng cũng có thể khỏi tự nhiên không để lại dư chứng gì.

Viêm lưỡi bản đồ bao giờ cũng bắt đầu bằng một chấm lõm nhỏ ở cạnh lưỡi hoặc ở đầu lưỡi, nhẵn và đỏ hơn phần lưỡi còn lại. Bệnh lan ra thành hình vòng cung, tròn hoặc dải xoắn, ngoằn ngoèo. Mỗi một đám đều có bờ nhỏ mầu trắng hơi vàng, làm cho bề mặt lưỡi trông giống như tấm bản đồ. Đặc biệt là hình dạng tổn thương thay đổi từng ngày. Vết này có thể tự mất đi nhưng rồi lại xuất hiện vết khác. Bệnh trải qua từng giai đoạn từ nhẹ đến nặng. Thương tổn cũng có khi cố định hẳn trong một thời gian dài.

 

 Trường hợp bị viêm lưỡi bản đồ. Ảnh: Tl
Viêm lưỡi bản đồ luôn được phát hiện muộn vì không có triệu chứng báo trước nào cả vì bệnh nhân cảm thấy không rát, ăn uống hoàn toàn bình thường. Hiện nguyên nhân của bệnh viêm lưỡi bản đồ vẫn chưa được y học tìm ra.

Điều trị: Không có điều trị gì đặc hiệu để chữa hết bệnh viêm lưỡi bản đồ mà bệnh có thể hết một cách tự nhiên. Một số trường hợp kèm viêm loét gây đau ảnh hưởng đến ăn uống có thế dùng thuốc giảm đau, kèm thêm thuốc kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.

Thông thường, mỗi lần bị tình trạng viêm lưỡi bản đồ kéo dài không quá 10 ngày. Những người thường bị tình trạng này nên tránh những thức ăn nóng hay có nhiều gia vị, tránh tiếp xúc với những thức uống có cồn. Giữ gìn vệ sinh răng miệng để tránh viêm loét kèm theo. Mặc dù là bệnh lành tính nhưng khi có triệu chứng kéo dài, gây đau hoặc khó chịu khi ăn cần đến cơ sở y tế để được khám bởi một số ít trường hợp có thể do dị ứng hoặc vẩy nến gây nên.

Bác sĩ  Nguyễn Minh Hiệp


Ý kiến của bạn