Đây là hậu quả của quá trình đáp ứng quá mẫn của hệ miễn dịch đối với tình trạng nhiễm khuẩn. Có tới 10-20% VKPƯ là giai đoạn báo hiệu của bệnh viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vẩy nến - là các bệnh khớp mạn tính ảnh hưởng nhiều đến chức năng vận động khớp, cột sống. Vì vậy chẩn đoán và điều trị sớm bệnh VKPƯ sẽ góp phần giúp người bệnh tránh được những tổn thương trầm trọng ở hệ thống vận động.
Nguyên nhân gây viêm khớp phản ứng
Một vài loại vi khuẩn được cho là nguyên nhân gây ra viêm khớp phản ứng, nhất là các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục hoặc đường tiêu hóa, có khoảng 20% các trường hợp viêm khớp phản ứng không tìm nguyên nhân.
Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: thường do Salmonelle, Shigella, Yersinia, Campylobacter, Borrelia...; Nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục: thường do Chlamydia Trachomatis; Một vài trường hợp viêm khớp phản ứng thấy ở bệnh nhân bị lao hệ thống; Virut cũng được cho là nguyên nhân của viêm khớp phản ứng như: Rubella, virut viêm gan, Parvovirus, HIV...
Một vài trường hợp viêm khớp phản ứng có thể gặp theo sau các tình trạng viêm đường ruột mạn tính như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng...
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp phản ứng: xảy ra thường xuyên nhất ở nam giới 20-40 tuổi; Phản ứng viêm khớp có thể có một thành phần di truyền vì nhiều người bị tình trạng này cũng có một phân tử nhất định trên bề mặt của các tế bào có thể được thừa kế. Có dấu hiệu di truyền - được gọi là kháng nguyên bạch cầu người B27 (HLA-B27) - không có nghĩa là sẽ phát triển viêm khớp phản ứng, nhưng nó có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp phản ứng nếu đang tiếp xúc với vi khuẩn cụ thể.
Ngón chân xúc xích - Sưng nề ngón chân thứ 2 bàn chân trái.
Biểu hiện thế nào?
Triệu chứng viêm khớp xảy ra sau nhiễm khuẩn có thể sau một vài tuần, một vài tháng, hoặc thậm chí một vài năm. Mức độ nặng nhẹ của bệnh VKPƯ rất khác nhau, tiến triển bệnh cấp tính hoặc mạn tính, nhưng ít để lại di chứng ở hệ thống vận động. Do vậy, bệnh VKPƯ chưa được quan tâm trong chẩn đoán và điều trị.
Biểu hiện lâm sàng thường gặp là bệnh nhân có tiền sử viêm nhiễm đường tiết niệu - sinh dục hoặc đường tiêu hóa trước khi có biểu hiện viêm khớp phản ứng. Tuy nhiên có khoảng 10% các trường hợp viêm nhiễm thường nhẹ và làm cho bệnh nhân không được chú ý đến, nhất là ở nữ.
Các biểu hiện lâm sàng có thể gặp như sau: Toàn thân mệt mỏi, sốt nhẹ, khó chịu, chán ăn, gầy sút; Biểu hiện ở hệ cơ xương khớp:
Viêm một khớp hoặc vài khớp, không đối xứng, thường gặp các khớp ở chi dưới như: khớp gối, khớp cổ chân và ngón chân, có thể có biểu hiện ngón chân hình khúc dồi. Ngoài ra có thể đau tại cột sống, viêm khớp cùng chậu, khớp vai, khớp khuỷu, cổ tay, ngón tay; Thường kèm theo viêm điểm bám tận của gân cơ, viêm bao gân, nhất là gân gót và mắt cá chân; Viêm khớp tái phát hoặc mạn tính: biểu hiện viêm khớp ngoại biên tái phát nhiều đợt hoặc viêm khớp cùng chậu và khớp đốt sống mạn tính tiến triển thành bệnh viêm cột sống dính khớp.
Tổn thương da và niêm mạc: Có thể gặp các tổn thương da tăng sừng hóa ở lòng bàn tay, bàn chân, da bìu, da đầu giống viêm da trong vẩy nến; Các tổn thương viêm niêm mạc miệng, lưỡi, viêm bao quy đầu; Viêm bàng quang, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt.
Tổn thương ở mắt: Bệnh nhân có thể thấy mắt đỏ, sợ ánh sáng và đau nhức vùng hốc mắt. Tổn thương mắt có thể là triệu chứng duy nhất hoặc là triệu chứng đầu tiên của viêm khớp phản ứng; Viêm kết mạc, viêm màng bồ đào trước, viêm giác mạc hoặc thậm chí loét giác mạc có thể xảy ra.
Các cơ quan khác: Có thể gặp biểu hiện protein niệu, tiểu máu vi thể và tiểu mủ vô khuẩn ở bệnh nhân viêm khớp phản ứng.
Chẩn đoán bệnh có khó?
Hiện nay chưa có tiêu chuẩn xác định bệnh viêm khớp phản ứng nào được thống nhất (ngoại trừ hội chứng Reiter). Việc chẩn đoán bệnh viêm khớp phản ứng chủ yếu dựa vào các biểu hiện lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và tiền sử nhiễm khuẩn (chủ yếu là đường tiết niệu - sinh dục, đường tiêu hóa). Cần phân biệt với các bệnh: Viêm khớp gút cấp; Viêm khớp nhiễm trùng; Viêm khớp trong bệnh hệ thống; viêm khớp vảy nến và viêm khớp không đặc hiệu khác.
Điều trị các tổn thương viêm của hệ cơ xương khớp bằng các thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid; Điều trị các tổn thương ngoài khớp; Điều trị nguyên nhân gây bệnh nếu xác định được nguyên nhân; Vật lý trị liệu và điều trị phòng ngừa các biến chứng kết hợp tập vật lý trị liệu sớm để ngăn ngừa các biến chứng teo cơ, cứng khớp... chườm lạnh các khớp viêm, để các khớp viêm ở tư thế cơ năng nhưng không được bất động tuyệt đối. Trường hợp nặng có yếu cơ, teo cơ, dính khớp phải có các bài tập phục hồi chức năng. Phối hợp vật lý trị liệu và phục hồi chức năng sẽ giúp người bệnh chóng phục hồi chức năng vận động khớp .