Hà Nội

Viêm kết mạc cấp

25-10-2012 07:39 | Bệnh thường gặp
google news

Viêm kết mạc cấp là tình trạng nhiễm trùng mắt, còn gọi là đau mắt đỏ. Bệnh thường khởi phát đột ngột (cấp tính), lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia.

(SKDS) - Viêm kết mạc cấp là tình trạng nhiễm trùng mắt, còn gọi là đau mắt đỏ. Bệnh thường khởi phát đột ngột (cấp tính), lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia.

Viêm kết mạc dễ lây lan có thể gây thành dịch. Khi một người trong gia đình mắc có thể lây ra cả nhà rồi lây lan ra cả cộng đồng, nhất là những nơi tập trung đông người như cơ quan, trường học… Bệnh thường kéo dài vài ngày, có thể đến vài tuần.

Nguyên nhân gây viêm kết mạc cấp thường gặp do vi khuẩn hoặc virus.

Viêm kết mạc cấp do virus gặp sau khi bị sốt virus, viêm phổi cấp hoặc sau sởi, hoặc bị nhiễm virus simplex hoặc herpes zoster.

Viêm kết mạc do vi khuẩn gây ra như liên cầu, tụ cầu, phế cầu. Đặc biệt, viêm kết mạc do lậu gặp ở trẻ sơ sinh do lây truyền từ mẹ sang con là một bệnh rất nguy hiểm có thể gây biến chứng nặng nề nếu không được điều trị kịp thời

Triệu chứng

Viêm kết mạc thường bắt đầu khi mắt cảm thấy khó chịu, sau đó cộm như có cát trong mắt, mắt nhiều dử, buổi sáng ngủ dậy hai mắt khó mở do nhiều dử dính chặt. Dử mắt có thể màu xanh hoặc vàng tùy tác nhân gây bệnh.

Hai mi mắt sưng nề, mọng, mắt đỏ do cương tụ mạch máu. Một số trường hợp viêm kết mạc có giả mạc (giả mạc là lớp màng dai trắng khi lật mi mới thấy) thường lâu khỏi hơn các trường hợp khác.

Chẩn đoán viêm kết mạc cấp thường dễ nhận thấy khi có các triệu chứng như trên. Trong viêm kết mạc cấp thị lực của người bệnh không giảm trừ khi có biến chứng viêm giác mạc.

Phòng bệnh và điều trị

Khi bị viêm kết mạc cấp phải đi khám tại cơ sở chuyên khoa mắt, không được tự ý mua thuốc tra nhỏ. Điều trị có hiệu quả nhất khi tìm được nguyên nhân gây bệnh.

Nếu viêm kết mạc do vi khuẩn, dùng các thuốc rửa mắt như nước muối 0,9%, sau đó tra dung dịch kháng sinh và mỡ kháng sinh như tobramyxin, ofloxaxin… có thể uống thêm thuốc giảm phù.

Nếu viêm kết mạc do virus thường dùng kháng sinh tra mắt để phòng bội nhiễm chứ kháng sinh không diệt được virus.

Trong trường hợp viêm kết mạc có giả mạc phải bóc giả mạc trước khi tra thuốc để thuốc ngấm tốt hơn.

Để phòng bệnh, cần giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân. Rửa tay thường xuyên với xà phòng, đặc biệt sau khi tiếp xúc với người bệnh. Dùng riêng khăn, chậu rửa mặt khi bị bệnh để tránh lây lan sang người khác. Không tự ý mua thuốc tra nhỏ hoặc dùng thuốc của người khác tra nhỏ khi bị bệnh. Không tự đắp lá trầu, lá dâu vào mắt… vì có thể gây nhiễm trùng nặng thêm.

BS. ThS. Trần Thị Thúy Hồng


Ý kiến của bạn