Viêm khớp do lậu cầu

10-12-2009 14:35 | Bệnh thường gặp
google news

Lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae) lây qua đường tình dục gây ra bệnh lậu hoặc nhiễm lậu cầu không có triệu chứng.

Lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae) lây qua đường tình dục gây ra bệnh lậu hoặc nhiễm lậu cầu không có triệu chứng. Bệnh lậu điều trị không dứt điểm sẽ trở thành mạn tính, từ đây gây ra nhiều biến chứng, trong đó viêm khớp do lậu cầu là một biến chứng hay gặp. 

 Song cầu lậu nhìn trên kính hiển vi.
Viêm khớp do lậu cầu gặp nhiều ở thành thị hơn là nông thôn. Ngược lại với các bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn khác thường gặp ở những người yếu, viêm khớp do lậu cầu lại thường gặp ở người khỏe mạnh. Một vài nghiên cứu cho thấy: bệnh gặp ở nữ gấp 2 - 3 lần so với nam, đặc biệt gặp nhiều trong khi hành kinh và thời kỳ mang thai; bệnh cũng hay gặp ở người đồng tính luyến ái nam; viêm khớp do lậu chiếm 70% nhiễm khuẩn khớp ở người lớn dưới 40 tuổi. Những người có nhiều bạn tình, quan hệ với gái mại dâm mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ (dùng bao cao su) đều có nguy cơ nhiễm lậu cầu, trong đó 30 - 50% trường hợp bị viêm khớp.

Biểu hiện lâm sàng

Bệnh bắt đầu bằng những đợt đau nhiều khớp, với tính chất di chuyển ở các khớp cổ tay, gối, cổ chân, khớp khuỷu, kéo dài từ 1 - 4 ngày. Diễn biến tiếp theo của bệnh với  hai khả năng: một là viêm bao hoạt dịch gân hay gọi là hội chứng nhiễm khuẩn do lậu cầu chiếm khoảng 60%; hai là viêm một khớp mủ hay gọi là viêm khớp thực sự do lậu cầu chiếm 40%, thường gặp nhất là khớp gối. Gần nửa bệnh nhân có sốt và gần 1/4 bệnh nhân có triệu chứng ở đường tiết niệu sinh dục. Hầu hết bệnh nhân có tổn thương đặc trưng là có 2 - 10 mụn mủ hoại tử nhỏ ở các chi, nhất là ở gan bàn tay và gan bàn chân.

Hội chứng nhiễm khuẩn do lậu cầu gồm các triệu chứng: sốt, rét run, ban đỏ, mụn mủ như đã nói ở trên và các biểu hiện tại khớp. Tràn dịch khớp với số lượng dịch ít.

Trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn thực sự do lậu cầu, thường viêm một khớp lớn như khớp háng, gối, cổ tay, cổ chân với biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau. Bệnh nhân có sốt cao, rét run. 

Xét nghiệm dịch khớp có trên 50.000 bạch cầu/ml. Cấy máu tìm thấy lậu cầu ở 40% bệnh nhân có viêm màng hoạt dịch và gần như không thấy ở bệnh nhân viêm khớp mủ. Cấy bệnh phẩm niệu đạo, trực tràng, họng nên làm ở tất cả bệnh nhân vì kết quả thường dương tính ở những bệnh nhân không có các triệu chứng tại chỗ.

Viêm khớp do lậu cầu cần phân biệt với các bệnh sau đây: hội chứng Reiter cũng gây ra viêm một khớp ở người trẻ, nhưng phân biệt nhờ nuôi cấy âm tính, không đáp ứng với kháng sinh. Bệnh Lyme có tổn thương khớp gối nhưng ít cấp tính hơn, nuôi cấy âm tính, có các ban đặc trưng và có tiền sử bị ve đốt. Để phân biệt với các bệnh: gút, giả gút và viêm khớp nhiễm khuẩn không do lậu... người ta xét nghiệm dịch khớp để phát hiện lậu cầu, trong đó chỉ có bệnh viêm khớp do lậu cầu mới có vi khuẩn lậu. 

 Tổn thương viêm khớp gối do lậu cầu.
Điều trị 

Mọi trường hợp nghi ngờ viêm khớp do lậu cầu nên nhập viện để chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời. Trước khi dùng thuốc kháng sinh cần thực hiện cấy máu, lấy bệnh phẩm đường sinh dục, niệu đạo, họng, lấy dịch khớp làm các xét nghiệm cần thiết. Một nghiên cứu cho thấy khoảng 4 - 5% trong tất cả các chủng lậu cầu sản xuất được men beta-lactamase kháng penicillin và 15 - 20% các chủng lậu cầu có các chuỗi nhiễm sắc thể gây kháng tương đối với penicillin. Do đó nên bắt đầu điều trị bằng ceftriaxon 1g/ngày trong 7 ngày. Các trường hợp viêm khớp không nên tiêm trực tiếp thuốc kháng sinh vào khớp vì tác dụng không những không tốt hơn, ngược lại còn gây ra tình trạng viêm khớp do tinh thể thuốc. Đối với viêm mủ khớp gối do lậu cầu thường chỉ cần dùng kháng sinh phối hợp và tiến hành hút dịch khớp gối là có kết quả tốt, không cần thiết phải nội soi rửa khớp hoặc phẫu thuật mở khớp để điều trị. Thời gian dùng kháng sinh điều trị viêm khớp do lậu cần kéo dài từ 7 - 14 ngày.

Nếu lậu cầu nhạy cảm penicillin có thể dùng amoxicillin uống 1.500mg/ngày chia 3 lần hoặc dùng ciprofloxacin uống 1.000mg/ngày chia 2 lần.

Ngoài ra cần điều trị triệu chứng: dùng thuốc hạ nhiệt giảm đau chống viêm không steroid để giảm đau và hạ sốt cho bệnh nhân. Nâng cao thể trạng bằng vitamin các loại, nhất là vitamin C. Tăng cường dinh dưỡng bằng chế độ ăn giàu chất bổ như thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh và trái cây chín. 

Phòng bệnh

Hiện nay chưa có vaccin phòng lậu cầu nên cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau đây: sống chung thủy một vợ một chồng; sử dụng bao cao su bảo vệ an toàn trong quan hệ tình dục. Nếu phát hiện viêm niệu đạo do lậu cầu phải điều trị sớm, tích cực ngay từ đầu tránh bệnh tiến triển thành mạn tính. Bệnh nhân cần được tư vấn để họ báo cho bạn tình biết bị mắc bệnh để đi khám và điều trị đồng thời.

ThS. Phạm Nguyễn Hoàng


Ý kiến của bạn