Hà Nội

Viêm khớp nhiễm khuẩn

20-08-2009 07:05 | Bệnh thường gặp
google news

Viêm khớp nhiễm khuẩn cấp thường xuất hiện ở những người có yếu tố nguy cơ cao như: nhiễm khuẩn huyết dai dẳng do tiêm chích ma túy,

Viêm khớp nhiễm khuẩn cấp thường xuất hiện ở những người có yếu tố nguy cơ cao như: nhiễm khuẩn huyết dai dẳng do tiêm chích ma túy, viêm màng trong tim nhiễm khuẩn, khớp đã bị tổn thương sẵn từ trước như viêm khớp dạng thấp. Bệnh gây tổn thương viêm khớp ở các mức độ khác nhau, viêm màng hoạt dịch, tràn dịch, tạo ổ áp-xe trong màng hoạt dịch hoặc dưới sụn và phá hủy khớp. Dưới đây chỉ đề cập đến bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn không do lậu.

 Tổn thương viêm khớp hoại tử khớp.
Nguyên nhân gây bệnh

Nhiều nghiên cứu cho thấy tụ cầu vàng là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm khớp nhiễm khuẩn không do lậu, tiếp đến là liên cầu nhóm A và nhóm B. Viêm khớp do vi khuẩn gram âm trước đây tuy hiếm, song hiện nay ngày càng gặp nhiều hơn, nhất là ở những người tiêm chích ma túy và những người bị suy giảm miễn dịch. Ở người lớn bị viêm khớp nhiễm khuẩn, hay gặp nhất là các loại vi khuẩn E. coli và trực khuẩn mủ xanh. Hiện nay do sử dụng nội soi ngày càng rộng rãi trong khám chữa bệnh và những phẫu thuật thay khớp nhân tạo đã làm cho tỷ lệ viêm khớp nhiễm khuẩn tăng lên đáng kể.

Biểu hiện lâm sàng

Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn thường khởi phát đột ngột, với triệu chứng sưng nóng, đỏ đau cấp tính ở một khớp, hay gặp nhất là khớp gối. Những khớp khác cũng thường gặp gồm: khớp háng, cổ tay, vai và khớp cổ chân. Trường hợp bệnh xảy ra ở những vị trí ít gặp như khớp ức đòn, khớp cùng chậu thường thấy ở những người tiêm chích ma túy. Triệu chứng toàn thân: sốt cao, rét run là phổ biến, gặp ở trên 80% trường hợp; gần 20% bệnh nhân còn lại tuy bị viêm khớp nhiễm khuẩn nhưng không có sốt cao rét run. Nhiễm khuẩn khớp háng là một trường hợp khá đặc biệt vì viêm khớp nhưng ít khi thấy sưng rõ, tuy nhiên lại có một triệu chứng chỉ điểm là bệnh nhân thường có đau nhiều vùng bẹn bên khớp viêm khi đi lại.

Xét nghiệm: cấy máu phát hiện được vi khuẩn trong khoảng 50% trường hợp viêm khớp. Xét nghiệm dịch khớp thấy số lượng bạch cầu trong dịch khớp tăng, trong đó trên 90% là bạch cầu đa nhân. Đường glucose trong dịch khớp thường giảm. Nhuộm soi dịch khớp phát hiện thấy vi khuẩn trong 75% bệnh nhân viêm khớp nhiễm khuẩn do tụ cầu và 50% bệnh nhân nhiễm các loại vi khuẩn gram âm. Chụp phim Xquang thấy khớp bình thường khi mới bị bệnh, nhưng sau vài ngày phát bệnh chụp có thể thấy hiện tượng mất chất khoáng xương. Các biểu hiện mòn xương và hẹp khe khớp, sau đó là cốt tủy viêm và viêm màng xương có thể xuất hiện trong vòng 2 tuần.

Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào các triệu chứng chính: viêm khớp cấp khởi phát đột ngột, thường ở một khớp và hay gặp ở khớp lớn như khớp gối, khớp háng, khớp cổ tay; tổn thương khớp từ trước; tiêm chích ma túy; có ổ nhiễm khuẩn tiên phát ở một bộ phận khác trong cơ thể; tràn dịch khớp nặng...

Chẩn đoán phân biệt

Viêm khớp nhiễm khuẩn cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh như sau: bệnh gút và giả gút khi tìm thấy các tinh thể trong dịch khớp. Thấp khớp cấp và viêm khớp dạng thấp thường viêm nhiều khớp. Bệnh Still có các biểu hiện lâm sàng giống với viêm khớp nhiễm khuẩn nhưng không có những bằng chứng xét nghiệm phát hiện được vi khuẩn. Viêm khớp mủ có thể bội nhiễm ở bệnh nhân có một bệnh viêm khớp dạng thấp và cần phải loại trừ bằng xét nghiệm dịch khớp.

Điều trị và tiên lượng bệnh

Đối với bất kỳ một trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn nào khi đã có những căn cứ chẩn đoán bệnh như: dựa vào biểu hiện lâm sàng, dựa vào kết quả soi, nuôi cấy dịch khớp, máu, nước tiểu hoặc những vị trí nhiễm khuẩn đặc hiệu khác phát hiện được vi khuẩn thì cần cho ngay kháng sinh toàn thân. Trường hợp không xác định được loại vi khuẩn gây bệnh, nên điều trị bằng các thuốc kháng sinh có hiệu quả với tụ cầu, phế cầu và trực khuẩn gram âm. Khi bệnh nhân có tràn dịch khớp tái phát nhanh và gây ra triệu chứng, cần chọc khớp nhiều lần hoặc hàng ngày. Đối với trường hợp viêm khớp háng phải tiến hành dẫn lưu ngoại khoa sớm bởi vì khớp này khó có thể chọc nhiều lần. Với hầu hết các khớp khác bị nhiễm khuẩn, chỉ dẫn lưu ngoại khoa khi điều trị nội khoa trong vòng 2 - 3 ngày mà bệnh nhân không hết hoặc giảm sốt, tràn dịch vẫn nhiều, số lượng bạch cầu không giảm và nuôi cấy vẫn dương tính, có thể giảm đau bằng chườm nóng tại chỗ, bất động khớp bằng nẹp hoặc kéo liên tục. Nên cho bệnh nhân nghỉ ngơi, bất động khớp viêm sớm. Hướng dẫn bệnh nhân những bài tập vận động chủ động sớm trong giới hạn cho phép để giúp cho việc hồi phục nhanh hơn.

Nếu được điều trị kháng sinh kịp thời và không có một bệnh lý khớp nặng từ trước, sự hồi phục về chức năng vận động thường tốt. Một nghiên cứu cho thấy: tỷ lệ tử vong trong viêm khớp nhiễm khuẩn từ 5 - 10%, chủ yếu do biến chứng nhiễm khuẩn hô hấp. Nhưng đối với các trường hợp bệnh nhân bị viêm nhiều khớp nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30%. Các trường hợp điều trị chậm hoặc không triệt để, bệnh nhân thường bị phá hủy khớp và dính khớp.

BS. Ninh Thanh Tùng


Ý kiến của bạn