Viêm khớp dạng thấp - cẩn trọng khi dùng các thuốc chống viêm

03-11-2019 07:25 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Các thuốc chống viêm là một phần của kế hoạch điều trị viêm khớp dạng thấp. Điều quan trọng là làm sao phát huy được tối ưu lợi ích và giảm hoặc khắc phục những bất lợi do thuốc gây ra...

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính do rối loạn tự miễn trong cơ thể gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô trong chính cơ thể. Triệu chứng điển hình là sưng, nóng, đỏ (viêm), dẫn đến đau, xơ cứng và sưng khớp. Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, không chỉ phá hủy làm tổn thương đến hệ khớp của cơ thể mà có thể làm tổn thương đến cả hệ thống cơ thể bao gồm da, mắt, phổi, tim và mạch máu. Các thuốc chống viêm như corticoid, NSAID (chống viêm không steroid) thường được kê để làm giảm triệu chứng viêm, đau, làm chậm tổn thương khớp... và là một phần trong kế hoạch điều trị bệnh này.

Các thuốc corticoid

Các thuốc corticoid được bác sĩ dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp như: dexamethasone, methylprednisolone, prednisolon... có thể ở dạng viên, dạng tiêm với nhiều tên biệt dược khác nhau. Mỗi loại corticoid lại có độ chống viêm nặng, nhẹ khác nhau; tác dụng ngắn, dài khác nhau. Vì vậy, bác sĩ sẽ khám cụ thể trên từng bệnh nhân để kê đơn dùng loại thuốc, liều dùng, dạng dùng phù hợp.

Tuy nhiên, đây cũng là nhóm thuốc có nhiều tác dụng không mong muốn. Các bất lợi thường gặp của các thuốc corticoid như: mệt mỏi; kích ứng dạ dày, gây viêm loét, chảy máu đường tiêu hóa; các vấn đề về tim và tổn thương thận; kéo dài thời gian chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết; người bệnh dễ bị nhiễm trùng; mỏng da, teo da; tăng huyết áp; tăng cân; khó ngủ... Tuy nhiên, không phải người bệnh nào dùng thuốc cũng gặp phải tất cả hoặc bất kỳ tác dụng nào ở trên, nhưng theo nguyên tắc chung, một người dùng corticoid càng lâu thì càng có nhiều khả năng gặp tác dụng phụ của thuốc. Khi sử dụng trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, các vấn đề về tim mạch, béo phì, loãng xương...

Viêm khớp dạng thấpCác thuốc chống viêm là một phần trong kế hoạch điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.

Vì vậy, để giảm thiểu hoặc hạn chế các tác dụng có hại, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng liều thấp nhất có hiệu quả; dùng thêm các thuốc chống loét đường tiêu hóa như omeprazole, hoặc canxi và vitamin D để dự phòng loãng xương.

Một vấn đề cần lưu ý nữa là khi ngưng thuốc: Người bệnh không được ngừng thuốc đột ngột, mà phải giảm liều từ từ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bởi khi dùng dài ngày corticoid sẽ ức chế hoạt động của tuyến vỏ thượng thận. Nếu ngừng thuốc đột ngột sẽ gây nguy cơ suy thượng thận cấp, dễ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc giảm liều từ từ sẽ giúp tuyến nội tiết này có thời gian thích nghi và trở lại hoạt động bình thường.

Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Thuốc chống viêm không steroid là một nhóm thuốc bao gồm các thuốc có hoạt tính chống viêm và không chứa nhân steroid. Cơ chế tác động của các thuốc NSAID liên quan đến sự ức chế enzym cyclooxygenase-1 (COX-1) và/hoặc COX-2. COX-1 xúc tác sản xuất prostaglandin tham gia đến chức năng sinh lý khác nhau như duy trì chức năng thận, bảo vệ niêm mạc trong đường tiêu hóa, kích hoạt tiểu cầu. COX-2 là một phần của phản ứng viêm, gây giãn mạch, ức chế tiểu cầu.

Thuốc được chia thành 2 nhóm chính: Nhóm ức chế COX không chọn lọc  (ức  chế cả COX 1 và COX 2) như ibuprofen, diclofenac... với nhiều tác dụng không mong muốn về tiêu hóa (viêm, loét, thủng... dạ dày tá tràng, ruột non...) và nhóm thuốc ức chế chọn lọc COX-2 như meloxicam, celecoxib, etoricoxib... có ưu thế là tác dụng không mong muốn về tiêu hóa thấp, nhưng lại cần thận trọng trong các trường hợp có bệnh lý tim mạch (suy tim sung huyết, bệnh lý mạch vành...). Việc chỉ định một thuốc nào trong nhóm cần cân nhắc trên một bệnh nhân cụ thể.

Các thuốc này cũng chỉ làm giảm các triệu chứng viêm, giảm thiểu đau ở khớp mà không loại trừ được các nguyên nhân gây viêm, không làm thay đổi tiến triển của quá trình bệnh lý chính.

Để sử dụng thuốc được an toàn, chỉ dùng thuốc trong thời gian ngắn nhất có thể. Ở các đối tượng có nguy cơ cao như: tiền sử dạ dày, tim mạch, dị ứng, suy gan, suy thận, người già, phụ nữ có thai... cần cân nhắc kỹ giữa lợi ích và nguy cơ khi dùng thuốc. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần nhận diện được những bất lợi có thể xảy ra để thông báo cho bác sĩ biết, để được xử lý kịp thời, thích hợp. Một số bất lợi thường gặp như: rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón, ăn không tiêu...); nhức đầu, chóng mặt, phát ban, phù; viêm loét dạ dày - tá tràng, xuất huyết tiêu hóa...

Không sử dụng đồng thời 2 hoặc nhiều thuốc chống viêm không steroid với nhau vì sự kết hợp này không làm tăng hiệu quả điều trị mà gây tăng tác dụng không mong muốn của thuốc. Trong các trường hợp: bệnh lý chảy máu không được kiểm soát, tiền sử dị ứng, mẫn cảm với thuốc, loét dạ dày tá tràng đang tiến triển, phụ nữ có thai 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối, phụ nữ đang cho con bú... không được dùng.


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn