ThS.BS. Dương Minh Trí, Phó trưởng khoa Nội Hô hấp - Cơ xương khớp BV. Nhân dân Gia Định cho biết, viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp hệ thống và toàn thân, do hệ miễn dịch bị rối loạn, tiến triển mạn tính nặng dần, gây đau đớn, tàn phế, tấn công các bộ phận cơ thể, đặc biệt là khớp. Bệnh thường gặp ở nữ (tỷ lệ 75%), tuổi 30 - 60.
Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh khoảng 0,55% dân số người lớn. Viêm khớp dạng thấp được coi là một bệnh tự miễn hệ thống với sự tham gia của nhiều yếu tố. Đến nay tác nhân khởi phát chưa được xác minh chắc chắn tuy nhiên có nhiều giả thiết nghĩ đến do virus. Bệnh có tính di truyền, nghĩa là trong gia đình có bố mẹ bị viêm khớp dạng thấp thì con có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp rất lớn (chiếm tới 60 - 70% ở những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp). Yếu tố thuận lợi: sau sang chấn, cơ thể suy yếu, sinh đẻ, lạnh ẩm kéo dài.
Giai đoạn đầu (thường trong năm đầu), hầu hết bệnh nhân đều có chung biểu hiện chủ yếu tại khớp nhỏ (bàn ngón tay, chân) như sưng, nóng, đỏ, đau, đối xứng. Từ năm thứ hai trở đi, bệnh bắt đầu gây tổn thương xương, sụn (làm khớp dần dần biến dạng) và xuất hiện các biểu hiện toàn thân. Cuối cùng sau nhiều năm, nếu không điều trị đúng, các đầu xương dính nhau gây biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp, mất khả năng lao động và ảnh hưởng toàn thân.
Bệnh diễn biến mạn tính với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau. Bệnh diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề do đó cần được điều trị tích cực ngay từ đầu bằng các biện pháp điều trị hữu hiệu để làm ngưng hay làm chậm tiến triển của bệnh, hạn chế tàn phế và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Có khoảng 89% người bệnh viêm khớp dạng thấp bị cứng khớp, bàn tay khó cầm nắm, khó đi lại sau 10 năm phát bệnh
Triệu chứng của bệnh
Viêm khớp dạng thấp thường khó phát hiện vì bệnh bắt đầu bằng những triệu chứng mơ hồ, nhiều bệnh viêm khớp khác cũng có triệu chứng tương tự. Vì vậy, khi thấy có một trong các triệu chứng sau đây cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm cần thiết:
Ở giai đoạn khởi phát, có đến 85% số bệnh nhân cảm nhận triệu chứng bắt đầu từ từ, tăng dần, 15% đột ngột với các dấu viêm cấp; đa số bằng viêm một khớp, đó là một trong các khớp bàn tay (cổ tay, bàn ngón, ngón gần), gối. Kéo dài từ vài tuần đến vài tháng rồi chuyển qua giai đoạn toàn phát.
Ở giai đoạn toàn phát, người bệnh bị viêm nhiều khớp, vị trí viêm sớm là các khớp ở chi như cổ tay, bàn ngón tay, cổ chân, bàn ngón chân, khớp gối… Sau đó xuất hiện thêm ở khuỷu, vai, háng, đốt sống cổ…
Bệnh nhân thường viêm ở 2 khớp đối xứng nhau như ở hai đầu gối, hai ngón tay cùng vị trí ở hai bàn tay, số khác cứng khớp buổi sáng, thức dậy không thể vận động được ngay mà phải xoay khớp, xoa bóp chừng 10 - 15 phút mới có thể xuống giường.
Biểu hiện kế đến là đau khớp, nhất là các khớp nhỏ như: khớp bàn ngón tay, cổ tay, bàn ngón chân, cổ chân. Các khớp có đặc điểm là viêm đau, có thể sưng, ít nóng đỏ. Giai đoạn muộn các ngón tay có hình thoi, biến dạng khớp đặc trưng xuất hiện chậm hơn: bàn tay gió thổi, bàn tay lưng lạc đà.
Biểu hiện toàn thân và ngoài khớp là giai đoạn cuối, bệnh nhân có thể gặp một hoặc nhiều các triệu chứng sau: Gầy sút, mệt mỏi, ăn ngủ kém, da và niêm mạc xanh nhợt, xuất hiện hạt dưới da ở trên xương trụ (gần khớp khuỷu tay), trên xương chày (gần khớp gối), quanh khớp cổ tay. Hạt có đường kính 5 - 15mm nổi lên trên mặt da, chắc, không đau, không di động. Ban đỏ gan bàn chân và lòng bàn tay do viêm mao mạch, teo cơ ở vùng quanh khớp tổn thương do giảm vận động, viêm gân và bao gân quanh khớp, dây chằng khớp viêm co kéo hoặc giãn gây lỏng lẻo khớp, bao khớp phình to. Ngoài ra có một số biểu hiện ở các cơ quan khác hiếm gặp như: tràn dịch màng tim, tràn dịch màng phổi, xương mất chất vôi gãy tự nhiên, rối loạn thần kinh thực vật…
Biến chứng
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn nên tiến triển rất nhanh, rất khó điều trị dứt điểm và thường để lại nhiều biến chứng ở các khớp xương và các cơ quan khác trên cơ thể.
Người bệnh có thể mất khả năng lao động: do hiện tượng cứng khớp làm hạn chế vận động, sức đề kháng cơ thể giảm, đau nhiều…
Bệnh lâu ngày có thể dẫn tới teo cơ, dính khớp, biến dạng khớp gây ra tàn phế. Có khoảng 89% người bệnh viêm khớp dạng thấp bị cứng khớp, bàn tay khó cầm nắm, khó đi lại sau 10 năm phát bệnh.
Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 4 lần, các nghiên cứu cho thấy có tới 30% bệnh nhân có biến chứng tim mạch và 50% có thể dẫn tới tử vong.
Một số nghiên cứu cho thấy khoảng 25% phụ nữ bị viêm khớp dạng thấp gặp khó khăn trong việc thụ thai.
Căng duỗi cũng là một trong những cách phòng bệnh viêm khớp dạng thấp
Điều trị có khó không?
Ở giai đoạn sớm, khi người bệnh đi khám, bác sĩ sẽ dựa vào các triệu chứng lâm sàng như sưng, nóng, đỏ, đau các khớp nhỏ 2 bên bàn tay, cứng khớp buổi sáng… cùng các xét nghiệm và thăm dò để chẩn đoán. Nếu được điều trị sớm ở gia đoạn này, kết quả sẽ cao nhất, hạn chế tàn phế, tăng khả năng lui bệnh. Tuy nhiên khi bệnh đã nặng, các khớp đã bị hủy hoại, khớp bị biến dạng, cứng khớp, teo cơ, ảnh hưởng tới toàn thân (gầy sút, mệt mỏi, suy nhược) và các cơ quan khác như tim mạch, phổi, xương, gan, thận, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh… lúc này, việc điều trị thường khó khăn và ít kết quả
Viêm khớp dạng thấp cần điều trị sớm, toàn diện, tích cực, lâu dài và theo dõi chặt chẽ. Các biện pháp gồm:
- Giảm triệu chứng viêm và đau các khớp bằng các thuốc kháng viêm, giảm đau.
- Giảm tiến trình bệnh bằng các thuốc đặc trị, đặc biệt các thuốc sinh học điều trị trúng đích, giúp lui bệnh hoặc làm giảm bệnh hoạt tính, bảo vệ được chức năng khớp, giúp thoát khỏi tàn phế.
Ngoài ra, các điều trị hỗ trợ để tăng cường và giữ ổn định kết quả điều trị như giáo dục sức khỏe, dinh dưỡng, vận động, tập luyện… Vật lý trị liệu, thuốc y học dân tộc, châm cứu, xoa bóp; điều trị các biến chứng: loãng xương, sửa chữa các di chứng tại khớp (phẫu thuật chỉnh hình, phúc hồi chức năng)… Các hỗ trợ từ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế để bệnh nhân có thể duy trì điều trị lâu dài.
Phòng ngừa bằng cách nào?
Chủ động nâng cao sức khỏe chung là cách phòng bệnh tốt nhất. Người từ 40 tuổi trở lên nên tích cực vận động, dinh dưỡng hợp lý (giảm chất bột, đường.. ), điều trị các bệnh kèm theo.
Giữ trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý sẽ giúp bạn giảm đi trọng lượng chèn ép lên các khớp xương từ đó giúp giảm nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.Căng duỗi cũng là một trong những cách phòng bệnh viêm khớp dạng thấp.Vì khi các cơ, khớp được căng duỗi sẽ sẽ giúp cho cơ bắp được tăng cường đồng thời củng cố lực cơ các khớp.
Không nên đứng hoặc ngồi quá lâu, luôn giữ tư thế thẳng, thường xuyên xoa bóp ở bàn tay, ngón tay và các khớp. Bên cạnh đó, để phòng tránh bệnh viêm khớp dạng thấp tái phát, người bệnh cần nằm trên giường phẳng, chắc, ngủ đủ giấc. Hạn chế mang vác nặng, làm việc sai tư thế: những người làm việc văn phòng, thợ may, người thường xuyên làm các công việc lao động nặng nên chú ý không làm việc quá sức, dành thời gian nghỉ ngơi, vận động sau 1 - 2h làm việc để giúp hệ xương khớp được thư giãn và tránh tình trạng co cứng cơ, làm giảm thiểu khả năng mắc bệnh viêm khớp.
Khi có dấu hiệu sưng đau khớp, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực. Đi khám sức khỏe định kỳ: những đối tượng như người già, những người có tiền sử về bệnh xương khớp, những phụ nữ từ độ tuổi 30-50 nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa nhằm chủ động phát hiện bệnh sớm, ngay từ giai đoạn đầu và điều trị bệnh hiệu quả.
Việc dùng thuốc và tái khám không đều, bỏ dở điều trị, ngưng thuốc tùy tiện, dùng thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc truyền miệng… là những nguyên nhân làm giảm hoặc mất hiệu quả điều trị.
Tóm lại viêm khớp dạng thấp cần chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt, đây là cách duy nhất làm ngưng ngay hay chậm tiến trình của bệnh, hạn chế tàn phế, bảo đảm chất lượng sống và giảm chi phí điều trị.