1. Viêm lợi do đâu?
Theo ThS. BS. Đậu Thị Kiều Trang, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện 19-8, những tình trạng lợi (nướu) sưng đỏ, đau, dễ chảy máu và kèm hôi miệng có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm lợi. Viêm lợi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó, nguyên nhân tại chỗ thường gặp có thể kể đến như thói quen vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và dẫn đến viêm.
Ngoài ra, những người suy giảm chức năng miễn dịch như bệnh nhân ung thư, bệnh nhân đái tháo đường… cũng dễ có nguy cơ mắc viêm lợi nhiều hơn so với người bình thường.
Viêm lợi là tình trạng lợi sưng đỏ, đau, dễ chảy máu và kèm hôi miệng.
2. Điều trị viêm lợi cần lưu ý gì?
ThS. BS. Đậu Thị Kiều Trang cho biết, triệu chứng của viêm lợi có thể từ nhẹ đến nặng, tùy vào lượng vi khuẩn mảng bám tồn tại càng lâu thì mức độ viêm lợi càng nặng. Nếu người bệnh có tâm lý chủ quan, tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về uống hoặc sử dụng thuốc theo lời mách bảo của những người không có chuyên môn thì bệnh sẽ không được chữa trị dứt điểm, gây nhờn thuốc, có thể tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Thậm chí, viêm lợi nếu không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng nặng, áp xe tại chỗ, mưng mủ… dẫn đến hoại tử. Nhiều trường hợp viêm nhiễm lâu ngày không được xử lý có thể lan rộng, gây ảnh hưởng đến tổ chức xương của răng.
Vì vậy, khi bị viêm lợi, người bệnh cần đến khám bác sĩ để được thăm khám và tư vấn dùng thuốc hiệu quả. Đặc biệt là ở đối tượng trẻ nhỏ, nếu bệnh viêm lợi không được điều trị đúng cách rất có thể tiến triển thành bệnh viêm nha chu.
Để đạt hiệu quả trong điều trị viêm lợi, người bệnh cần được loại bỏ mảng bám răng và cao răng.
- Trường hợp bệnh nhẹ có thể chưa cần dùng thuốc. Nước súc miệng là biện pháp được ưu tiên hàng đầu trong việc điều trị viêm lợi. Ngoài nước muối, có thể dùng dung dịch nước súc miệng chứa các chất kháng khuẩn như chlorhexidin… giúp làm sạch khoang miệng, loại bỏ các mảng bám và vi khuẩn gây bệnh.
- Trường hợp viêm lợi diễn tiến nặng, có chảy máu lợi, cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Các thuốc thường dùng trong điều trị viêm lợi bao gồm:
+ Thuốc kháng sinh đường uống hoặc bôi: Có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn trú ngụ ở nướu răng, giúp điều trị tình trạng viêm lợi. Thông thường trong điều trị viêm lợi và viêm nha chu, bác sĩ sẽ kê đơn phối hợp 2 loại kháng sinh để có kết quả tốt nhất, thời gian điều trị 7-10 ngày. Cần tuân thủ hướng dẫn và liều dùng do bác sĩ kê, tránh việc tự ý dừng thuốc giữa chừng khi thấy các triệu chứng thuyên giảm. Các kháng sinh có thể sử dụng trong điều trị viêm lợi như metronidazole, azithromycin, ciprofloxacin, amoxicillin...
+ Thuốc kháng viêm non-steroid (ibuprofen, diclophenac, meloxicam...): Được sử dụng giúp giảm các triệu chứng sưng đỏ, đau do viêm lợi. Thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này với người có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa. Nên uống thuốc khi no để hạn chế tác dụng phụ lên đường tiêu hóa.
+ Thuốc corticosteroid (prednisolon, dexamethason...): Các thuốc này có tính kháng viêm mạnh, điều trị triệu chứng sưng, đỏ, đau lợi. Các thuốc nhóm này có tác dụng điều trị rất hiệu quả nhưng cũng gây nhiều tác dụng phụ, do đó người bệnh không được tự ý sử dụng mà cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.
+ Thuốc giảm đau thông thường (paracetamol, aspirin...): Dùng để giảm đau do viêm lợi. Tuy là những thuốc giảm đau tương đối lành tính, nhưng người bệnh cần dùng đúng liều, tránh lạm dụng có thể dẫn đến quá liều. Lưu ý không được dùng thuốc giảm đau aspirin cho các trường hợp mắc các bệnh ưa chảy máu, sốt xuất huyết.
ThS. BS. Đậu Thị Kiều Trang, Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện 19-8 thông tin về các loại thuốc điều trị viêm lợi.
3. Phòng ngừa viêm lợi như thế nào?
Để phòng ngừa viêm lợi, hạn chế tái phát, việc đầu tiên cần làm là thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách. Mỗi người cần chải răng theo theo đường tròn trên bề mặt răng, để bàn chải 45 độ.
Nên súc miệng hoặc chải răng sau mỗi bữa ăn để tránh tạo mảng bám. Ngoài ra, nên lấy cao răng định kỳ 6 tháng - 1 năm một lần. Việc này cũng giúp phát hiện sớm các tình trạng răng miệng nếu có.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Viêm mũi dị ứng khi giao mùa.