Viêm loét giác mạc, tránh thế nào?

28-10-2019 14:05 | Đời sống
google news

SKĐS - Giác mạc là lớp mô mỏng trong suốt nằm phía trước nhãn cầu, là bộ phận tiếp xúc với ánh sáng đầu tiên, cho phép ánh sáng đi qua giúp mắt nhìn thấy.

Viêm loét giác mạc là khi giác mạc bị trầy và bị nhiễm trùng gây phản ứng viêm. Đây là một bệnh rất nguy hiểm vì có thể để lại những di chứng vĩnh viễn như sẹo giác mạc, lồi mắt cua, thủng nhãn cầu, thậm chí là đánh mất một phần hoặc toàn bộ thị lực.

Nguyên nhân gây viêm giác mạc

Chấn thương là một trong những nguyên nhân gây viêm giác mạc. Nếu một vật cứng rơi vào mắt và làm xước hoặc thâm nhập giác mạc, bạn có thể bị viêm giác mạc. Điều này có thể không gây nhiễm trùng, nhưng khi bề mặt của giác mạc bị tổn thương, vi khuẩn hoặc nấm có thể thâm nhập giác mạc, gây viêm giác mạc.

Những người đeo kính áp tròng có nguy cơ viêm giác mạc cao hơn. Kính áp tròng bị nhiễm bẩn góp phần lớn gây ra các trường hợp viêm giác mạc. Khi kính áp tròng bị ô nhiễm, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng sống trên bề mặt của nó và lan sang hộp đựng kính. Nếu kính áp tròng của bạn không được vệ sinh cẩn thận, vi khuẩn từ kính có thể nhiễm vào mắt và gây ra viêm giác mạc.

Nếu bạn tiếp xúc với nước bị ô nhiễm, bạn cũng có thể bị viêm giác mạc. Một số hóa chất trong nước có thể làm cho các mô tinh tế của bề mặt giác mạc bị kích thích và suy yếu, dẫn đến viêm giác mạc. Vấn đề này thường xảy ra trong thời gian ngắn và có thể kéo dài vài phút đến vài giờ. Tuy nhiên, kích thích bởi hóa chất có thể được giải quyết bằng cách rửa sạch mắt. Nếu nước bị nhiễm vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng, chúng có thể xâm nhập mắt khi bạn đang bơi và dẫn đến viêm giác mạc.

Một nguyên nhân khác của viêm giác mạc là virut, như virus herpes và virut gây ra bệnh chlamydia, có thể gây viêm giác mạc.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm giác mạc

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây mắc viêm giác mạc như: đeo kính áp tròng, giảm khả năng miễn dịch, sống ở khí hậu ấm áp, sử dụng dung dịch nhỏ mắt có corticosteroid, một chấn thương mắt trong quá khứ.

Triệu chứng viêm giác mạc

Triệu chứng của bệnh gồm: đau nhức âm ỉ, đau dội lên khi có kích thích như ánh sáng, vận động mắt. Bệnh nhân luôn nhắm nghiền mắt vì sợ ánh sáng. Chảy nước mắt: khi bệnh nhân mở mắt thấy nước mắt chảy giàn giụa. Giảm thị lực nhiều so với trước khi đau mắt là một triệu chứng để chẩn đoán phân biệt với viêm kết mạc. Bệnh có thể dẫn đến: thành sẹo làm giảm thị lực; loét sâu hoại tử đến hết lớp nhu mô, viêm mủ nội nhãn... Do các hậu quả nặng như thế nên việc phát hiện và điều trị sớm bệnh viêm loét giác mạc rất quan trọng để hạn chế tổn thương vĩnh viễn và giảm thị lực. Vì vậy, bạn phải đi khám chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.

Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm giác mạc?

Nếu được chẩn đoán viêm giác mạc không do nhiễm trùng, nguyên nhân gây ra tình trạng này sẽ quyết định cách điều trị. Điều trị có thể không cần thiết nếu nguyên nhân gây ra là do xước hoặc đeo kính áp tròng quá lâu. Trong trường hợp giác mạc bị rách đáng kể và đau đớn, dùng thuốc theo toa cho mắt và đeo miếng che mắt cho đến khi tình trạng của bạn được cải thiện là sự lựa chọn tốt nhất.

Nếu bạn được chẩn đoán viêm giác mạc do nhiễm trùng, điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân của nhiễm trùng. Nếu bạn bị viêm giác mạc nhẹ do vi khuẩn, chỉ cần điều trị kháng khuẩn với thuốc nhỏ mắt. Uống thuốc kháng sinh nếu tình trạng ở mức độ từ trung bình đến nặng. Khi bạn bị viêm giác mạc do nấm, bạn cần phải sử dụng thuốc nhỏ mắt và thuốc kháng nấm. Nếu viêm giác mạc gây ra do virut, thuốc nhỏ mắt và thuốc kháng virut có thể có hiệu quả. Nếu viêm giác mạc là do ký sinh trùng Acanthamoeba nhỏ xíu, việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Thuốc kháng sinh nhỏ mắt có thể hữu ích, nhưng một số nhiễm trùng Acanthamoeba đề kháng với thuốc.

Ghép giác mạc được khuyến khích nếu thuốc không có tác dụng hoặc nếu viêm nhiễm gây tổn thương vĩnh viễn đến giác mạc và làm suy yếu thị lực đáng kể.

Lời khuyên thầy thuốc

Phòng bệnh viêm giác mạc, người dân cần sử dụng các biện pháp bảo hộ mắt khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi...; Sử dụng kính mát khi di chuyển ngoài đường tránh bụi và dị vật bay vào mắt; Dùng kính bảo vệ mắt trong trường hợp bị hở mi; Điều trị dứt điểm các bệnh về mắt và bệnh toàn thân có nguy cơ gây viêm giác mạc; Không dùng tay dụi mắt, không tự sử dụng các vật dụng để lấy dị vật, không đắp các loại thuốc lá trực tiếp vào mắt; Cung cấp đủ vitamin A cho mắt và thường xuyên chớp mắt để tránh khô mắt. Chú ý khi sử dụng kính áp tròng vệ sinh trước và sau khi đeo kính.

Bệnh viêm giác mạc rất hay gặp và là một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực, mù lòa. Chính vì những biến chứng do bệnh để lại nghiêm trọng nên người bệnh khi thấy các triệu chứng khó chịu ở mắt nên đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

BS. Minh Châu
Ý kiến của bạn