Viêm khớp dạng thấp có thể gây nhầm lẫn với bệnh nào?

21-06-2023 06:30 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Biểu hiện của viêm khớp dạng thấp có thể gây nhầm lẫn với một số bệnh xương khớp khác như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp vẩy nến, thoái hóa khớp...

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, gây tổn thương các khớp. Biểu hiện bệnh đặc trưng là viêm đối xứng các khớp ngoại vi. Ví dụ, khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay. Từ đó dẫn đến sự hủy hoại tiến triển của cấu trúc khớp, thường đi kèm với các triệu chứng toàn thân.

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp có biểu hiện gì? Viêm khớp dạng thấp gây sưng đau các khớp nhỏ, nhỡ như các khớp bàn ngón tay, khớp ngón tay, cổ tay, khớp gối, khớp bàn ngón chân, khớp cổ chân. Viêm khớp dạng thấp thường có tính chất đau đối xứng.

Vào buổi sáng khi ngủ dậy, người bị viêm khớp dạng thấp thường bị cứng khớp, đặc biệt là cứng hơn một giờ. Các biểu hiện toàn thân đôi khi có thể gặp như:

- Mệt mỏi, xanh xao

- Sốt

- Gầy sút cân

- Có thể đi kèm với tổn thương các cơ quan khác.

BS Nguyễn Ngọc Định giải thích về các dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp dễ gây nhầm lẫn với bệnh nào

Bệnh viêm khớp dạng thấp dễ chẩn đoán nhầm với một số bệnh cơ xương khớp khác như:

- Viêm khớp do tinh thể

- Lupus ban đỏ hệ thống (SLE)

- Bệnh sarcoid (hiếm khi gây viêm đa khớp)

- Viêm khớp phản ứng

- Bệnh viêm khớp vẩy nến

-Thoái hóa khớp

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp

Vì sao bị viêm khớp dạng thấp? Đây là bệnh tự miễn chưa rõ nguyên nhân. Ngoài ra có một số yếu tố bên ngoài làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp như:

- Người lạm dụng thuốc lá, rượu bia

- Người có cơ địa thừa cân, béo phì

- Người có tiền sử gia đình mắc viêm khớp dạng thấp.

Để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, cần phải dựa vào triệu chứng và các yếu tố cận lâm sàng (xét nghiệm công thức máu, RF, CRP, máu lắng...) để đánh giá tình trạng viêm của bệnh nhân.

Viêm khớp dạng thấp chữa khỏi được không

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tiến triển mạn tính và hiện nay vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu để chữa khỏi. Bệnh có những cơn đau cấp tính, bùng phát xen kẽ thời gian khỏi bệnh, nhưng vẫn diễn tiến một cách âm thầm. Viêm khớp dạng thấp có thể làm giảm tuổi thọ của người bệnh từ 3-7 năm.

Tuy viêm khớp dạng thấp vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng việc điều trị và hỗ trợ sớm sẽ làm giảm nguy cơ tổn thương khớp, hạn chế tác động của tình trạng viêm khớp.

Mục tiêu điều trị chính đối với viêm khớp dạng thấp là giảm nhẹ triệu chứng. Đồng thời làm chậm diễn tiến của bệnh và phòng ngừa các biến chứng.

Người mắc viêm khớp dạng thấp nên ăn gì?

Những thực phẩm tốt cho người viêm khớp dạng thấp là các thực phẩm giàu omega-3 có tác dụng giảm viêm như các loại hạt (óc chó ,hạnh nhân). Các loại rau quả đều là những chất chống oxy hóa mạnh: rau cải xoăn, rau ngót, đu đủ, xoài, dưa hấu, cà chua. Các loại củ có tác dụng chống viêm như gừng, nghệ, tỏi và các loại ngũ cốc nguyên hạt, dầu oliu…

Viêm khớp dạng thấp không nên ăn gì? Người mắc viêm khớp dạng thấp nên hạn chế các loại mỡ động vật, thịt đỏ, thực phẩm nhiều đường, muối, gia vị, vì ăn nhiều khiến tình trạng bệnh thêm nặng nề hơn. Việc tiêu thụ nhiều chất béo động vật sẽ dẫn đến mỡ máu tăng từ đó làm tăng phản ứng viêm ở khớp.

Người mắc viêm khớp dạng thấp nên cân đối chế độ ăn hàng ngày, kiểm soát lượng calo. Nên ăn các món hấp, luộc thay vì chiên rán nhiều dầu mỡ.

Viêm khớp dạng thấp có thể gây nhầm lẫn với bệnh nào? - Ảnh 2.

Viêm khớp dạng thấp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị.

Phòng ngừa viêm khớp dạng thấp

Để phòng ngừa và giảm các nguy cơ gây viêm khớp dạng thấp, cần lưu ý chế độ sinh hoạt và ăn uống như:

- Bỏ thuốc lá

- Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên

- Hạn chế rượu bia

- Hạn chế tiếp xúc với chất ô nhiễm môi trường

- Ngay khi có dấu hiệu liên quan đến viêm khớp dạng thấp hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Ngoài ra cần khám sức khỏe định kỳ thường xuyên để sớm phát hiện các yếu tố nguy cơ.

- Bệnh nhân cần nghiêm túc điều trị thuốc thường xuyên theo chỉ định nhằm tránh các đợt tiến triển viêm khớp dạng thấp.

Một số địa chỉ khám viêm khớp dạng thấp tại Hà Nội:

1. Viện Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Địa chỉ 40 Tràng Thi - Hoàn Kiếm - Hà Nội.

2. Trung tâm Cơ xương khớp - Bệnh viện Bạch Mai. Địa chỉ 78 Giải Phóng - Đống Đa- Hà Nội.

3. Khoa Nội Cơ, Xương, Khớp - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Địa chỉ: 1 Trần Hưng Đạo - Hai Bà Trưng - Hà Nội.

4. Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Địa chỉ 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Du - Hà Nội.

5. Khoa Cơ xương khớp - Bệnh viện E. Địa chỉ 87 Trần Cung - Nghĩa Tân - Cầu Giấy - Hà Nội.

Xem thêm video được quan tâm:

Sau Quan Hệ, Nam Giới Chớ Vội Làm Những Điều Này Kẻo Rối Loạn Cương Dương, Thậm Chí Đột Tử | SKĐS


BS Nguyễn Ngọc Định
Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương
Ý kiến của bạn