Viêm khớp dạng thấp có chữa được không?

16-03-2023 09:25 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm khớp dạng thấp là bệnh mạn tính và hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Viêm khớp dạng thấp có biểu hiện gì, nguyên nhân nào gây bệnh viêm khớp dạng thấp?

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp phổ biến nhất và gây tổn thương nhiều khớp. Đây là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên. Nếu bệnh nhân viêm khớp dạng thấp bị tổn thương các khớp ở chi dưới thì không thể đi lại được còn ở chi trên thì không làm việc được.

Hơn nữa nếu trong trường hợp bị sưng đau cả khớp cả chi trên và chi dưới thường sẽ bị tàn phế. Người mắc viêm khớp dạng thấp thường tổn thương tất cả các khớp và khả năng tàn phế cao.

Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp, dấu hiệu nhận biết viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp tiến triển theo 4 giai đoạn, dựa trên mức độ nặng nhẹ của bệnh.

Viêm khớp dạng thấp giai đoạn 1

Bệnh nhân có biểu hiện sưng, đau một vài khớp, đặc biệt khớp ở bàn tay. Bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng sưng khớp vào buổi sáng và thường kéo dài trong vòng 1 giờ. Chỉ sau khi xoa bóp, vận động một lúc các khớp mới có thể trở nên mềm dẻo và hoạt động như bình thường.

Viêm khớp dạng thấp có chữa được không? - Ảnh 1.

Viêm khớp dạng thấp thường gặp ở người trưởng thành, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.

Viêm khớp dạng thấp giai đoạn 2

Bắt đầu có sự phá hủy của xương, sụn và màng hoạt dịch khớp. Ở giai đoạn này, bệnh đã làm tổn thương nhiều các khớp nhỏ, nhỡ ở chân và tay. Đặc điểm chính của viêm khớp dạng thấp dễ nhìn thấy nhất là tổn thương chính ở chi trên. Thường tổn thương từ khuỷu trở xuống: khuỷu cổ tay, các khớp bàn ngón tay, các khớp ngón gần.

Ở chi dưới thường từ khớp gối trở xuống, khớp cổ chân khớp bàn ngón chân. Các khớp thường sưng đau, cứng khớp và hạn chế vận động.

Viêm khớp dạng thấp giai đoạn 3

Đây là giai đoạn bệnh đã nặng, khớp bắt đầu cứng và dính khớp một phần. Chức năng vận động giảm rõ rệt.

Viêm khớp dạng thấp giai đoạn 4

Đây được xem là giai đoạn cuối của bệnh viêm khớp dạng thấp. Lúc này khớp bị cứng, dính, biến dạng, bệnh nhân bị tàn phế. Ngoài ra viêm khớp dạng thấp ở giai đoạn này còn có những biểu hiện ở ngoài khớp như mắt, thần kinh, tim…

Điều trị viêm khớp dạng thấp thế nào?

- Quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp cần kéo dài hàng tháng hoặc cả năm thậm chí là chục năm. Việc điều trị cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như điều trị không dùng thuốc, dùng thuốc, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, đông y, phẫu thuật…

- Về thuốc có thể sử dụng những loại thuốc chống viêm giảm đau, tiêm nội khớp để cải thiện sưng đau khớp và chức năng vận động của khớp. Đồng thời dùng các thuốc làm chậm sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp.

Viêm khớp dạng thấp có chữa được không? - Ảnh 2.

Viêm khớp dạng thấp có thể diễn biến nhanh chóng, làm giảm sức khỏe và tuổi thọ người bệnh.

Vì sao bị viêm khớp dạng thấp?

Đây là bệnh tự miễn, khi các kháng thể của cơ thể sản xuất ra lại tấn công chính thành phần của cơ thể như màng hoạt dịch khớp dẫn tới hậu quả là sụn và xương ở trong khớp bị phá hủy cũng như gân, cơ, dây chẳng. Từ đó làm cho khớp bị biến dạng, cứng khớp và dính khớp.

Hiện nay, vẫn chưa tìm được nguyên nhân viêm khớp dạng thấp là gì. Tuy nhiên, yếu tố di truyền có thể có liên quan vì một số gen mặc dù không trực tiếp gây ra bệnh nhưng có thể khiến bạn bị nhiễm một số loại vi khuẩn hoặc virus và khiến bệnh khởi phát.

Ai dễ mắc viêm khớp dạng thấp?

- Phụ nữ tuổi trung niên 30 tuổi trở lên. Phụ nữ cũng có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới.

- Tiền sử béo phì, thừa cân.

- Gia đình có người mắc các bệnh về khớp.

- Những người hút thuốc có nguy cơ phơi nhiễm với các yếu tố nhiễm khuẩn hay virus như phơi nhiễm với amiăng hoặc silica. Hút thuốc chủ động và thụ động làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt nếu bạn có tiền sử gia đình bị bệnh.

Phòng ngừa viêm khớp dạng thấp

- Loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được như giảm cân nếu béo phì, ngừng hút thuốc lào, thuốc lá. Hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm môi trường, phòng các bệnh nhiễm trùng. Tạo môi trường sống và làm việc sạch sẽ trong lành, giảm căng thẳng.

- Cần có chế độ tập luyện và ăn uống khoa học lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý.

- Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên. Nếu bệnh nhân đã mắc viêm khớp dạng thấp cần tuân thủ chế độ điều trị do bác sĩ vạch ra, hợp tác điều trị.

Xem thêm video được quan tâm:

Cảnh Báo 6 Dấu Hiệu Gan Của Bạn Đang ‘Cầu Cứu’


PGS.TS.BS Nguyễn Vĩnh Ngọc
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn