Thu Thảo (Hà Nội)
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày, trong đó có một số thuốc mà điển hình là các thuốc chống viêm không có cấu trúc steroid (NSAID) như ibuprofen.
NSAID là một trong những nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi do có thể được mua với mục đích giảm đau mà không cần đơn. Một số thuốc kháng viêm không steroid thường gặp là aspirin, naproxen, diclofenac, ibuprofen...
Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế sự hoạt động của enzyme Cyclooxygenase (COX), ngăn chặn sự sản sinh ra prostaglandin. Do prostaglandin là hoạt chất trung gian có vai trò bảo vệ niêm mạc dạ dày và ruột, nên khi sử dụng các thuốc này trong một thời gian dài thường gây ra tác dụng phụ viêm dạ dày- tá tràng, xuất huyết đường tiêu hóa. Tỷ lệ gặp phản ứng có hại trên đường tiêu hóa dao động từ 5 - 50% ở những bệnh nhân dùng NSAID kinh điển và NSAID ức chế chọn lọc COX-2. Khoảng 1-2% số bệnh nhân sử dụng NSAID phải nhập viện do các biến chứng nghiêm trọng như thủng và xuất huyết tiêu hóa. Cả hai biến chứng này đều có tỷ lệ tử vong cao. Biểu hiện của xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng máu thoát ra khỏi lòng mạch chảy vào ống tiêu hóa, biểu hiện lâm sàng là nôn ra máu và đi ngoài ra máu.
Xuất huyết tiêu hóa do thuốc là một biến chứng nặng, tác động tiêu cực đến an toàn của người bệnh. Vì vậy, khi sử dụng các thuốc có tác dụng phụ này bạn cần phải hết sức thận trọng, đặc biệt nếu bạn có tiền sử viêm loét dạ dày trước đó.
Để cho việc dùng thuốc được an toàn, khi có bệnh người bệnh cần đi khám để được lựa chọn dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh và cơ địa của người bệnh.