Tôi thường xuyên bị viêm loét miệng, ăn uống khó khăn, rất đau đớn. Xin Quý báo cho biết cần làm gì để hạn chế căn bệnh này?
Nguyễn Văn Hùng (Đăk Lăk)
Viêm loét vùng niêm mạc miệng là một bệnh lý thuộc về răng miệng, rất hay gặp. Nguyên nhân của bệnh có rất nhiều, trong đó một số nguyên nhân thường gặp là do nhiễm khuẩn, do uống nhiều bia, rượu, cà phê và hút thuốc lá, do nấm, hay gặp do nhiễm Candida. Đôi khi lở loét ở miệng do một nguyên nhân bệnh lý toàn thân khác như đái tháo đường, xơ gan…
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng nước muối khi bị viêm loét miệng. Ảnh: TL |
Ngoài ra, chế độ ăn uống thiếu sinh tố, nhất là sinh tố nhóm B, PP, vitamin C… làm cho sức đề kháng của niêm mạc miệng giảm, rất dễ bị tổn thương.
Do vậy, để điều trị bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, cần áp dụng một số biện pháp giảm bớt nguy cơ bệnh tái phát dai dẳng:
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước muối nhạt (4 - 6 lần/ngày). Khi đánh răng cần tránh làm tổn thương niêm mạc miệng do chà sát quá mạnh. Điều trị triệt để các bệnh lý về răng như: Viêm nướu, viêm cuống nha chu, nếu dùng răng giả phải vệ sinh sạch sẽ.
Tránh các thức ăn gây kích thích như hạt tiêu, ớt…; không nên uống bia, rượu, cà phê, hút thuốc lá; trong chế độ ăn tăng cường các chất rau xanh, trái cây; tránh để táo bón; có thể bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B, PP và vitamin C hằng ngày. Nếu có điều kiện có thể uống mỗi ngày một vài ly bột sắn pha với chanh tươi.
Trong trường hợp viêm cấp do nhiễm khuẩn, gây đau đớn, ảnh hưởng đến ăn uống cần uống kháng sinh giảm đau, chấm tại chỗ bằng kamistad-gen có tác dụng giảm đau, chống viêm theo chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Minh