Viêm khớp dạng thấp, uống thuốc gì?

09-11-2021 09:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính. Nguyên nhân chính là do rối loạn tự miễn trong cơ thể. Việc sử dụng các thuốc chống viêm là một phần không thể thiếu trong điều trị. Tuy nhiên cần sử dụng đúng để đạt hiệu quả và giảm thiểu tác dụng phụ do thuốc gây ra.

1. Cách phát hiện sớm viêm khớp dạng thấp

Các dấu hiệu sớm của viêm khớp dạng thấp bao gồm: Cứng khớp, sưng khớp, nóng da, đỏ da vùng khớp, đau khớp... Kèm theo một số triệu chứng toàn thân như: Mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, sụt cân, đau nhức mỏi cơ toàn thân...

Tuy nhiên, khi có các biểu hiện trên, người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị kịp thời.

Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp - Ảnh 1.

Các khớp ngón tay, bàn tay sưng đau, đối xứng cả 2 bên là dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không điều trị có thể gây nhiều biến chứng như: Viêm đau ngón tay, ngón chân; ảnh hưởng tới tất cả các khớp trên cơ thể. Nặng hơn có thể phá hủy khớp vĩnh viễn, gây tổn thương cho các cơ quan khác ngoài khớp như tim, phổi và mắt…

2. Các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

2.1 Các thuốc corticoid:

Một số thuốc corticoid được sử dụng trong viêm khớp dạng thấp như: Dexamethasone, methylprednisolone, prednisolone... Những loại thuốc này có nhiều dạng bào chế (viên uống, dạng tiêm...) với nhiều tên biệt dược khác nhau. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, mức độ bệnh và thời gian điều trị mà bác sĩ sẽ kê thuốc, liều dùng và dạng thuốc phù hợp.

Bên cạnh tác dụng điều trị, thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn nguy hiểm như: Kích ứng dạ dày, gây viêm loét dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa; bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng, mỏng da, teo da, tăng huyết áp, ảnh hưởng tim mạch, tổn thương thận; tăng thời gian chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết; tăng cân; khó ngủ... Vì vậy, đây là nhóm thuốc không thể dùng tùy tiện, người bệnh không được mách nhau mua dùng.

Để an toàn trong dùng thuốc, thông thường bác sĩ sẽ kê đơn liều thấp nhất có tác dụng (vì vậy, người bệnh không được tự ý tăng liều dùng khi thấy bệnh chưa thuyên giảm) và có thể dùng thêm các thuốc chống loét đường tiêu hóa như omeprazole hay phòng ngừa loãng xương do thuốc bằng cách bổ sung canxi, vitamin D.

Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp - Ảnh 2.

Bệnh nhân viêm khớp dạng thấp cần tái khám theo lịch của bác sĩ.

Lưu ý khi dùng các thuốc corticoid: Do phải dùng thuốc điều trị trong thời gian dài, nên khi ngừng thuốc người bệnh cần ngừng từ từ (giảm liều dần dần theo hướng dẫn của bác sĩ). Tuyệt đối không được ngừng thuốc đột ngột, vì có thể gây suy thượng thận cấp, dễ dẫn đến tử vong nếu như không được cấp cứu kịp thời.

2.2 Các thuốc chống viêm không steroid

thuốc giảm đau, chống viêm không chứa nhân steroid cũng được dùng phổ biến trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Các thuốc này có thể làm giảm các triệu chứng viêm, đau ở khớp nhưng lại không loại trừ được các nguyên nhân gây viêm nên không làm thay đổi được tiến triển của quá trình bệnh lý chính.

Thuốc được chia thành 2 nhóm chính là:

Nhóm ức chế COX không chọn lọc như: Ibuprofen, diclofenac... Bất lợi phổ biến của các thuốc này là gây viêm loét đường tiêu hóa.

Nhóm ức chế chọn lọc COX-2 như: Meloxicam, celecoxib, etoricoxib... Các thuốc nhóm này khắc phục được bất lợi trên tiêu hóa nhưng lại gây bất lợi trên tim mạch (cần thận trọng với người bệnh có bệnh lý tim mạch).

Lưu ý khi dùng thuốc: Người bệnh chỉ dùng thuốc trong thời gian ngắn nhất có thể và không nên vì đau mà lạm dụng thuốc. Cần báo ngay cho bác sĩ khi gặp những bất lợi trong quá trình dùng thuốc như rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, táo bón, tiêu chảy, ăn không tiêu...); viêm loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết tiêu hóa, nhức đầu, phát ban, chóng mặt... để có thể kịp thời xử lý.

2.3 Thuốc ức chế miễn dịch methotrexate

Methotrexate được xếp hạng là thuốc điều chỉnh bệnh 'tiêu chuẩn vàng' (DMARD) để kiểm soát bệnh viêm khớp.

Hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức trong viêm khớp dạng thấp (RA) gây ra đau, sưng, nóng và đỏ ở các khớp, cứng khớp và các triệu chứng khác như mệt mỏi và các triệu chứng giống cúm. Methotrexate làm giảm quá trình này, nó làm giảm bằng chứng của viêm khớp đang hoạt động và khả năng bị tổn thương khớp.

Cũng như với bất kỳ loại thuốc nào, methotrexate có một số tác dụng phụ có thể xảy ra, mặc dù điều quan trọng cần nhớ là đây chỉ là những tác dụng phụ tiềm ẩn.

Các tác dụng phụ có thể bao gồm:

  • Buồn nôn, chán ăn, nôn mửa, tiêu chảy.
  • Loét miệng, phát ban trên da.
  • Ảnh hưởng đến các xét nghiệm máu về chức năng gan, số lượng bạch cầu và tiểu cầu.
  • Nhức đầu.
  • Rụng tóc nhẹ.
  • Sốt, các triệu chứng nhiễm trùng, bầm tím, chảy máu.

2.4 Liệu pháp sinh học

Thuốc điều chỉnh phản ứng sinh học là một nhóm thuốc mới được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp (RA); giúp cải thiện đáng kể việc điều trị cho nhiều người bị RA.

Thuốc sinh học hoạt động bằng cách làm gián đoạn các tín hiệu của hệ thống miễn dịch liên quan đến quá trình viêm dẫn đến tổn thương mô khớp.

Mặc dù các thuốc này không chữa khỏi RA, nhưng chúng có thể làm chậm sự tiến triển của nó và có thể gây ra ít tác dụng phụ hơn các loại thuốc khác.

Bác sĩ có thể kê một loại thuốc sinh học này cùng với hoặc thay thế cho thuốc methotrexate (một loại thuốc chống thấp khớp). Sự phối hợp giữa thuốc sinh học với methotrexate có hiệu quả trong điều trị RA cho nhiều người.

Một số thuốc trong nhóm này như: Tocilizumab, sarilumab, anakinra...

Các tác dụng phụ có thể bao gồm:

  • Nhiễm trùng nặng, chẳng hạn như nhiễm trùng phổi.
  • Tổn thương gan.
  • Giảm khả năng tạo ra các tế bào máu mới.
  • Buồn nôn.
  • Đau hoặc sưng tại chỗ tiêm...
Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp - Ảnh 4.

Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách vận động, xoa bóp để giúp các khớp không bị cứng.

3. Làm thế nào để tình trạng viêm khớp dạng thấp không xấu đi?

Viêm khớp dạng thấp là bệnh sẽ tiến triển nặng dần. Ngoài dùng thuốc điều trị thì bệnh nhân có thể can thiệp vào lối sống để ngăn ngừa tiến triển bệnh bằng cách:

  • Tăng cường hoạt động vừa sức thường xuyên bằng cách di chuyển. Không nên vì đau mà hạn chế vận động, di chuyển, bởi sẽ khiến tình trạng bệnh xấu đi rất nhanh. Khi không hoạt động sẽ khiến các cơ yếu đi và khớp sẽ cứng hơn. Có thể tham khảo ý kiến từ bác sĩ vật lý trị liệu để có lời khuyên cho các bài tập vận động phù hợp.
  • Nên có môt chế độ ăn hợp lý, đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng nhưng tránh các loại thực phẩm giàu chất béo. Bởi bệnh viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến tim mạch, do đó nếu ăn chế độ ăn giàu chất béo không những ảnh hưởng đến khớp mà nguy cơ gây hại cho tim mạch cũng rất cao. Nên ăn ngũ cốc nguyên hạt, các loại cá, đạm thực vật, tăng cường rau quả tươi…

Mời độc giả xem thêm video:

Biển người trong lễ hội âm nhạc

DS.Nguyễn Minh Thành
Ý kiến của bạn