Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

01-01-2022 07:30 | Y học 360
google news

SKĐS - Viêm khớp vảy nến là tình trạng viêm khớp có liên quan với bệnh vảy nến, biểu hiện của vảy nến gần giống với viêm khớp dạng thấp nên nhiều người chủ quan cho rằng đây là bệnh ngoài da và không cần điều trị. Chính vì vậy, nhiều người bệnh đã bị tàn phế, phá huỷ khớp, dẫn đến mất chức năng vận động.

Lời khuyên tập luyện cho người bệnh viêm khớp vảy nến Lời khuyên tập luyện cho người bệnh viêm khớp vảy nến

SKĐS - Viêm khớp vảy nến gây đau khớp và có thể dẫn đến hạn chế khả năng vận động. Người bệnh cần tập thể dục để tăng sức mạnh và khả năng linh hoạt. Tuy nhiên, nếu không hiểu biết, tập luyện có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.

Viêm khớp vẩy nến, một loại bệnh tự miễn khá nặng, điều quan trọng là phải được chẩn đoán chính xác để có các phương pháp điều trị sớm.

1. Tổng quan về viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến là một bệnh hay gặp ở bệnh nhân mắc vảy nến. Đây là một loại viêm khớp mạn tính. Theo thống kê, viêm khớp vảy nến chiếm 10 - 30% bệnh nhân bị vảy nến, khoảng 80% trường hợp có viêm khớp xuất hiện sau tổn thương vảy nến và 15% xuất hiện đồng thời. Chỉ có 10% trường hợp viêm khớp xuất hiện trước khi có tổn thương da.

Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 40% bệnh nhân viêm khớp vẩy nến có tiền sử gia đình mắc bệnh vảy nến hoặc viêm khớp. 15% những người bị bệnh vảy nến phát triển thành viêm khớp vảy nến. Bệnh thường xuất hiện từ 30 - 50 tuổi.

Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 2.

Viêm khớp vảy nến là một bệnh hay gặp ở bệnh nhân mắc vảy nến.

2. Nguyên nhân gây viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến là bệnh tự miễn, cho tới nay chưa khẳng định rõ nguyên nhân tại sao hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy, có sự gia tăng tốc độ chu chuyển da, dẫn đến sừng hóa da và móng. Quá trình viêm với sự tham gia của các tế bào miễn dịch (Lympho T) và Cytokin (TNF α), các yếu tố tăng trưởng và tân sinh mạch ở cả da, khớp và các điểm bám tận.

Ba yếu tố có mối liên quan chặt chẽ với quá trình sinh bệnh là: Di truyền, miễn dịch và môi trường.

- Đối với yếu tố di truyền, người ta cho thấy tỷ lệ cao ở các cặp song sinh (70%) và cận huyết thống. Có liên quan với kháng nguyên HLA B27, HLA B38, HLA B39, HLA DR4, HLA Cw6, HLA Dw3…

- Miễn dịch: Gia tăng hoạt động của bổ thể, Lympho T, tế bào đơn nhân, đại thực bào.

‎- Môi trường: Nhiễm trùng (Streptococcus, HIV... tiếp xúc hóa chất, chất phóng xạ, nhiễm virus, vi khuẩn...) và chấn thương được coi là yếu tố thúc đẩy bệnh vảy nến và cả viêm khớp vảy nến.

Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 3.

Biểu hiện của vảy nến gần giống với viêm khớp dạng thấp nên nhiều người thường chủ quan.

3. Dấu hiệu nhận biết viêm khớp vảy nến

Biểu hiện của bệnh vảy nến và viêm khớp mạn tính phát triển riêng biệt trên bệnh nhân viêm khớp vẩy nến. Các nhà nghiên cứu cho rằng, khoảng 85% bệnh nhân viêm khớp vảy nến có biểu hiện của bệnh vẩy nến phát triển trước khi có các biểu hiện viêm khớp. Bệnh vảy nến và viêm khớp có thể phát triển kéo dài nhiều năm. Ở một số bệnh nhân, các biểu hiện liên quan đến viêm khớp vảy nến là nhẹ, các biểu hiện có thể đến rồi thuyên giảm, nhưng quá trình tiến triển của bệnh sẽ trở nên dai dẳng hơn.

Biểu hiện cụ thể viêm khớp:

- Thể viêm ít khớp: Thường là các khớp lớn (80%)

- Thể viêm khớp ngoại biên đối xứng (25%)

- Thể viêm khớp trục (cột sống và khớp cùng chậu) (10%)

- Thể viêm các khớp liên đốt xa (10%)

- Thể viêm khớp ngoại biên biến dạng nặng (5%)

Bệnh diễn tiến từng đợt, các dạng triệu chứng lâm sàng không cố định mà có thể xuất hiện các thể khác nhau hay trùng lặp trong các đợt.

Ngoài ra, biểu hiện cơ xương khớp khác như: Viêm gân bám, viêm gân gót, dấu hiệu ngón tay hay ngón chân khúc dồi.

Biểu hiện da:

- Vảy nến thường (Psoriasis Vulgaris)

- Vảy nến mủ (Pustular Psoriasis)

- Vảy nến dạng giọt, dạng mảng (Guttate Psoriasis)

- Đỏ da (Erythema)

Biểu hiện ngoài khớp khác

Viêm kết mạc, viêm màng bồ đào, bệnh van tim, tổn thương móng...

Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 4.

Tổn thương da ở bệnh nhân bị viêm khớp vảy nến.

4. Chẩn đoán viêm khớp vảy nến

Sau khi khám lâm sàng, các bác sĩ chỉ định làm một số xét nghiệm máu, chẩn đoán hình ảnh để xác định. Chụp X quang tại khớp viêm sẽ thấy hẹp khe khớp, hình ảnh bào mòn ở đầu xương dưới sụn, phản ứng màng xương. Ngoài ra, có thể thấy hình ảnh calci hóa các điểm bám gân và các gai xương, viêm khớp cùng chậu hay cầu xương tại cột sống. Đặc biệt, ở thể nặng (Mutilans), có hình ảnh tiêu xương đốt xa ( hình ảnh bút chì cắm vào lọ mực -Pencil in Cup). Chụp MRI khớp hoặc khung chậu giúp xác định tổn thương ở giai đoạn sớm hoặc giai đoạn tiến triển của bệnh.

5. Điều trị viêm khớp vảy nến

Không có cách chữa trị hoàn toàn cho viêm khớp vảy nến, nhưng điều trị có thể thuyên giảm các triệu chứng. Mục tiêu điều trị của bệnh viêm khớp vảy nến bao gồm: 

  • Đạt hoạt tính bệnh thấp nhất. 
  • Ngăn ngừa tổn thương cấu trúc. 
  • Phục hồi chức năng vận động khớp
  • Nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. 
  • Hạn chế các biến chứng: Do không điều trị, do điều trị… 
Các phương pháp điều trị mới cho thấy hứa hẹn sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tần suất bùng phát đồng thời làm chậm sự phát triển của viêm khớp vảy nến và ngăn ngừa các tổn thương vĩnh viễn.

Tuỳ từng cá nhân, giai đoạn bệnh mà các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể. Các công bố hiện tại đề xuất một phương pháp điều trị gọi là liệu pháp sinh học cho những người có chẩn đoán viêm khớp vảy nến. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể không đáp ứng với tất cả các trường hợp và có thể có tác dụng phụ.

Nếu không thể sử dụng thuốc sinh học có thể lựa chọn một phương pháp thay thế, chẳng hạn như thuốc phân tử hoặc thuốc chống thấp khớp.

Các lựa chọn điều trị cho các triệu chứng cấp tính bao gồm: 

  • Thuốc, chủ yếu là thuốc chống viêm không Steroid hoặc NSAIDS, để kiểm soát cơn đau, điều trị các triệu chứng về da và ngăn ngừa tổn thương khớp. Tiêm Steroid để giảm viêm.
Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị - Ảnh 6.

Viêm khớp vảy nến là một loại bệnh tự miễn khá nặng.

  • Phẫu thuật thay khớp để thay khớp bị tổn thương. 
  • Thay đổi lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà cũng có lợi cho những người bị bệnh bao gồm: Thay đổi cách thức thực hiện các công việc hàng ngày để bảo vệ khớp. 
  • Duy trì cân nặng hợp lý. 
  • Tập thể dục thường xuyên. 
  • Nghỉ ngơi và thư giãn điều độ. 
  • Thực hiện chế độ ăn chống viêm. 
  • Đề nghị trợ giúp từ gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia tập vật lý trị liệu.

7.Kết luận 

Viêm khớp vảy nến là một biểu hiện của bệnh vẩy nến, một tình trạng viêm có thể dẫn đến các triệu chứng ở da và khớp. Đây là một bệnh lý mạn tính thuộc nhóm bệnh lý khớp cột sống có thể trở nên nặng hơn theo thời gian nếu không được điều trị. Nó có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn ở khớp và mô nếu không được điều trị. Chính vì vậy người bệnh cần tuân thủ điều trị của các bác sĩ, khám và tái khám định kỳ. Khi có biểu hiện bất thường nào cần tới y tế cơ sở để được điều trị.

Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:

Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19



BS. Lê Thị Liễu
Ý kiến của bạn