Viêm lợi trùm có thực sự đáng lo?

28-10-2022 13:31 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm lợi trùm là một bệnh lý răng miệng phổ biến và thường gặp ở tất cả mọi người.  Đây là tình trạng liên quan đến quá trình mọc răng, đặc biệt là răng khôn. Hệ lụy của tình trạng viêm lợi trùm sẽ khiến các mô mềm bị sưng, đỏ, đau nhức dữ dội,…

Lợi trùm là phần lợi bao phủ trên bề mặt răng, có thể phủ kín hoặc một phần răng. Thông thường khi răng mọc phần lợi này sẽ dần hết nhưng một số trường hợp lợi trùm cản trở sự phát triển của răng dễ gây tình trạng lợi viêm và sưng.

1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ viêm lợi trùm

Lợi trùm là phần lợi bao phủ trên bề mặt răng, có thể phủ kín hoặc một phần răng. Thông thường khi răng mọc phần lợi này sẽ dần hết nhưng một số trường hợp lợi trùm cản trở sự phát triển của răng, gây đau đớn cho bệnh nhân, về lâu dài khi răng mọc lên, đẩy một phần lợi trùm tạo nên khoảng trống dưới lợi. Trong trường hợp này, nếu không chăm sóc và vệ sinh răng miệng cẩn thận, rất có thể khiến lợi viêm và sưng.

Tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng tình trạng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, người bệnh cảm thấy đau nhức dữ dội, ảnh hưởng đến ăn uống, sinh hoạt.

Viêm lợi trùm ở dạng cấp tính sẽ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng có thể dẫn đến sốt, chảy máu chân răng, đau nhức, khó chịu hoặc sưng hạch bạch huyết ở cổ. Đối với viêm lợi trùm mạn có thể tái phát nhiều lần và lặp lại theo chu kỳ. Biểu hiện viêm lợi trùm mạn cũng liên quan đến răng miệng như chảy máu chân răng, đau nhức, hơi thở có mùi,… và nóng sốt nếu lợi bị viêm.

Viêm lợi trùm có thực sự đáng lo? - Ảnh 1.

Khi răng mọc phần lợi trùm cản trở sự phát triển của răng dễ gây tình trạng lợi viêm và sưng.

Theo ghi nhận, viêm lợi trùm thường gặp ở người từ 20 – 40 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh lý răng miệng này nhất. Và đây cũng là thời điểm mọc răng khôn, khi đó lợi bao phủ không đủ chỗ trống để răng nhú lên, lợi bao phủ sẽ khiến răng mắc kẹt dưới nướu gây đau nhức, khó chịu.

Các yếu tố nguy cơ khác như: chấn thương khi nhai, thói quen vệ sinh răng miệng kém, người hút thuốc lá ….sẽ dễ viêm lợi trùm. Ngoài ra, khi căng thẳng, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, mệt mỏi nghiêm trọng hoặc phụ nữ mang thai có nguy cơ cao viêm lợi trùm hơn đối tượng khác.

2. Triệu chứng viêm lợi trùm

Tùy vào từng cá nhân, mức độ nghiêm trọng mà có thể có các biểu hiện khác nhau. Nếu viêm lợi trùm nhẹ thường có các biểu hiện nướu sưng, đau phần sát gần răng bị ảnh hưởng. Khi ăn người bệnh thấy khó khăn, miệng hôi mùi khó chịu. Nếu không được chăm sóc điều trị đúng viêm lợi trùm ở mức nghiêm trọng sẽ có biểu hiện sưng đau gây lệch mặt người bệnh. Sốt là biểu hiện tiếp theo, và sưng các hạch bạch huyết có thể gây cứng hoặc khó cử động hàm.

Các biểu hiện cấp có thể kéo dài 3 – 4 ngày và được cải thiện sau khi được chăm sóc phù hợp. Nếu không được điều trị có thể tiến triển thành mạn tính với các biểu hiện đau âm ỉ, miệng có mùi hôi, khó chịu trong miệng và sưng lợi ở khu vực bị ảnh hưởng. Các biểu hiện viêm lợi trùm mạn có thể tái phát nếu viêm nặng sẽ gây viêm ảnh hưởng quanh thân răng và hàm.

Ở một số trường hợp viêm lợi trùm đôi khi nhiễm trùng có thể lây lan vào máu thông qua các mô nướu. Khi đó, nhiễm trùng huyết và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Câu hỏi nhiều người thắc mắc là khi nào thì viêm lợi trùm phải nhập viện. Trên thực tế, khi viêm lợi trùm người bệnh thấy có biểu hiện sốt, khó nhai nuốt và các biểu hiện nghiêm trọng khác thì cần nhập viện. Việc khó nhai, khó nói đau hàm, sưng tấy, sốt… gây khó khăn cho việc hô hấp sẽ cần chăm sóc y tế. Người bệnh cần tới cơ sở y tế có chuyên khoa răng hàm mặt để được tư vấn và điều trị.

3. Lời  khuyên thầy thuốc

 Để có thể khắc phục viêm lợi trùm cách tốt nhất là đến nha khoa thăm khám và điều trị. Bên cạnh đó, người bệnh cần chăm sóc răng miệng và ăn uống hợp lý. Cần chải răng 2 lần/ngày sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn và các mảng bám trong khoang miệng, ngăn ngừa viêm lợi trùm. Khi viêm lợi trùm ở mức độ nặng có thể sẽ được các bác sĩ có thể cắt bỏ mô hoặc nhổ bỏ răng. Người bệnh cần phải vệ sinh răng miệng cần thận, không hút thuốc lá và tái khám theo hẹn của bác sĩ.

Mời độc giả xem thêm video:

7 Thực Phẩm Giúp Giảm Cơn Đau Do Viêm Họng


BS. Nguyễn Thị Châu
Ý kiến của bạn