1. Viêm khớp cùng chậu là gì?
Khớp cùng chậu gồm hai khớp nối giữa đoạn thấp nhất ở cột sống là khối xương cùng cụt và phần sau của xương chậu. Khớp cùng chậu là khớp bán động, bình thường không di động nhưng trong trường hợp đặc biệt, nhất là khi sinh đẻ sẽ làm căng giãn khớp cùng chậu dẫn đến các eo vùng tiểu khung có thể rộng ra và là điều kiện thuận lợi để gây viêm. Viêm khớp cùng chậu có thể là viêm vô khuẩn hay do nhiễm khuẩn và xảy ra ở một hay cả hai khớp.
Viêm khớp ở vùng chậu là một trong những nguyên nhân gây đau lưng dưới, mông hoặc đùi, lưng dưới, có thể kéo dài xuống một hoặc cả hai chân, bàn chân và làm giới hạn các động tác cúi, ngửa, xoay… Nếu người bệnh đứng lâu hoặc bước lên cầu thang, cơn đau sẽ trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, bệnh thường khó chẩn đoán vì có nhiều vị trí đau tương tự như đau thần kinh tọa, viêm khớp cột sống, thoát vị đĩa đệm…
2. Nguyên nhân gây viêm khớp cùng chậu
- Do bị chấn thương: Té ngã, tai nạn xe cơ giới, chơi thể thao… làm tác động lên khớp xương cùng hoặc các dây chằng hỗ trợ bao quanh dẫn đến viêm.
- Bị viêm khớp: có thể xảy ra ở các khớp xương cùng do tình trạng đứt dây chằng gây bào mòn và hư hại khớp.
- Bị viêm cột sống dính khớp: là tình trạng viêm ở các khớp cột sống, trong đó viêm khớp cùng chậu là triệu chứng ban đầu.
- Viêm khớp vảy nến: gây viêm các khớp cột sống, trong đó có các khớp cùng chậu.
- Mang thai: do tác động của hormone khiến cho các cơ và dây chằng của xương chậu giãn ra, các khớp cùng chậu lỏng lẻo. Hơn nữa, trọng lượng thay đổi cũng gây áp lực lên khớp cùng chậu, làm cho chúng nhanh mòn và dễ viêm hơn.
- Do bị nhiễm trùng: viêm túi thừa sinh mủ do vi khuẩn Staphylococcus aureus, nhiễm khuẩn dây chằng hoặc các mô mềm quanh khớp cùng chậu, viêm đại tràng, viêm vùng kín ở phụ nữ… cũng có thể gây viêm khớp cùng chậu.
Bên cạnh đó, những người có bệnh lupus ban đỏ hệ thống, gút, tiểu đường… cũng được xem là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn người khác.
3. Dấu hiệu nhận biết
- Dấu hiệu đầu tiên của viêm khớp cùng chậu thường là đau vùng thắt lưng cùng, đau giữa hai mông, đau vùng chậu hông. Do vậy nhiều khi dễ nhầm lẫn với đau do thần kinh tọa, thoát vị đĩa đệm hay do căng cứng cơ. Đau thường âm ỉ, kéo dài làm bệnh nhân rất khó chịu.
- Một số trường hợp viêm khớp cùng chậu khi mang thai (đặc biệt hay gặp sau đẻ), người bệnh đau rất dữ dội, dù ở tư thế ngồi hay nằm nghiêng, nằm sấp, nằm ngửa đều đau, đặc biệt đau tăng khi cử động dù rất nhẹ. Đau có thể lan xuống đùi, cẳng chân giống như đau dây thần kinh tọa. Thường đau tăng khi đứng lâu, dạng chân, khi đứng dồn lực vào một bên chân, hoặc khi leo cầu thang, khi chạy.
4. Điều trị viêm khớp cùng chậu
Cần nghỉ ngơi trong giai đoạn đau cấp, đau nhiều. Ở giai đoạn sau, đỡ đau, người bệnh cần tập các bài tập thể dục để duy trì các chức năng vận động của cột sống, tránh co cơ cũng như các tư thế sai trong sinh hoạt hàng ngày.
Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sỹ sẽ có hướng điều trị như:
Dùng thuốc:
- Thuốc giảm đau đơn thuần: Có thể lựa chọn một trong các thuốc giảm đau như Acetaminophen (Paracetamol, Tylenol...). Chú ý thận trọng khi dùng thuốc, đặc biệt ở những bệnh nhân suy gan, tăng men gan.
- Các loại thuốc kháng viêm không steroid: Diclofenac, Meloxicam...
- Trong trường hợp viêm khớp cùng chậu có nhiễm khuẩn đường tiết niệu, sinh dục phải dùng thuốc kháng sinh kèm theo. Lưu ý với viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ mang thai, cho con bú phải rất thận trọng khi dùng thuốc kháng sinh vì có thể ảnh hưởng tới thai nhi hoặc trẻ đang bú.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ hướng dẫn:
Chườm đá và nhiệt xen kẽ để giảm đau và viêm; vật lý trị liệu và tập thể dục. Điều trị vật lý trị liệu giúp giảm đau, chống viêm tại khớp cùng chậu như: Vi sóng, sóng ngắn, siêu âm, từ trường, điện xung, điện phân…
Khi điều trị nội khoa không đáp ứng bác sĩ có thể chỉ định:
- Tiêm corticosteroid trực tiếp vào khớp.
- Kích thích điện vào khớp và kích thích cột sống.
- Phẫu thuật trong các trường hợp bệnh nghiêm trọng.
5. Viêm khớp cùng chậu có chữa khỏi được không?
Viêm khớp cùng chậu khá lành tính và sẽ được cải thiện tốt bằng các phương pháp điều trị bảo tồn.
Bệnh có thể được chữa trị khỏi khi bệnh nhân đến thăm khám và điều trị sớm. Ngoài các phương pháp điều trị chính, bệnh nhân sẽ được khuyến khích tập thể dục thường xuyên để ngăn ngừa thoái hóa xương khớp, giảm cân bằng chế độ ăn uống lành mạnh, bỏ thuốc lá và hạn chế uống rượu bia. Tuy nhiên, quá trình phục hồi có thể mất ít nhất từ 2-4 tuần. Bệnh sẽ tái phát nếu bệnh nhân không thay đổi lối sống và tuân thủ theo các chỉ định điều trị đến từ bác sĩ chuyên khoa.
Viêm khớp cùng chậu gặp nhiều ở nữ giới, nhưng nam giới cũng không nên chủ quan, cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Tập luyện đúng cách; Tránh vận động sai tư thế; Tăng cường sức khỏe; Ăn uống sinh hoạt hợp lý; Điều trị dứt điểm các bệnh lý liên quan như viêm đại tràng, trực tràng, bệnh phụ khoa, thận tiết niệu… (nếu có). Cần đi khám và điều trị ngay khi có những biểu hiện của bệnh.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
Sáng 4/8: Tiết Lộ Nhân Vật Quan Trọng Vắng Mặt Trong Vụ Nữ Sinh Tử Vong Ở Ninh Thuận | SKĐS