Hà Nội

Viêm khớp gối ở trẻ cần làm gì?

24-11-2023 14:56 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Nhiều người cho rằng viêm khớp gối chỉ xảy ra ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, viêm khớp gối cũng có thể xuất hiện ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau, không giống với hiện tượng lão hóa xương tự nhiên ở người cao tuổi.

Đừng bỏ qua 7 triệu chứng sớm của viêm khớp gốiĐừng bỏ qua 7 triệu chứng sớm của viêm khớp gối

SKĐS - Đối với tình trạng viêm khớp gối, hãy đi khám ngay khi có các triệu chứng sớm để được can thiệp kịp thời, hạn chế phải phẫu thuật hay gặp biến chứng.

Theo thống kê, có khoảng 40% trẻ em mắc các chứng đau xương khớp. Trong đó, viêm khớp gối ở trẻ em khá phổ biến, đặc biệt ở lứa tuổi 3 – 5 tuổi và 8 – 12 tuổi. 

Hầu hết phụ huynh thường chủ quan nghĩ rằng viêm khớp gối chỉ xảy ra ở người lớn tuổi, do vậy nhiều trường hợp bệnh không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Một số trường hợp điều trị sai cách gây ảnh hưởng nghiêm trong đến khả năng đi lại, gây biến dạng khớp và trở thành bệnh mạn tính suốt đời. Nặng hơn nữa là bệnh thậm chí có thể gây tàn phế.

Viêm khớp gối ở trẻ do đâu?

Viêm khớp gối ở trẻ em xuất hiện do nhiều nguyên nhân, trong đó hay gặp là do té ngã, chấn thương khớp gối (đứt dây chằng, sụn chêm đầu gối) khi chạy nhảy, vui chơi hoặc gặp tai nạn giao thông.

Tình trạng nhiễm trùng, nhiễm khuẩn (dấu hiệu đặc trưng là khớp gối sưng, đau) cũng là nguyên nhân dẫn đến viêm khớp gối. Trẻ bị viêm khớp cấp tính (thường xảy ra ở bé gái), có thể do mắc bệnh bạch cầu cấp giai đoạn đầu hoặc bị rối loạn miễn dịch, viêm bao hoạt dịch, trật khớp xương bánh chè, bị u khớp gối, lupus ban đỏ… cũng có thể dẫn đến viêm khớp gối.

Ngoài ra, xương của trẻ đang trong giai đoạn phát triển mạnh, nên có thể dẫn tới triệu chứng đau, viêm. Và thông thường, trẻ bị béo phì sẽ dễ gặp tình trạng này hơn, do khớp gối phải gánh chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể, dẫn tới quá tải, tổn thương gây viêm khớp gối.

Cần làm gì khi trẻ bị viêm khớp gối?- Ảnh 2.

Viêm khớp gối ở trẻ xuất hiện do nhiều nguyên nhân. Ảnh minh hoạ.

Biểu hiện viêm khớp gối ở trẻ

Khi trẻ mắc viêm khớp gối, biểu hiện đặc trưng ở trẻ là những cơn đau ở khớp gối, đặc biệt trẻ cảm thấy đau nhiều khi chạy nhảy, va chạm. Lúc đầu cơn đau có thể nhẹ, thoáng qua, nhưng càng về sau càng đau nhiều, nhất là khi trẻ vận động mạnh.

Ngoài ra, viêm khớp gối ở trẻ em còn có các dấu hiệu thường gặp sau:

- Trẻ cảm thấy đau nhức đầu gối, lan rộng sang bắp chân, đùi.

- Cơn đau âm ỉ trong vài phút, thậm chí kéo dài 1 ngày.

- Vùng xung quanh khớp đầu gối sưng đỏ lên.

- Khi trẻ vận động, cơn đau nhức dữ dội hơn.

- Trẻ cũng có thể bị sốt cao hoặc sụt cân.

Cần làm gì khi trẻ bị viêm khớp gối?

Khi trẻ đau nhức khớp gối (có thể cơn đau nhiều hay ít) việc cha mẹ cần làm đó là yêu cầu trẻ nghỉ ngơi, tránh đi lại, vận động mạnh hay các tư thế không phù hợp như ngồi xổm, quỳ gối… 

Để giảm đau nhức cho trẻ, cha mẹ có thể dùng đá lạnh cho vào khăn sạch hoặc túi nilon và chườm trực tiếp lên khớp gối của trẻ để giảm sưng, giảm đau tạm thời. 

Hoặc bố mẹ cũng có thể thực hiện chườm nóng cho trẻ bằng cách cho nước có độ nóng vừa phải vào túi chườm nóng và chườm lên đầu gối đau của trẻ mỗi ngày trước khi đi ngủ.

Cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và chỉ định cho phù hợp. Các bác sĩ sẽ căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh lý, các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để xác định chính xác tình trạng viêm khớp gối ở trẻ. Tùy tình hình thực tế, các bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời, nhằm hạn chế tối đa biến chứng.

Việc điều trị sẽ bắt đầu từ việc chống viêm, giảm đau để giảm triệu chứng khó chịu ở trẻ. Bác sĩ cũng sẽ kê loại thuốc phù hợp để ngăn chặn sự phá hủy hay làm tổn thương khớp gối. Các loại thuốc được kê cũng hỗ trợ vận động của các khớp, giúp khớp vận động linh hoạt hơn cho đến khi trẻ trưởng thành. Tùy tình trạng bệnh và sức khỏe của mỗi trẻ, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giảm đau, kháng viêm hoặc thuốc Corticoid cho phù hợp.

Ngoài điều trị bằng thuốc, trẻ cũng sẽ được hướng dẫn tập vật lý trị liệu và các bài thể dục phù hợp. Phương pháp này sẽ giảm phụ thuộc thuốc, cải thiện sự linh hoạt và khả năng vận động của khớp. Các bậc phụ huynh cũng có thể tư vấn giúp trẻ chọn một bộ môn phù hợp như đạp xe, đi bộ, bơi lội... Tập thể dục thường xuyên và vừa sức không chỉ giúp phòng ngừa cứng khớp mà còn nâng cao đề kháng ở trẻ

Ngoài chườm nóng, lạnh, massage hay xoa bóp nhẹ nhàng vùng khớp gối cho trẻ mỗi ngày cũng là biện pháp giúp làm dịu cơn đau đầu gối ở trẻ hiệu quả được các chuyên gia khuyên bố mẹ nên thực hiện.

Lưu ý, việc tự ý sử dụng thuốc để giảm đau trong viêm khớp gối ở trẻ em khi chưa có chỉ định của bác sĩ là điều bố mẹ cần tránh tuyệt đối, vì có thể gây những tác dụng phụ không mong muốn lên cơ thể trẻ như suy giảm miễn dịch lâu dài, tổn thương thận, gan, viêm loét dạ dày… Chưa kể dùng thuốc chỉ có tác dụng giảm đau tạm thời, không có tác dụng điều trị bệnh dứt điểm, cơn đau sẽ dễ tái phát.

TS. BS Vũ Thị Thanh
Ý kiến của bạn