Do vậy, người bệnh cần phải chú ý, hiểu biết hơn về bệnh để có thể chủ động phát hiện và đến khám chữa kịp thời tại chuyên khoa cơ xương khớp.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm khớp cùng chậu nhiễm khuẩn có thể gặp sau những phẫu thuật không vô trùng, chấn thương hay nhiễm khuẩn vùng tiểu khung lan đến khớp cùng chậu gây viêm... Đặc biệt, ở những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, khi mang thai, thai lớn dần chèn ép các mạch máu ở vùng tiểu khung gây ứ huyết, sung huyết tại chỗ; chèn ép niệu quản - bàng quang gây ứ tiểu, khó khăn trong bài tiết nước tiểu dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ngược dòng. Phụ nữ mất vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt cũng rất dễ gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục ngoài, dẫn đến viêm khớp cùng chậu hay thậm chí viêm lan rộng ngược dòng gây viêm cổ tử cung, vòi trứng, dẫn đến có thể tắc vòi trứng và vô sinh hoặc thai ngoài tử cung... Bệnh nhân có biểu hiện ngoài viêm khớp cùng chậu còn phối hợp tình trạng nhiễm khuẩn toàn thân, sốt hay nhiễm khuẩn tại chỗ kết hợp với đau bụng hạ vị hay hố chậu.
Nhiễm khuẩn đầu tiên chỉ khu trú trong vùng sinh dục tiết niệu, dần dần lan đến vùng khớp cùng chậu gây viêm khớp cùng chậu nhiễm khuẩn. Ngoài biểu hiện đau khớp cùng chậu, bệnh nhân có thể có sốt, kèm biểu hiện nhiễm khuẩn bàng quang niệu đạo hay viêm đường sinh dục như tiểu buốt, tiểu dắt, nước tiểu đục hay có máu hoặc khí hư đục, có mùi... Khi đó, bác sĩ cần cho làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng như lấy nước tiểu, dịch âm đạo để kiểm tra một số vi khuẩn thường gặp như C.trachomatis và N. gonorrhoeae. Ngoài ra, cần phát hiện các bệnh lý lây truyền qua đường sinh dục khác như lậu, giang mai và nhiễm HIV.
Dùng thuốc như thế nào?
Điều trị bệnh bao gồm các biện pháp không dùng thuốc và có dùng thuốc. Các biện pháp không dùng thuốc bao gồm nghỉ ngơi trong giai đoạn đau cấp, mức độ đau nhiều. Ở giai đoạn lui bệnh, đỡ đau, người bệnh cần tập các bài tập thể dục để duy trì các chức năng vận động của cột sống, tránh co cơ cũng như các tư thế xấu sau này. Chiếu tia hồng ngoại hoặc sóng ngắn tại vùng khớp cùng chậu ngày 2 lần, mỗi lần 15 phút có thể phối hợp với mát-xa tại chỗ, chườm ấm hoặc lạnh xen kẽ.
Khi đã sử dụng các biện pháp không dùng thuốc mà bệnh không thuyên giảm, các bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp dùng thuốc cho bệnh nhân. Phác đồ điều trị bao gồm các thuốc sau:
Thuốc giảm đau đơn thuần: Có thể lựa chọn một trong các thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc floctafenine. Chú ý thận trọng khi dùng thuốc, đặc biệt ở những bệnh nhân suy gan, tăng men gan.
Thuốc chống viêm không steroid: Một số thuốc có thể dùng như diclofenac, meloxicam, piroxicam... Lúc đầu, có thể sử dụng dạng ống tiêm bắp khi bệnh nhân đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống; meloxicam tiêm bắp nếu bệnh nhân đau nhiều, sau đó chuyển sang đường uống. Thuốc uống được dùng sau ăn no, tránh gây hại dạ dày. Không nên dùng cho bệnh nhân có tiền sử bệnh tim mạch và thận trọng hơn ở người cao tuổi.
Lưu ý: Khi điều trị, cần phụ thuộc vào đáp ứng của thuốc, mức độ đau. Tuyệt đối không phối hợp thuốc trong nhóm vì không làm tăng tác dụng điều trị mà lại gây nhiều tác dụng phụ.
Thuốc kháng sinh: Trong trường hợp viêm khớp cùng chậu nhiễm khuẩn hay viêm khớp cùng chậu vô khuẩn nhưng kết hợp có nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sinh dục phải dùng thuốc kháng sinh kèm theo. Lưu ý, với viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ mang thai, cho con bú phải rất thận trọng khi dùng thuốc kháng sinh vì có thể ảnh hưởng tới thai nhi hoặc trẻ đang bú. Thông thường, kháng sinh phải dùng đủ liều từ 7 - 10 ngày, đôi khi phải dùng kéo dài đến 2-4 tuần.
Thuốc corticoid: Tiêm corticoid tại chỗ có thể được chỉ định khi viêm khớp cùng chậu không có nhiễm trùng kèm theo và chỉ được áp dụng tại các cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp. Có thể dùng một số chế phẩm như hydrocortison, methyl prednisolon hay betamethasone. Lưu ý, mỗi mũi tiêm cách nhau 7-10 ngày, tiêm không quá 2 lần/đợt. Điều trị corticoid toàn thân trong một số trường hợp viêm khớp cùng chậu có nguyên nhân do bệnh lý cột sống huyết thanh âm tính với tiến triển nặng, không đáp ứng với các thuốc chống viêm không steroid hoặc trường hợp bệnh nhân phụ thuộc corticoid, liều dùng tùy thuộc mức độ tiến triển bệnh và cần giảm liều dần theo đáp ứng của bệnh nhân.
Bệnh viêm khớp cùng chậu thường hồi phục chậm. Viêm khớp cùng chậu nhiễm khuẩn tiên lượng phụ thuộc vào chẩn đoán sớm hay muộn, có biến chứng viêm nhiễm, tắc đường sinh dục kèm theo hay không. Một số ít trường hợp viêm khớp cùng chậu nếu để lâu ngày có thể dẫn đến dính khớp, làm cho khung chậu không thể giãn ra được trong thời kỳ mang thai và khi sinh, dẫn đến đẻ khó hay cần phải mổ đẻ. Vì vậy, người bệnh cần được phát hiện sớm và không được lơ là chuyện dùng thuốc. Cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định dùng thuốc của bác sĩ chuyên khoa và theo dõi tác dụng phụ trong quá trình dùng thuốc (nếu xảy ra) phối hợp với bác sĩ để được xử lý thích hợp.