Hà Nội

Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh do đâu?

09-04-2023 07:09 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Viêm kết mạc là một trong những bệnh về mắt thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ sơ sinh cũng có thể mắc bệnh này do tình trạng hệ miễn dịch còn non yếu. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Viêm kết mạc ở trẻ em phòng và phát hiện như thế nào?Viêm kết mạc ở trẻ em phòng và phát hiện như thế nào?

SKĐS - Viêm kết mạc ở trẻ hay còn gọi là đau mắt đỏ là bệnh phổ biến. Tuy là bệnh lành tính nhưng có tỷ lệ biến chứng khoảng 20%, chủ yếu là viêm giác mạc. Trẻ rất dễ bị biến chứng do dụi mắt và vệ sinh mắt không triệt để. Nếu không điều trị kịp thời có thể để lại sẹo giác mạc, gây giảm thị lực.

Lý do khiến trẻ sơ sinh mắc viêm kết mạc

Kết mạc mắt bao gồm kết mạc nhãn cầu, là lớp màng mỏng trong suốt ở bề mặt lòng trắng và kết mạc mi, là lớp niêm mạc lót bên trong mi trên và mi dưới. Khi lớp niêm mạc này bị viêm do các tác nhân gây ra gọi là bệnh viêm kết mạc.

Ở trẻ sơ sinh tình trạng viêm kết mạc rất khó xác định nguyên nhân, thông thường các biểu hiện hay gặp là trẻ tắc tuyến lệ hoặc do tình trạng nhiễm virus hay vi khuẩn truyền từ mẹ sang con.

Các ghi nhận thực tế cho thấy, viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh phổ biến nhất là do các nguyên nhân gây bệnh sau:

- Do Chlamydial

Viêm kết mạc do Chlamydia Trachomatis ở trẻ sơ sinh được nhiều nhà chuyên môn cho rằng có nguyên nhân từ người mẹ. Các nghi vấn cho rằng, khi người mẹ bị nhiễm vi khuẩn Chlamydia nếu không được điều trị có thể lây truyền cho trẻ khi sinh. Biểu hiện của viêm kết mạc bao gồm: đỏ mắt, sưng mí mắt và dử mắt dạng mủ, có thể xuất hiện từ 5 đến 12 ngày sau khi sinh.

Nghiên cứu cho thấy có khoảng một nửa số trẻ sơ sinh bị viêm kết mạc Chlamydia cũng bị nhiễm trùng ở các bộ phận khác của cơ thể. Vi khuẩn Chlamydia có thể lây nhiễm sang phổi và vòm họng của trẻ.

- Do lậu cầu

Viêm kết mạc do lậu cầu có nguy cơ gây tổn hại giác mạc, bởi bệnh tiến triển nặng nề. Neisseria Gonorrhoeae gây viêm kết mạc lậu cầu, cũng như lây truyền qua đường tình dục, được gọi là bệnh lậu. Quá trình mang thai, phụ nữ mắc bệnh lậu nếu không được điều trị có thể truyền vi khuẩn cho trẻ trong khi sinh.

Các biểu hiện viêm kết mạc do lậu cầu ở trẻ là mắt đỏ, dử mắt dạng mủ đóng dày và sưng mí mắt. Các đặc trưng rõ nhất thường bắt đầu từ 2 đến 4 ngày sau khi sinh và hệ lụy kèm theo có thể là nhiễm trùng máu, viêm não - màng não...

- Do vi khuẩn và virus khác

Bên cạnh các vấn đề trên, viêm kết mạc ở trẻ còn có thể do virus và vi khuẩn khác. Các vi khuẩn thường sống trong âm đạo của người mẹ, không lây truyền qua đường tình dục nhưng có thể gây viêm kết mạc. Hoặc các loại virus gây ra mụn rộp sinh dục và miệng có thể gây viêm kết mạc sơ sinh và tổn thương mắt nghiêm trọng. Người mẹ có thể truyền virus này cho con trong khi sinh.

Mặc dù viêm kết mạc do virus Herpes ít phổ biến hơn là các loại virus, vi khuẩn khác, nhưng khi gây viêm kết mạc cũng có các biểu hiện mắt trẻ sơ sinh đỏ và mí mắt bị sưng, một số trường hợp đi kèm với mủ mắt.

Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân nào? - Ảnh 2.

Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh rất dễ mắc do nhiễm vi khuẩn từ mẹ. Ảnh minh hoạ.

Điều trị viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh

Tùy từng trẻ, tùy từng nguyên nhân mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp. Nếu là viêm kết mạc do Chlamydial thì các bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh uống và kết hợp với kháng sinh tại chỗ. Nếu trẻ viêm kết mạc do lậu cầu, các bác sĩ cũng chỉ định nhỏ thuốc, tra thuốc tích cực và có thể cân nhắc dùng thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch để điều trị viêm kết mạc do lậu cầu.

Tùy từng loại vi khuẩn và virus mà các bác sĩ chỉ định các biện pháp điều trị, cũng như các phương pháp hỗ trợ cho phù hợp với trẻ. Tuy nhiên, đa số viêm kết mạc có nguyên nhân là virus thì việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ giảm kích ứng bằng thuốc chống viêm, đồng thời dùng các thuốc bôi trơn bảo vệ nhãn cầu, giảm bớt kích thích mắt.

Tóm lại: Viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh rất dễ mắc do nhiễm vi khuẩn từ mẹ. Có thể ở cơ thể người mẹ không có bất kỳ một biểu hiện nào, nên người mẹ không thể nhận biết được. Cũng có một số trường hợp hiếm hoi, các vi khuẩn này có thể khiến trẻ sơ sinh phát triển một dạng viêm kết mạc nghiêm trọng - viêm kết mạc có mủ (Ophthalmia Neonatorum), cần được điều trị sớm ngay khi sinh. Vì vậy, thông thường sau khi sinh trẻ được khám sàng lọc và cũng có trường hợp các bác sĩ chỉ định cần tái khám sau đó.

Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh nếu thấy có biểu hiện bất thường, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc tra mắt cho trẻ, không chữa theo mách bảo, vì có thể nguy hại đến sức khỏe của trẻ.

Mời độc giả xem thêm video:

Đừng Coi Thường Bệnh Đau Mắt Đỏ! 4 thảo dược hỗ trợ trị đau mắt đỏ | SKĐS



BS. Lưu Hồng Ngọc
Ý kiến của bạn