Viêm loét miệng, dùng thuốc gì để mau lành?

20-01-2020 13:51 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Viêm loét miệng (thực chất là viêm loét niêm mạc miệng) là chứng bệnh khá phổ biến, nhất là trong tiết trời nóng nực. Bệnh gây đau đớn, ảnh hưởng ăn uống sinh hoạt và cần được dùng thuốc điều trị đúng cách.

Viêm loét miệng biểu hiện bằng những đốm loét nhỏ dưới 1cm, hình bầu dục hoặc tròn có bờ màu đỏ, ở phía trong niêm mạc miệng. Viêm loét miệng gây đau đớn, rất khó chịu, đôi khi người bệnh còn sốt. Có nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét niêm mạc miệng, bao gồm: nhiễm khuẩn (nhiều loại vi khuẩn gây viêm loét lợi răng hoại tử cấp tính quanh ổ răng); nhiễm virut (viêm miệng do virut Herpes với triệu chứng là mụn nước lan rộng rồi tạo thành vết loét, gặp ở môi, mép, niêm mạc miệng, có thể có sốt, viêm họng, nổi hạch); do nhiễm nấm... Viêm loét miệng cũng có thể do bỏng nhiệt vì ăn uống thức ăn quá nóng, tổn thương hay gặp ở vòm miệng, chỗ cung răng hàm trên. Do tác động của các chất hóa học như axít, nước súc miệng quá đậm đặc, dùng nhiều kem đánh răng nhưng súc miệng chưa kỹ... Biểu hiện ban đầu của viêm loét miệng là bên trong niêm mạc miệng xuất hiện một hoặc nhiều đốm trắng to, hơi mọng nước, vài ngày sau đồng loạt vỡ ra tạo thành vết loét. Vết loét to dần gây đau, khó chịu, ăn uống kém. Nếu không có biến chứng, vết loét tự lành sau 10 - 15 ngày và có thể lại tái diễn đợt khác tương tự.

Các vết loét trong miệng cũng có thể gặp trong các bệnh lý như: mụn giộp hay thậm chí là ung thư vòm họng hoặc người vệ sinh răng miệng kém và dị ứng, người bị suy dinh dưỡng, hệ miễn dịch yếu...Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, uống đủ nước mỗi ngày để phòng chống bệnh viêm loét miệng.

Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, uống đủ nước mỗi ngày để phòng chống bệnh viêm loét miệng.

Thuốc nào chữa viêm loét miệng?

Các thuốc dùng trong điều trị viêm loét miệng điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng nhằm giảm số lượng và kích thước của vết loét, giảm đau, giảm thời gian lành thương, giảm khả năng tái phát của bệnh.

Thuốc bôi tại chỗ và súc miệng

Một số thuốc dưới dạng gel, thuốc bôi hoặc dung dịch bôi có thể được chỉ định dùng tại vết loét. Có thể sử dụng một số thuốc sau đây: kem bôi có chứa triamcinolone acetonide hoặc amlexanox (aphthasol); gel 2% lidocaine dùng bôi chỗ loét, cho tác dụng tốt.  Dùng nitrate bạc bôi trực tiếp lên tổn thương. Thuốc làm bớt đau ngay sau khi bôi và lành thương tổn trong vòng 3 - 5 ngày. Loại dung dịch súc miệng sát khuẩn chlorhexidine (cyteal, eludril) giúp mau lành loét. Cách khác là nên sử dụng debacterol là phức hợp phenol sulfonate với sulfuric acid có tác dụng tương tự nitrate bạc. Đây là một hình thức đốt tiêu hủy vết loét bằng hóa chất. Cảm giác đau hầu như giảm ngay và vết thương sẽ lành sau 3 - 5 ngày. Đây là thuốc bán theo đơn và cần dùng theo đúng chỉ định. Khi dùng thuốc bôi, nên bôi thuốc vào trước các bữa ăn khoảng 1 giờ để vừa có tác dụng kháng viêm mà vừa có tác dụng giảm đau, bôi trước khi đi ngủ buổi tối 1-2 giờ để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cần súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9%, không nên súc miệng với nước muối tự pha quá mặn sẽ khiến vết loét lâu lành và tăng kích thích đau nhiều hơn. Trường hợp bệnh nhân bị loét thường xuyên thì nên súc miệng bằng dung dịch chlohexidine, giúp ngăn ngừa bội nhiễm. Dung dịch tetracycline có thể giúp giảm đau và lành loét nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc không giúp ngăn ngừa tái phát. Khi dùng quá 5 ngày, thuốc có thể gây kích ứng và tạo điều kiện cho nấm phát triển.

Thuốc uống

Với trường hợp viêm loét miệng có bội nhiễm do vi khuẩn, người bệnh  sẽ được chỉ định uống kháng sinh. Loại thuốc kháng sinh kết hợp hoạt chất sulfamethoxazon và trimethoprim có tác dụng tốt trong điều trị bệnh nhiệt miệng. Trường hợp có vết loét to và tồn tại dai dẳng gần như thường xuyên ở trong má, phải kết hợp uống thêm kháng sinh đặc hiệu vùng răng miệng là sự kết hợp spiramycin và metronidazol.

Nếu có bội nhiễm nấm tại chỗ thì cần uống thêm thuốc kháng nấm (kết hợp bôi thì hiệu quả điều trị sẽ cao hơn) như fluconazol, itraconazol hoặc nystatin.

Khi có chẩn đoán viêm loét miệng do virut thì người bệnh cần dùng thuốc kháng virut như: acyclovir, famciclovir, alcyclovir...

Đối với trường hợp rất nặng, bác sĩ có thể xem xét cho dùng corticoid đường uống. Tuy nhiên, không nên dùng dài ngày và cần đề phòng tác dụng phụ của thuốc bao gồm tăng cân, suy giảm miễn dịch, xương giòn dễ gãy, tăng tiết acid dẫn đến loét dạ dày...

Người bệnh loét miệng áp-tơ cần được bổ sung vitamin PP, vitamin B12, vitamin C, viên sắt và folic acid hoặc vitamin tổng hợp trong thời gian ngắn để nâng cao thể trạng và thúc đẩy vết loét nhanh lành.

Biện pháp phòng bệnh

Nên khám răng miệng định kỳ để phát hiện và điều trị dứt điểm các bệnh lý về răng, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Nên tránh những nguyên nhân có thể gây chấn thương, dù rất nhẹ ở miệng. Đề phòng tái phát cần dùng nước súc miệng có bán tại các nhà thuốc để súc miệng theo chỉ dẫn, tuy nhiên không nên lạm dụng vì có thể làm khoang miệng khô hơn, các vi khuẩn gây bệnh dễ tấn công niêm mạc miệng, gây loét. Ăn uống đầy đủ chất, chú ý bổ sung thực phẩm giàu kẽm, nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, uống đủ nước mỗi ngày. Tránh ăn uống các loại thức ăn có tính chất kích thích tại chỗ như: các loại mắm, tiêu, ớt, gia vị cay; các loại thức uống có cồn, caffein... Tránh các căng thẳng thần kinh không cần thiết để giảm tái phát bệnh.


DS. HOÀNG MINH
Ý kiến của bạn