Bệnh gây tổn thương lan tỏa lớp niêm mạc và dưới niêm mạc, vị trí chủ yếu là ở trực tràng và giảm dần cho đến đại tràng.Do viêm loét đại trực tràng có các biểu hiện giống như bệnh thông thường khác nên người bệnh thường chủ quan nhập viện muộn khiến việc điều trị khó khăn. Chính vì vậy việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời là rất cần thiết để tránh gây các biến chứng nguy hiểm
Nguyên nhân viêm loét đại trực tràng đến nay cũng chưa rõ, nhưng bệnh có liên quan tới quá trình đáp ứng miễn dịch. Viêm loét đại tràng chảy máu và bệnh Crohn được gọi chung là nhóm bệnh viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease - IBD). Bệnh lúc đầu có thể chỉ khu trú tại trực tràng, về sau lan dần vào trong, tổn thương có thể toàn bộ đại tràng, đôi khi có thể lan cả sang một phần của đoạn cuối ruột non. Nam và nữ đều có thể mắc bệnh như nhau và thường gặp ở người trong khoảng 15-30 tuổi và 60-70 tuổi.
Dấu hiệu nhận biết
Đau bụng, đau kiểu đau quặn mót rặn đau khiến bệnh nhân phải đi đại tiện ngay.Đại tiện nhầy máu, trong trường hợp nặng có thể đi rất nhiều lần, triệu chứng này rất dễ nhầm với hội chứng lỵ. Mệt mỏi, thiếu máu và suy kiệt trong trường hợp nặng. Có thể sốt, đau khớp, viêm màng bồ đào, viêm xơ hóa đường mật.
Viêm loét đại trực tràng chảy máu gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng nguy hiểm
Phình giãn đại tràng: Thường gặp ở thể viêm loét đại tràng nặng, viêm toàn bộ đại tràng. Đại tràng giãn to chủ yếu giãn đại tràng ngang, d > 6cm. Đây là 1 cấp cứu nội khoa vì có nguy cơ thủng đại tràng; Thủng đại tràng: đây là một biến chứng cấp cứu ngoại khoa; Chảy máu: chảy máu ồ ạt không đáp ứng với điều trị nội khoa. Trong trường hợp này phải đặt ra chỉ định phẫu thuật ngoại khoa can thiệp, cắt toàn bộ đại tràng; Suy dinh dưỡng: do quá trình viêm mạn tính lâu ngày, do mất albumin qua đường tiêu hóa...; Ung thư hóa: Nguy cơ ung thư hóa ở bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu tăng lên theo thời gian bị bệnh. Theo nghiên cứu tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng trong 10 năm đầu của bệnh là 2%, sau 20 năm bị bệnh là 8% và sau 30 năm là 18%.
Điều trị thế nào?
Mục tiêu điều trị: Đạt được sự lui bệnh (điều trị tấn công) và duy trì sự lui bệnh (điều trị duy trì); Duy trì mà không cần dùng steroid; Tránh được các biến chứng của bệnh và thuốc; Nâng cao chất lượng cuộc sống.
Điều trị bằng thuốc: Trong viêm loét đại trực tràng chảy máu, các thuốc thường được dùng phối hợp là corticoid, sulfasalazin và các dẫn chất của nó, azathioprin, cyclosporine, các thuốc sinh học. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng, giai đoạn của bệnh, tổng trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc cụ thể.
Điều trị phẫu thuật: Phẫu thuật cắt bỏ đại tràng là biện pháp duy nhất để điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, thường được áp dụng trong trường hợp nặng gây nhiễm độc, nguy cơ thủng đại tràng hoặc khi bệnh không đáp ứng với điều trị bằng thuốc.
Điều trị hỗ trợ: Bao gồm chế độ ăn hợp lý tùy thuộc vào từng thể bệnh, với thể nhẹ, vừa thường ăn mềm, dễ tiêu hóa, hạn chế chất xơ; còn với thể nặng thì nên nhịn ăn, nuôi dưỡng tĩnh mạch. Bổ sung sắt, acid folic, vitamin A, D, B12
Điều trị chống bội nhiễm: Dùng kháng sinh chống bội nhiễm, bù nước điện giải.
Lời khuyên của bác sĩ
Khi bị viêm loét đại tràng chảy máu, người bệnh nên ăn thức ăn mềm khi điều trị bệnh nên ăn những thức ăn mềm, ít chất xơ như: cơm nhão, cháo, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, lưu ý tránh ăn rau sống, bắp. Cần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi phát hiện có rối loạn đại tiện, thay đổi tính chất phân như phân có máu, không khuôn, đau bụng nhiều thì cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời. Tránh để đến tình trạng muộn như đi đại tiện 2 - 3 ngày liền, mất máu thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, tốn kém hơn. Theo dõi thường xuyên 6 tháng một lần bằng nội soi đại tràng, sinh thiết đại tràng, đại tràng Sigma để phát hiện giai đoạn đầu của tiến triển ung thư.
Hạn chế căng thẳng quá mức khiến bệnh thêm trầm trọng, nên thư giãn, không sử dụng các chất kích thích, uống đủ nước. Đây cũng là những biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh đối với những người khỏe mạnh.
Cho tới nay, chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn viêm loét đại trực tràng chảy máu mà việc điều trị chỉ giúp lui bệnh. Chính vì vậy, bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần thực hiện các chế độ dinh dưỡng tốt cho hệ tiêu hóa, tránh stress và khám sức khỏe định kỳ. Ngay khi có triệu chứng, cần đi khám bệnh sớm và điều trị kịp thời khi tổn thương chưa lan rộng.