1. Thế nào là viêm kết mạc dị ứng?
Kết mạc mắt là tấm màng mỏng che phủ bên ngoài và bên trong của mí mắt. Viêm kết mạc dị ứng là tình trạng kết mạc bị đỏ, viêm, do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng: nấm mốc, phấn hoa, mạt bụi,… Đây là tình trạng thường đi kèm với các triệu chứng ở các cơ quan khác như mũi và tai.
Cũng giống như tất cả các bệnh dị ứng khác, viêm kết mạc dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch xác định một chất vô hại như là một chất gây dị ứng làm cho hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức và sản xuất các kháng thể được gọi là globulin miễn dịch (IgE). Những kháng thể này đi đến các tế bào và giải phóng các hóa chất trung gian và gây ra phản ứng dị ứng.
Các phản ứng dị ứng kết mạc bao gồm chảy nước mắt, sưng, ngứa, đau, đỏ.
2. Nguyên nhân gây viêm kết mạc dị ứng
-Phấn hoa là nguyên nhân hàng đầu, phổ biến nhất gây ra tình trạng viêm đỏ ở kết mạc. Các hạt phấn hoa có mặt trong không khí nên dễ dàng tiếp xúc với cơ quan hô hấp, mắt,… và là nguyên nhân, tác nhân gây ra các triệu chứng dị ứng.
-Nấm mốc
-Lông mèo chó
-Hóa chất
-Mạt bụi, không khí ô nhiễm
3. Triệu chứng viêm kết mạc dị ứng
Bệnh thường biểu hiện ở cả hai mắt. Triệu chứng điển hình bao gồm:
-Ngứa ở mắt
-Chảy nước mắt
- Đỏ mắt
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Sưng ở mí mắt
- Cảm giác rát ở mắt.
Các triệu chứng này có thể xảy ra một mình hoặc song hành với các triệu chứng viêm mũi dị ứng. Chúng thường xuất hiện sau thời gian ngắn khi tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng. Các triệu chứng dị ứng theo mùa thường có xu hướng xấu hơn nếu do các chất gây dị ứng trong nhà: lông vật nuôi, mạt bụi…
Các triệu chứng dị ứng ở mắt có thể rất khó chịu, tuy nhiên ít khi đe dọa đến thị lực, đôi khi có thể tạm thời làm mờ mắt. Không giống như đau mắt đỏ, viêm kết mạc dị ứng không lây nhiễm. Tuy nhiên, mắt đỏ, ngứa, rát và sưng húp có thể gây ra bởi nhiễm trùng và các bệnh lý khác có thể đe dọa thị lực.
Các triệu chứng khó chịu này có thể giảm khi dùng thuốc chống dị ứng: thuốc kháng histamine, thuốc giúp ngăn chặn các phản ứng dị ứng.
4. Đối tượng có nguy cơ mắc viêm kết mạc dị ứng
Viêm kết mạc dị ứng hay xuất hiện ở các đối tượng:
- Có tiền sử gia đình người thân mắc các bệnh dị ứng mắt.
- Những người bị viêm da dị ứng mạn tính, chàm mãn tính, hen suyễn, sốt cỏ khô…
5. Điều trị thế nào?
Dựa vào kết quả thăm khám bác sĩ sẽ chỉ định thuốc.
-Nếu viêm kết mạc dị ứng kèm theo các triệu chứng ở mũi và tai, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc histamine đường uống để kiểm soát các triệu chứng bệnh: Chlorpheniramin, Cinnarizin, Alimemazin…
Cần thận trọng khi uống thuốc kháng histamine vì thuốc nhiều khi sẽ gây tình trạng buồn ngủ và thiếu tập trung. Cần hạn chế và lưu ý khi lái xe hoặc vận hành máy móc trong thời gian uống thuốc. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, bệnh nhân nhược cơ, phụ nữ mang thai, bệnh nhân bị u xơ tiền liệt tuyến,… nên tham khảo ý kiến bác sĩ và thận trọng khi uống.
-Bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thuốc tra mắt để làm giảm triệu chứng sưng, đỏ, sung huyết, ngứa ngáy, chảy nước mắt như: Thuốc kháng histamine (Emadine, Azelastine…); Thuốc chống viêm không steroid (Ketorolac, Diclofenac..); Thuốc ổn định tế bào mast (Lodoxamide, Pemirolast…); Thuốc co mạch (Tetrahydrozolin, Naphazoline, Phenylephri…)
-Trường hợp bội nhiễm, bác sĩ có thể cho sử dụng kháng sinh trong 10 – 14 ngày để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Thuốc nhỏ mắt chứa corticoid có hiệu quả với bệnh, tuy nhiên thuốc thường gây tác dụng phụ, ngay cả khi sử dụng trong một thời gian ngắn. Vì thế việc sử dụng các thuốc này nên được chỉ định bởi bác sĩ nhãn khoa, tránh các tác dụng phụ: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và nhiễm trùng…
6. Phòng ngừa viêm kết mạc dị ứng
Áp dụng các biện pháp ngăn ngừa viêm kết mạc dị ứng, bao gồm:
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như không khí ô nhiễm, phấn hoa, lông chó mèo, mạt bụi, nấm mốc…
- Đeo khẩu trang, kính khi đi ngoài trời, nhất là vào thời tiết hanh khô và nhiều gió.
- Không dụi tay vào mắt.
- Vệ sinh thường xuyên và sử dụng vật dụng vệ sinh cá nhân riêng
- Khi làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói và hóa chất cần mang mắt kính bảo vệ mắt
- Dùng nước muối nhỏ mắt sau khi tiếp xúc với khói bụi để rửa sạch chất gây dị ứng.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C và E trong các bữa ăn hàng ngày để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và mắt.
Viêm kết mạc dị ứng nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau vài ngày. Tuy nhiên nếu để bệnh kéo dài, virus và vi khuẩn có thể xâm nhập và gây ra tình trạng bội nhiễm rất nguy hiểm cho mắt.
Mời xem video nhiều người quan tâm:
7 lợi ích của vitamin C