Viêm loét giác mạc do kính áp tròng phát triển thành dịch?

27-09-2014 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, bệnh liên quan đến mắt như dịch đau mắt đỏ, viêm loét giác mạc đang có chiều hướng gia tăng đột biến...

Thời gian gần đây, bệnh liên quan đến mắt như dịch đau mắt đỏ, viêm loét giác mạc đang có chiều hướng gia tăng đột biến, nhất là viêm loét giác mạc Acanthamoeba mà người ta tình nghi là do lạm dụng kính áp tròng rẻ tiền mua bán qua mạng internet gây ra.

Viêm loét giác mạc Acanthamoeba do kính áp tròng?

Tờ DailyMail của Anh số ra ngày 20/9 vừa đăng tải nghiên cứu của nhóm chuyên gia ở Bệnh viện Mắt Moorfields (MEH), London (Anh) cho biết, nhóm bệnh nhiễm trùng mắt đang có tỷ lệ gia tăng đột biến mà thủ phạm chính là do kính áp tròng rẻ tiền bán tràn lan trên mạng điện toán, người mua tham rẻ, không tư vấn, kê đơn của bác sĩ. Kính áp tròng gây tổn thương giác mạc rất đa dạng như viêm loét giác mạc vì Acanthamoeba, đau mắt đỏ, rách võng mạc, viêm giác mạc... Nổi bật là căn bệnh viêm loét giác mạc vì Acanthamoeba, căn bệnh nan y nếu không được can thiệp có thể dẫn đến hỏng võng mạc, gây mù lòa. Tỷ lệ mắc bệnh tăng gấp đôi kể từ khi kính áp tròng bùng nổ, nó được giới trẻ đua nhau sử dụng mà không quan tâm đến mặt trái. Việc mua kính áp tròng trôi nổi trên mạng là việc làm vô cùng mạo hiểm, nhất là nguy cơ nhiễm trùng, chưa kể các yếu tố khác do chính người sử dụng gây ra do vệ sinh kém.

Nữ sinh người Anh Saira Hussain, 21tuổi, suýt bị mù vì kính áp tròng mua trên Interrnet.

Nữ sinh người Anh Saira Hussain, 21tuổi, suýt bị mù vì kính áp tròng mua trên Interrnet.

Theo GS. John Dart - người đứng đầu nghiên cứu ở MEH, tỷ lệ mắc bệnh tăng đột biến, phần lớn là rơi vào nhóm người trẻ tuổi, kiến thức phòng chống bệnh tật còn thấp, không qua khám, xét nghiệm và tư vấn. Thông thường, mỗi khi đưa bất kỳ vật ngoại lai nào vào mắt, mọi người buộc phải làm các bước kiểm tra, thử nghiệm để hạn chế những rủi ro có thể gây suy giảm thị lực. Nhiễm trùng bắt đầu xảy ra khi thấu kính phơi ra môi trường hoặc tiếp xúc với amip (amoeba). Ví dụ như rửa kính bằng nước lã hoặc để trong phòng tắm thay vì cho vào dung dịch nước muối vô trùng. Nếu bị nhiễm trùng không được phát hiện sớm và điều trị sẽ tái phát, nghiêm trọng và để lại sẹo trong mắt. Theo thống kê, có tới 1/3 bị bệnh giác mạc là do sẹo quá lớn, quá dày cần phải cắt bỏ hoặc thay ghép giác mạc. Cũng theo số liệu của MEH, bệnh viêm loét giác mạc được điều trị tại MEH từ năm 2010 đến nay tăng tới 7 lần, từ con số 11 bệnh nhân nay tăng vọt lên 80 ca và nếu tính quy mô trên cả nước Anh thì con số này tăng từ 100 người (năm 2010) lên 200 ca/năm như hiện nay. Đây là con số được thống kê nhưng thực tế còn cao hơn nhiều.

Thấu kính áp tròng giá rẻ hiện bán tràn lan, kể cả trên đường phố lẫn trực tuyến trên mạng. Phần lớn là do các công ty nước ngoài cung cấp. Theo quy định, tại Anh nếu không có đơn của bác sĩ hoặc đơn hết hạn sẽ không được phép mua kính, người dùng buộc phải làm lại các thủ tục theo quy định của ngành y. Do tự ý mua về dùng nên nhiều người Anh đã chuốc họa vào thân. Ví dụ, nữ sinh Saira Hussain (21 tuổi - sinh viên đại học năm thứ nhất ở Southend, Essex) đã bị nhiễm trùng nặng vì kính áp tròng mua trực tuyến, buộc phải nghỉ học để điều trị. Saira Hussain đã thú nhận, em đeo kính suốt cả ngày, kể cả đi học và khi đi ngủ, dạ hội, nhưng khi tắm xong lại để kính ngay trong phòng tắm. Gần đây, mắt bị sưng đỏ, mờ buộc phải vào Bệnh viện MEH khám và điều trị. Kết quả là một mắt đã bị hỏng, may còn một mắt nên Saira không phải bỏ học. Cũng theo DailyMail, tháng 7/2014, một nữ sinh người Đài Loan tên là Lian Kao đã bị mù cả hai mắt vì đeo kính áp tròng liên tục 6 tháng, bị amip ăn hết đồng tử. Trong suốt thời gian 6 tháng này, Lian Kao không hề tháo, vệ sinh kính áp tròng kể cả khi đi ngủ, khi bơi và khi tắm gội.

Theo các chuyên gia nhãn khoa thì amip Acanthamoeba có thể tồn tại ngay dưới thấu kính và chờ khi có dịp thâm nhập vào trong con ngươi thông qua các tế bào biểu mô, sau đó gây nhiễm trùng toàn bộ mắt

Ký sinh trùng acanthamoeba keratitis.

Ký sinh trùng acanthamoeba keratitis.

Viêm loét giác mạc Acanthamoeba có gây nguy hiểm?

Viêm giác mạc Acanthamoeba là do ký sinh trùng có tên Acanthamoeba keratitis (thường gọi Amoeba) gây ra. Được phát hiện lần đầu vào năm 1973 ở Mỹ. Tác nhân gây bệnh là một loại sinh vật đơn bào (Amoeba) sống nhiều trong không khí, đất, nước, nguồn tự nhiên và tồn tại dưới hai dạng là dạng hoạt động (trophozoit) dễ bị tác động của môi trường và dạng tiềm ẩn (cystic) khá bền vững trước mọi tác động của môi trường. Bởi vậy, Acanthamoeba có thể tồn tại rất lâu trong môi trường khắc nghiệt, như lạnh đông, trong nước đã tiệt trùng với chloramin dưới dạng nang, chờ có điều kiện thuận lợi sẽ chuyển sang dạng hoạt động và gây bệnh. Acanthamoeba có khả năng chuyển đổi qua lại giữa hai dạng nên việc điều trị gặp nhiều khăn, nhất là ở dạng nang. Đôi khi dễ bị nhầm với viêm loét giác mạc do nấm Herpes hay vi khuẩn. Triệu chứng thường thấy như nhìn mờ, mắt đỏ, chói, chảy nước mắt và đặc biệt là đau nhức rất nhanh. Sau vài tuần xuất hiện ổ loét tròn kèm theo mủ làm cho tổn thương lan rộng và tổn thương sâu vào trong giác mạc.

Điều trị viêm loét giác mạc Acanthamoeba thường áp dụng một số thủ thuật như gọt giác mạc, thường áp dụng ngay trong giai đoạn đầu, khi tổn thương mới xuất hiện ở phần trước giác mạc nhằm loại bỏ tác nhân gây bệnh và giúp cho thuốc ngấm vào nhu mô tốt hơn. Về thuốc, có thể dùng nhóm chống amip, dùng phối hợp với thuốc kháng sinh hỗn hợp và thuốc kháng sinh chống nấm. Cũng có trường hợp cần phải ghép giác mạc, nhất là ở những người khi điều trị bằng thuốc lâu ngày không khỏi, bệnh phát triển nhanh đe dọa thị lực chung.

Khi dùng kính áp tròng nếu mắt bị sưng, viêm, ngứa, đau hoặc tiết nhiều nước mắt thì nên tháo ngay kính áp tròng và đi khám bác sĩ. Không nên đeo kính quá lâu, nhất là khi ngủ, khi bơi lội, nơi có nhiệt độ cao, khô hoặc ở gần bếp lửa sẽ khiến kính áp tròng bị biến dạng. Không dùng nước vòi hay dung dịch tự chế để tạo ẩm cho kính, thay vào đó là dùng dịch nhân tạo vô trùng để vệ sinh, làm ẩm. Và cuối cùng, không nên ham rẻ, mua kính trôi nổi trên thị trường, kính có màu sắc sặc sỡ mà dùng kính theo đơn và có tư vấn cẩn thận của bác sĩ.

(Theo Net/DailyMail, 9/2014)

Khắc Nam

 


Ý kiến của bạn