1. Nguyên nhân nào gây viêm khớp thiếu niên tự phát?
Đến nay, nguyên nhân gây viêm khớp thiếu niên tự phát vẫn chưa được rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh có tính chất tự miễn với tình trạng nhiễm trùng làm khởi động một loạt các quá trình trong hệ thống miễn dịch. Bệnh thường khởi phát sau nhiễm virus, chlamydia mycoplasma, streptococus, salmonella, shigella…
2. Các thể bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát
Bệnh được phân ra các thể với triệu chứng lâm sàng, diễn biến, tiên lượng bệnh khác nhau:
Thể bệnh hệ thống: Chiếm tỷ lệ 10-15% số ca với các triệu chứng chính là sốt cao, nổi ban màu cá hồi ở da và viêm khớp. Bệnh có tỷ lệ mắc ngang bằng giữa nam và nữ với triệu chứng sốt cao có đỉnh lên tới 39- 40 độ, sau đó tự hạ nhiệt về bình thường, mỗi ngày từ 1 đến 2 cơn. Viêm khớp là triệu chứng có thể không xuất hiện ngay từ khi mới bị bệnh, nhưng tổn thương viêm gặp ở vài khớp vừa và lớn trong đó khớp thường gặp nhất là khớp gối (60%), sau đó đến khớp cổ tay và khớp bàn ngón tay (55%), khớp cổ chân (45%).
Viêm một khớp hay vài khớp: Đây là thể hay gặp nhất với tỷ lệ khoảng 50% trường hợp. Biểu hiện viêm từ 1 đến 4 khớp trong 6 tháng đầu bị bệnh. Nếu số khớp viêm không tăng, tức là vẫn dưới hoặc bằng 4 khớp sau 6 tháng đầu mắc bệnh thì xếp vào nhóm viêm khớp dai dẳng. Trong nhóm này tuổi bị bệnh thường khoảng từ 2 -3 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh nam nhiều hơn nữ (nam/ nữ: 5/1).
Các khớp thường gặp bao gồm khớp gối, cổ chân, khuỷu, cổ tay, các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân; viêm khớp không đối xứng. Có 25 - 50% trường hợp có biểu hiện ở mắt như viêm màng mạch nho, để lại những di chứng nặng nề ở mắt như viêm dính mống mắt, xơ hóa đục giác mạc, đục nhân mắt… Tiên lượng bệnh thường tốt nếu chỉ có tổn thương khớp, khi có tổn thương mắt thì tiên lượng kém.
Ngoài ra còn gặp các bệnh khác như: Viêm nhiều khớp yếu tố dạng thấp âm tính, phổ biến ở trẻ nữ trên 10 tuổi; viêm nhiều khớp yếu tố dạng thấp dương tính cũng hay gặp ở trẻ gái trên 10 tuổi. Nếu không được điều trị đúng cách bệnh dễ để lại di chứng biến dạng và phá hủy khớp nặng.
Viêm khớp thể viêm nhiều điểm bám tận, thường gặp ở trẻ lớn từ 12 – 16 tuổi, nam nhiều hơn nữ. Thể này tiến triển nhanh, dễ dẫn đến dính khớp gây tàn phế. Viêm khớp vảy nến thường xuất hiện ở lứa tuổi từ 7 – 11 với các biểu hiện ở khớp thường xuất hiện trước khi có các tổn thương ở da. Tiến triển của thể bệnh này rất đa dạng, có trường hợp những tổn thương khớp rất nhẹ, nhưng cũng có những trường hợp tổn thương khớp nặng gây dính, biến dạng khớp.
3. Điều trị viêm khớp thiếu niên tự phát thế nào?
Do đặc thù bệnh khởi phát ở tuổi thiếu niên, tổn thương nhiều vị trí; có thể có những biến chứng ảnh hưởng xấu đến việc học tập, sinh hoạt của trẻ… Việc điều trị cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa như thấp khớp, nhi khoa, phục hồi chức năng, chuyên gia tâm lý kết hợp với sự chăm sóc của gia đình và hỗ trợ của nhà trường…
Điều trị bao gồm các biện pháp không dùng thuốc, điều trị dùng thuốc và các biện pháp điều trị ngoại khoa.
3.1 Các biện pháp không dùng thuốc
Vật lý trị liệu đối với bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát nhằm duy trì đến mức tối đa tầm vận động của khớp, tránh cứng khớp, dính khớp. Có thể dùng các biện pháp như sóng ngắn, tia hồng ngoại, tắm suối khoáng, tập các bài tập phục hồi chức năng vận động khớp... Tuy nhiên trong thời gian đau nhiều có thể tạm thời bất động khớp nhưng cần lựa chọn tư thế sao cho giữ được biên độ vận động lớn nhất.
Có gắng duy trì các sinh hoạt thường ngày của trẻ như khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, học tập ở trường lớp bình thường như những đứa trẻ khác. Tuy nhiên trong những đợt tiến triển nên cho trẻ nghỉ ngơi, chế độ dinh dưỡng tốt và đặc biệt có giấc ngủ đầy đủ.
3.2 Các biện pháp dùng thuốc
Bao gồm 3 nhóm thuốc chính: Thuốc giảm đau thông thường, thuốc chống viêm giảm đau và các thuốc điều trị cơ bản (tức thuốc tác động vào hệ thống miễn dịch của cơ thể nhằm làm giảm, khống chế quá trình viêm khớp).
Thuốc giảm đau: Đau là triệu chứng nổi trội nhất của viêm khớp thiếu niên tự phát. Do đó việc sử dụng thuốc giảm đau là cần thiết.
Có thể sử dụng thuốc giảm đau đơn thuần paracetamol đơn thuần hoặc paracetamol + codein. Nhìn chung thuốc giảm đau nhóm này dùng đúng liều lượng thì lành tính và chỉ định sử dụng rộng rãi trong nhiều triệu chứng đau nhẹ và đau vừa. Tuy nhiên, thuốc gây độc trên gan nếu lạm dụng dùng quá liều hoặc dùng dài ngày. Do đó cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các thuốc chống viêm giảm đau không steroid (NSAIDs): Do các thuốc này giúp giảm viêm, do đó giảm đau. Hầu hết trẻ đáp ứng tốt với nhóm thuốc NSAIDs như aspirin, ibuprofen, naproxen, hoặc các thuốc thế hệ mới hơn như diclofenac, meloxicam, celecoxib.
Chú ý, các tác dụng phụ của nhóm thuốc này, đặc biệt tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa, gây xuất huyết dạ dày và cũng gây độc cho gan thận. Do đó cân sử dụng đúng hướng dẫn, uống khi no và có thể cần dùng thêm thuốc PPI để giảm tác dụng phụ trên dạ dày.
Nhuốc chống viêm nhóm corticosteroid: Prednisolone là một thuốc quan trọng đối với bệnh lý này. Thuốc thường được chỉ định trong trong các đợt tiến triển của bệnh khi sưng đau nhiều khớp hoặc khi viêm khớp thiếu niên tự phát có tổn thương nội tạng.
Tuy nhiên, do thuốc có khá nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là khi dùng đường toàn thân. Do đó thuốc thường được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn. Thường khi đã kiểm soát tốt tình trạng viêm cần giảm liều nhanh và chuyển sang thuốc NSAIDs.
Thuốc nhóm corticosteroid khi dùng kéo dài có thể gây nhiều tác dụng phụ toàn thân, thậm chí gây ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần của trẻ.
Một dạng khác của nhóm corticosteroid là tiêm vào khớp hoặc phần mềm cạnh khớp, được chỉ định trong thể viêm một hoặc vài khớp hoặc trong các thể có viêm điểm bám tận mà đáp ứng kém với điều trị toàn thân. Tiêm corticosteroid vào khớp phải có chỉ định bởi các bác sĩ đào tạo sâu về chuyên ngành cơ xương khớp và cần đảm bảo điều kiện vô trùng tuyệt đối.
Cũng có thể dùng corticosteroid dưới dạng tra mắt để điều trị những tổn thương viêm ở mắt, tuy nhiên phải được chỉ định và theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt.
Thuốc điều trị cơ bản (hay còn gọi là thuốc thay đổi cơ địa): Thuốc điều trị cơ bản tác dụng chậm, thường chỉ có tác dụng sau vài tuần đến vài tháng dùng thuốc. Tùy vào thể bệnh mà nhóm thuốc này thường được khuyến cáo sử dụng ngay từ giai đoạn sớm của bệnh. Một số thuốc trong nhóm như methotrexat, salazopyrin, thuốc chống sốt rét tổng hợp...
- Methotrexat là thuốc được dùng phổ biến nhất trong điều trị viêm khớp thiếu niên tự phát với đường tiêm hoặc đường uống. Chú ý bổ sung acid folic nhằm hạn chế các tác dụng phụ của methotrexat, đặc biệt là tác dụng phụ gây tăng men gan. Một số tác dụng phụ khác như xơ phổi, tổn thương gan, thận có thể nặng nề nên cần phải theo dõi sát sao.
- Thuốc chống sốt rét tổng hợp như chloroquin hay hydroxychloroquin là thuốc có tác dụng điều trị tốt viêm khớp thiếu niên tự phát với thể tổn thương da hay viêm một hoặc vài khớp. Các tác dụng phụ có thể gặp như rối loạn tiêu hóa, nổi ban, suy tủy xương, tổn thương mắt đặc biệt tổn thương võng mạc không hồi phục có thể gây mù. Vì vậy cần theo dõi biến chứng trong quá trình điều trị như kiểm tra mắt mỗi 4 - 6 tháng một lần nhằm kiểm tra màu sắc, thị lực, thị trường; làm xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm men gan, thậm chí sinh thiết gan để đánh giá tình trạng viêm gan do thuốc...
- Sulphasalazine được lựa chọn đầu tay trong những trường hợp viêm khớp thiếu niên tự phát thể viêm nhiều điểm bám tận hay thể viêm cột sống dính khớp. Thuốc có những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, loét họng, giảm bạch cầu trung tính. Các tác dụng phụ hiếm gặp là giảm tiểu cầu, tổn thương gan, phổi. Khi dùng thuốc cần theo dõi công thức máu, men gan, tổng phân tích nước tiểu hàng tuần cho đến khi đạt được liều duy trì, sau đó kiểm tra hàng tháng.
- Một số thuốc tác nhân sinh học có tác dụng chẹn các cơ quan thụ cảm của yếu tố hoại tử u (TNF) không cho chúng tương tác với các TNF trên tế bào bề mặt từ đó cắt đứt quá trình viêm như: Etanercept, infliximab… được nghiên cứu sử dụng điều trị cho trẻ em bị viêm khớp nặng và không đáp ứng điều trị với methotrexate.
Thuốc có hiệu quả cao đối với những trường hợp viêm khớp có tổn thương nội tạng. Tác dụng phụ hay gặp là nhiễm trùng nặng, một số trường hợp có thể gây ung thư. Ngoài ra một số phương pháp điều trị khác như truyền tĩnh mạch globulin miễn dịch, dùng kháng thể đơn dòng, kháng cytokin... cũng được nghiên cứu để ứng dụng điều trị bệnh viêm khớp thiếu niên tự phát.
3.3 Các biện pháp điều trị ngoại khoa
Đây là biện pháp cuối cùng khi mà các biện pháp nội khoa không còn đáp ứng điều trị. Theo đó, bác sĩ có thể nội soi khớp để rửa khớp, cắt bỏ màng hoạt dịch được chỉ định trong những trường hợp viêm khớp kéo dài, không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, đặc biệt là những khớp trung bình và lớn như khớp gối, khớp vai.
Những trường hợp nặng hơn, có thể phẫu thuật thay khớp một phần hay toàn bộ khớp nhằm giảm đau, gỡ dính khớp tránh tình trạng bất động kéo dài do khớp bị tổn thương nặng. Chủ yếu là thay khớp gối và khớp háng.
Mời độc giả xem thêm video:
Bảo vệ họng